“Chu Văn Quềnh” trở lại với hài Tết sau cơn bạo bệnh
(Dân trí) - "Không nên hoãn cái sự sung sướng ấy lại" - Quềnh của “Đất và người” nói thế. Còn với Hán Văn Tình ngoài đời, đặc biệt từ sau cuộc chiến với những tháng ngày sinh tử, câu nói cửa miệng của ông là: "Bình thường thôi, có gì đâu"
Thoát chết kì diệu từ tay tử thần
Vẫn cái chất giọng sang sảng, đậm chất quê, anh Quềnh trong “Đất và người” ngày nào luôn khiến người đối diện cảm thấy thật gần gũi, thoải mái. Một nghệ sĩ chân chất, không cầu kỳ, không câu nệ.
Gặp chúng tôi nghệ sĩ hào hứng khoe sức khỏe ông đã tương đối tốt. “Nhận định chủ quan là đạt tới 80 - 90% so với ban đầu. Chỉ có điều mình luôn phải hết sức cẩn thận vì tuổi cũng cao rồi. Có những cái lặt vặt, trước kia không sao nhưng giờ trái gió giở trời là nó phát lên. Trước đây cắt móng tay không may phạm vào tí cũng chẳng sao, giờ có khi đau mất cả tuần", Hán Văn Tình nói.
Tròn 1 năm nghệ sỹ Hán Văn Tình nhập viện vì ung thư phổi. Đó là đêm 31/12/2014, 4 ngày sau đêm diễn “Tiếng gọi non sông” thì nghệ sĩ đổ bệnh, phải đưa đi cấp cứu.
Nhớ lại cảm giác khi đối diện bệnh ung thư, nghệ sĩ bảo: "Mới đầu nghe kết quả mình cũng choáng, nhưng choáng 30 phút thôi, rồi phải bình thường ngay. Bởi người bệnh như mình mà không bình tĩnh, tư tưởng vững vàng thì người nhà sống làm sao được".
Ông kể: “Sau gần một tháng điều trị, mình xin về. Nếu xạ trị hay dùng thuốc thì mỗi ngày sẽ tốn hơn một triệu đồng. Lương nhà hát có 5 triệu một tháng, mình không thể kham nổi. Mình bảo vợ thôi không chữa được đâu, đi về. Biết đâu mình chết mà để lại nợ rồi vợ khổ, con khổ là mình không muốn.
Nhưng vừa ra viện một ngày (24/1/2015) thì lại phải vào cấp cứu. Dịch tràn cả lít ra màng phổi và mình gần như không ăn uống được nữa. Cơ thể sút từ 55 xuống 50 cân. Có lúc mình nghĩ: Thôi chắc là chết rồi. Thế mà, trời thương”.
Nghệ sĩ tâm sự: “Bây giờ, ngẫm lại tôi mới thấy thành quả của sự cố gắng trong lao động nghệ thuật của mình. Những vai diễn như Chu Văn Quềnh không mang lại cho tôi nhiều tiền bạc nhưng nó mang lại rất nhiều tình cảm của khán giả. Tình cảm ấy đã trỗi dậy và giúp đỡ tôi có thể chiến thắng căn bệnh ung thư”.
Rồi nghệ sĩ ngậm ngùi: “Càng vui vì mình bao nhiêu thì lại càng buồn cho đồng nghiệp bấy nhiêu. Có những nghệ sĩ khác, họ khổ hơn tôi, bệnh nặng hơn tôi nhưng lại chưa được mọi người quan tâm nhiều lắm. Giá như, nghệ sĩ nào cũng được khán giả quan tâm giúp đỡ thì có lẽ họ đã đỡ khổ hơn, cuộc đời đã đẹp hơn rất nhiều”.
Chỉ mong khỏe hơn để vui với nghề
Giờ đây, khi sức khỏe đã hồi phục nghệ sĩ lại khao khát được làm nghề, được gần gũi với khán giả mang đến cho họ niềm vui.
Tôi hỏi: “Có ai mời nghệ sĩ đi diễn trở lại không?” Hán Văn Tình nói: "Công việc bên nhà hát Tuồng mình vẫn quản lí, nhưng tham gia các vai diễn thì phải nhường cho lớp trẻ thôi, diễn một vai trong tuồng rất tốn sức. Còn về phim, nếu mời chắc họ chỉ mời những ngăn ngắn thôi, chứ phim dài đóng chưa xong đã đi rồi thì chết à. Người ta cũng phải tính toán chứ", Hán Văn Tình đùa.
Nghệ sĩ cho biết, gần đây ngoài tham gia một số tiểu phẩm truyền hình cho đài Hà Nội hay Bắc Ninh ông còn tham gia quay các bộ phim hài ngắn cho Tết như: Thông gia đón tết, Tết lo phết…
Tôi gợi nhắc đến vai diễn “để đời” Chu Văn Quềnh, hay Khuỳnh trọc thì nghệ sĩ cười: “Thời đó xa lắm rồi! Nhiều lúc buồn, cũng nhớ nghề lắm, hay xem lại những vở đã diễn, những phim đã đóng”.
Hán Văn Tình hồ hởi kể chuyện ngày xưa, khi còn là đứa trẻ một mình từ Phú Thọ xuống Hà Nội thi tuyển vào trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. "Quê mình ở xã Văn Lang 'cả làng nói phét' đấy. Hồi đó học lớp 7, ở trên quê nói đến Hà Nội vẫn là điều trong mơ.
Mình xuống Hà Nội trong ngày trời không nắng, không mưa, lên tầng thượng nhìn không biết hướng nào là nhà. Muốn khóc cũng không khóc nổi. Một mình mình tự mày mò, học hành. May được cụ Tốn - cụ tổ tuồng Bắc - và cụ Trà nhận là chỗ thân quen. Ngẫm lại thấy cuộc sống của mình tự lập nhiều. Đến giờ mình vẫn dạy con cái phải như thế".
Kể từ ngày Hán Văn Tình được đạo diễn Lưu Trọng Ninh để mắt và chọn vào đóng phim nhựa Canh bạc, nghệ sỹ có duyên góp mặt trong nhiều phim cả điện ảnh lẫn truyền hình. Phải kể đến như Vụ áp phe Đông Dương, Hoa ban đỏ, Phía trước là bầu trời, Người thổi tù và hàng tổng, Đất và người, Bão qua làng...
Ngoài đời trông giản dị, chân chất nhưng Hán Văn Tình thường xuất hiện trong phim với những vai vừa gây cười vừa có chút ranh mãnh, tai quái. Ông lý giải: "Cá tính ngoài đời với phim ảnh nó cũng giống nhau ít thôi, chứ giống hệt thì chết.
Ngoài đời, ít hay nhiều mình cũng là người nghệ sĩ, lại làm công tác quản lý nên bắt buộc phải có những khuôn thước nhất định. Chứ ba ngang ba ngửa như Chu Văn Quềnh hay cái anh Trương Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng thì đâu có được. Nhân vật thuộc típ như thế thì mình phải đóng theo. Diễn viên phải dựa theo ý đồ của tác giả và đạo diễn".
Suốt cuộc trò chuyện, Hán Văn Tình luôn vui vẻ, ánh mắt lấp lánh niềm vui, nụ cười hạnh phúc. Trên tất cả, bằng chính câu chuyện của mình nghệ sĩ nói với những khán giả đã yêu quý mình ‘Hãy lạc quan, yêu đời và hãy tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống”.
Quỳnh Nguyên