"Chủ tịch tỉnh" Phạm Cường từng làm thợ xây

Trước khi đến với ánh đèn sân khấu, NSƯT Phạm Cường từng một thời làm công nhân, thợ xây...

Từ công nhân đến Phó giám đốc Nhà hát kịch Quân đội


Từ công nhân đến Phó giám đốc Nhà hát kịch Quân đội

Ít ai biết rằng trước khi đến với ánh đèn sân khấu, với những thước phim đầy mồ hôi và nước mắt trên màn ảnh, NSƯT Phạm Cường từng là thợ sơn, thợ làm bánh, thợ xây, công nhân…

Dù rằng gia đình cũng không khó khăn về kinh tế, bố mẹ không bắt con cái phải vất vả, nhưng anh vẫn cùng bạn bè làm những công việc ấy trong lúc chờ kết quả thi tuyển, để hiểu hơn giá trị đồng tiền và những mồ hôi nước mắt giữa cuộc sống bề bộn lo toan.

Anh không kể nhiều về những tháng ngày hoang mang chọn cho mình một lối đi giữa hàng trăm ngã rẽ của tuổi 18 nhiều hoài bão ấy, anh chỉ nói định mệnh đưa anh đến với ngôi trường Đại học Sân khấu điện ảnh, để rồi gắn bó và cống hiến cả cuộc đời với môn nghệ thuật thứ bảy khắc nghiệt cần lòng đam mê đến tận cùng.

NSƯT Phạm Cường tâm sự, anh từng quan niệm đã là người đàn ông, nghề nào cũng nên biết, đừng ngại khó khăn, nhưng khi đã chọn cho mình một nghề để đi đến tận cùng rồi, thì nên sống hết mình với nó. Đó là lý do vì sao từ khi bước vào con đường lao động nghệ thuật, anh không cho mình có bất cứ sự lựa chọn nào khác để dấn thân.

Có lẽ vì thế mà đến bây giờ, dù ở cương vị Phó giám đốc Nhà hát kịch Quân đội, anh vẫn lao động hăng say như cái thời trai trẻ mới bước vào nghề năm nào. Bởi người nghệ sỹ trong anh quan niệm, nghệ thuật không có đỉnh cao, và anh vẫn còn sức lực, còn thời gian, còn hướng sự thành công tới những vai diễn mới.

Là cái tên và gương mặt thuộc nằm lòng trong công chúng, nhưng anh tự nhận vẫn không thấy hài lòng với bản thân ở bất cứ thể loại nào, ở dạng vai nào anh cũng cố gắng cho những vai chưa tới chứ không phải ngồi vuốt ve những vai đã qua:

‘Khi người nghệ sỹ đã biết hài lòng với vai diễn của họ, nghĩa là người ta không có khả năng làm những vai sắp tới nữa. Khi nào họ ngoái lại ngắm nghía những thành công của họ rồi, thì có lẽ lúc đó họ đã bất lực. Sự thành công của nghệ thuật, luôn dừng lại ở mức tiệm cận.’

Người xem hẳn còn ấn tượng với mộtChủ tịch tỉnhTrí Tuệ, nhưng cũng không quên một đại gia Quân tàn bạo trongMặt nạ da người,để thấy, sự hóa thân tài tình trong nhiều dạng vai gần như đối lập.

NSƯT Phạm Cường quan niệm được đóng nhiều dạng vai là sự phấn đấu của mỗi người nghệ sỹ trong quá trình làm nghề, nếu như đã xác định cả cuộc đời gắn bó sống chết với nghề mà chỉ quanh quẩn tồn tại trong lòng công chúng với một dạng vai, thì sớm muộn mình cũng lặp lại lối mòn cũ kỹ trong cách thể hiện.

Thế nên anh luôn tự ý thức đào sâu khai thác chất liệu của mình bằng cách đọc, quan sát, tìm hiểu để biến mình trở thành chất liệu đa năng, để hoạt động lâu dài hơn.

Mấy chục năm làm nghề, góp mặt trong gần 800 tập phim, NSƯT Phạm Cường nhận ra rằng, nghệ thuật chẳng phải con đường dễ đi. Nó là sự tổng hợp của tài năng, may mắn, của lao động miệt mài, của xả thân cống hiến, của tình yêu nguyên vẹn thực sự dù có gian khổ đến chừng nào. Và điều quan trọng, hãy biết cách từ chối để giữ cho mình lòng tự trọng của một người nghệ sỹ.

Không nghề nào ‘bạc’ với người có lòng đam mê

Dạo một vòng quanh các trang báo, thấy nơi nào cũng lấp lánh những biệt thự, xe hơi, hàng hiệu xa hoa hàng tỷ đồng, mà một Phó giám đốc Nhà hát kịch Quân đội như Phạm Cường vẫn phải chở vợ đi chơi bằng chiếc xe máy giản dị, nhiều người hỏi liệu có khó tin? Hay nghệ thuật khó khăn với miếng cơm manh áo đến vậy?

NSƯT Phạm Cường chỉ cười rồi nói, cuộc sống của gia đình anh không đến mức khó khăn đến thế với miếng cơm manh áo, mặc dù, chẳng ai biết chữ ‘đủ’ trong tài chính: ‘Hai vợ chồng làm nghề bao nhiêu năm nay, chúng tôi không nghèo khổ, cũng không quá vương giả, nhưng nó đảm bảo cho gia đình giữ sự tự trọng trước mọi sự cám dỗ.

Siêu xe hay biệt thự triệu USD thì chắc chắn chẳng bao giờ mơ tới rồi, còn để mua một chiếc xe hơi hay những tiện nghi để cuộc sống hưởng thụ hơn, có lẽ không phải không mua được, nhưng hai vợ chồng đều muốn dành mọi sự ưu tiên hàng đầu cho con cái, bởi cả hai con còn cả một tương lai phía trước.

Nghệ thuật thì không khó khăn quá đến vậy, tôi vẫn hay nói dùng từ cát-xê cho những người nghệ sỹ như chúng tôi nghe có vẻ hơi to tát, mà chỉ nên dùng từ tiền bồi dưỡng, bởi với cơ chế làm phim của mình, với số tiền bỏ ra làm phim thì số tiền người nghệ sỹ nhận được không có giá trị tích lũy quá cao. Nghĩa là để sống lộng lẫy xa hoa thì khó, nhưng nếu chăm chỉ làm nghề, thì đủ để nuôi tiếp lòng đam mê.’

Thế nên anh tự thấy hài lòng với những gì mà mình có được ngày hôm nay sau nhiều năm tháng làm nghề.

Quan niệm giản dị là vậy, nhưng nhiều người vẫn thấy, dường như nghệ thuật có cái gì đó ‘bạc’ so với công sức người nghệ sỹ bỏ ra, bởi gần 800 tập phim, khoan nói tới chuyện hay, dở, nhưng đó là mồ hôi, công sức đầy vất vả, là ước mơ cả đời của nhiều người khi liên tục xuất hiện trên truyền hình, vậy mà nó vẫn chẳng đủ cho người ta có cuộc sống đủ đầy dư dả.

Nhưng dường như quan niệm ‘nghề bạc’ ấy không tồn tại trong suy nghĩ của NSƯT Phạm Cường: ‘Tôi nghĩ nghề nào mà người ta cảm thấy bất lực thì họ sẽ hơi nặng nề gán cho từ ‘bạc’, ngay cả nghề giữ tiền cho thiên hạ như nghề ngân hàng tôi vẫn thấy có người nói đồng tiền nó bạc lắm, tôi nghĩ đó chỉ là quy luật tất yếu khi chúng ta nhìn cuộc sống với cái nhìn mặc cảm.

Câu chuyện ‘bạc’ với nghề cũng làm tôi nhớ tới một điển tích lịch sử sâu xa của Trung Quốc, trong hoàn cảnh bạn bè quay lưng, Mạnh Thường Quân đã thốt lên đời bạc, đã có người nói với ông rằng: ai cũng biết chợ còn hàng thì còn người đến chợ, chợ hết hàng thì ai đến chợ làm gì.

Nói vậy để thấy, đó chỉ là một quy luật hết sức bình thường của cuộc sống vốn dĩ đã nhiều biến cố và bất ngờ.

Có lẽ, mỗi người nên xác định mục đích sống trong từng giai đoạn của cuộc đời này, để hướng sự phấn đấu đến mục đích đó một cách cao thượng và đẹp đẽ nhất.

Còn với cái nghề diễn, hãy xác định mục đích của anh là gì? Nếu anh chỉ muốn mình góp mặt trong đời sống khán giả, được dư luận yêu mến, được khát khao cống hiến thì tự sẽ biết tìm cho mình cách để thấy hạnh phúc. Nếu anh quan niệm cái anh cần để lại là những vai diễn, người đời có thể quên cá nhân anh đi, nhưng nhắc tới vai diễn họ nhớ ngay lập tức, thì nghĩa là anh đã thành công.

Đừng chỉ nhìn vào giá trị của đồng tiền để thấy nó ‘bạc’. Và hơn hết, sẽ chẳng có nghề nào bạc với người có lòng đam mê".

Mang dáng dấp thư sinh, tưởng rằng NSƯT Phạm Cường được đo ni đóng giày cho những vai tri thức hiền lành, vậy mà không ngờ có những khi hóa vai trùm lâm tặc, anh bị dọa bắn chết ngay trên sân khấu.

Theo An Yên
VTC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm