1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Bộ Văn hoá:

“Chủ công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng đã cố tình vi phạm pháp luật”

(Dân trí) - Sáng nay (8/10), Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thường kỳ Quý III năm 2019. Cuộc họp “nóng” bởi các vấn đề xử lý công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng - Hà Giang và chuyện quản lý tiền công đức tại các cơ sở thờ tự qua sự việc của sư Thích Thanh Toàn.

Bày tỏ quan điểm của Bộ VHTT&DT về công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng và hướng xử lý, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL cho biết, chiều 6/10, Cục Di sản văn hóa đã có thông tin thông tin bước đầu về công trình này.

“Chủ công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng đã cố tình vi phạm pháp luật” - 1

Toàn cảnh cuộc họp báo sáng nay tại Bộ VHTT&DL.

Theo đó, Cục Di sản văn hoá nhận định, vị trí tòa nhà 7 tầng xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng nằm ngoài khoanh vùng khu vực bảo vệ II của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng.

Tuy nhiên, theo Điều 32 Luật Di sản, việc xây dựng công trình quy định tại khu vực này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của danh lam thắng cảnh quốc gia.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích/danh lam thắng cảnh ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh, đối với di tích/danh lam thắng cảnh Quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Nguyễn Thái Bình khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ VHTT&DL chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại đèo Mã Pì Lèng.

“Nếu nằm ngoài khu vực vùng II thì công trình này sẽ phải điều chỉnh bởi các quy định bởi Luật Xây dựng và các cơ quan thẩm quyền tỉnh Hà Giang. Trong thẩm quyền của mình, hôm nay, Cục Di sản văn hoá đã cử một đoàn do Phó Cục trưởng dẫn đầu lên thực tế tại công trình xây dựng để có hướng xử lý. Quan điểm của Bộ là phải làm sao có biện pháp và hình thức để bảo vệ tốt danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng trong thời gian tới”.

“Chủ công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng đã cố tình vi phạm pháp luật” - 2

Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh VP Bộ VHTT&DL chủ trì cuộc họp báo.

Ông Nguyễn Thái Bình cũng nhấn mạnh thêm: “Quan điểm và chủ trương của tỉnh Hà Giang rất rõ là không cấm chuyện này, tức không cấm chuyện làm trạm dừng chân ngắm cảnh. Nhưng trong quá trình thực thi chủ trương này, chủ đầu tư làm sai lệch đi. Tỉnh không đồng ý cho phép làm công trình xây dựng bằng bê tông cốt sắt kiên cố như thế. Tôi cho rằng chủ đầu tư công trình này đã cố tình vi phạm pháp luật”.

Xung quanh vấn vấn đề công trình ở Mã Pì Lèng, ông Bình nêu thêm, quan điểm của Bộ, Tổng Cục Du lịch là cho dù là tư nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần nào cũng đều phải thực hiện nghiêm quy định của luật pháp.

“Việc để cho một công trình xây dựng sai phép cho dù ở đèo Mã Pì Lèng hay bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam thì tôi khẳng định, cho dù góp phần thúc đẩy du lịch, văn hóa thể thao thì Bộ VHTT&DL đều không đồng tình. Còn để xây dựng trái phép, xong hết rồi thì mới lật lại thì tôi mong báo chí hỏi trách nhiệm về phía chính quyền địa phương.

Việc này báo chí nói nhiều rồi, nhà chúng ta chỉ cần sửa một cái nhỏ nhỏ thì ngay lập tức đội quy tắc về trật tự, chính quyền có mặt nhau. Đương nhiên, cả công trình 7 tầng như thế thì không thể không biết được...”, ông Bình nói thêm.

“Chủ công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng đã cố tình vi phạm pháp luật” - 3

Đại diện Bộ VHTT&DL nhận định, chủ đầu tư công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng đã cố tình vi phạm pháp luật.

Bày tỏ quan điểm về những phát biểu bà Vũ Ngọc Ánh - chủ đầu tư công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng như “nếu như công trình bị thu hồi, tôi chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế” và “sẽ cho mìn nổ tung” hay “phải di chuyển khỏi khu vực thì dân ở đây sẽ đói”..., ông Nguyễn Thái Bình cho biết, cá nhân ông có theo dõi các ý kiến của bà chủ công trình trên mạng xã hội.

“Trao đổi của bà chủ đầu tư công trình, tôi nghĩ rằng, cá nhân người ấy không nên lôi sinh mệnh của mình ra để tạo áp lực ngược với luật pháp. Quan điểm của tôi là khi sai, nhận thức cái sai của mình phải khắc phục, sửa chữa. Đã là doanh nghiệp trong cơ chế thị trường “được ăn thua chịu” không nên khi vi phạm pháp luật lại lấy cái “thua chịu” để bắt cả xã hội cùng gánh”.

Trước câu hỏi Bộ VHTT&DL có khuyến cáo gì đối với khách du lịch khi những ngày qua, sau khi câu chuyện ồn ào về công trình xây dựng trái phép này rộ lên, nhiều du khách đã đổ về đây để trải nghiệm và lưu trú… đại diện Tổng Cục Du lịch bày tỏ, với các công trình phục vụ khách du lịch trên các tuyến du lịch nếu đáp ứng được nhu cầu về tham quan, dừng chân của khách… đều được coi là công trình dịch vụ du lịch. Nhưng bất kể công trình xây dựng ở đâu cũng phải tuân thủ đúng luật.

“Chủ công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng đã cố tình vi phạm pháp luật” - 4

Đại diện Tổng Cục Du lịch trả lời các câu hỏi về khuyến cáo khách du lịch khi đến trải nghiệm cà phê đường tàu và công trình trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.

“Công trình Mã Pì Lèng chưa đi vào hoạt động thì cần phải tuân thủ quy định của chính quyền địa phương và ngành du lịch. Đối với những doanh nghiệp có sự đầu tư và sáng tạo tạo ra những điểm du lịch mới và có yếu tố hấp dẫn, chúng tôi đều khuyến khích. Nhưng các địa điểm đó phải dựa trên cơ sở quy hoạch và phát triển du lịch. Với những điểm du lịch mới mà tự phát thì yêu cầu các doanh nghiệp phải có đánh giá rất kỹ và phải có làm việc với chính quyền địa phương”, đại diện Tổng Cục Du lịch phát biểu.

Tương tự, về vấn đề giải tán các điểm cà phê đường tàu ở Hà Nội, phía Tổng Cục Du lịch cũng cho biết, cà phê đường tàu dù hút khách nhưng là tự phát. Và thực chất các điểm du lịch này đang vi phạm một số quy định vì thế các cơ quan chức năng khuyến cáo không thể hoạt động. Nhu cầu du lịch là tự nhiên nhưng dịch vụ du lịch phải được quy hoạch, được phép, đúng quy định… phải đảm bảo an toàn.

Liên quan đến chuyện quản lý các hòm công đức ở các cơ sở thờ tự sau khi có câu chuyện sư Thích Thanh Toàn chùa Nga Hoàng - Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Thái Bình cho hay, chuyện xảy ra đối với sư Thích Thanh Toàn ở chùa Nga Hoàng - Vĩnh Phúc do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ xử lý, không thuộc thẩm quyền của Bộ VHTT&DL. Về việc quản lý hòm công đức ở các cơ sở thờ tự thì Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì tham mưu ban hành văn bản quy định quản lý tiền công đức tại các chùa và nơi đặt hòm công đức nên xin chuyển qua cho Bộ Tài chính trả lời.

Hà Tùng Long