Chọn lễ phục cho Việt Nam bao giờ mới xong?
(Dân trí) - Nhằm xúc tiến nhanh việc chọn lễ phục cho Việt Nam, Bộ VH TT&DL đã giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhanh chóng tìm ra mẫu lễ phục cho nước ta, theo đó Cục đã phát động cuộc thi “thiết kế lễ phục nhà nước”.
Bộ VH TT&DL đã giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm việc tìm kiếm và xúc tiến được mẫu lễ phục cho nước ta trong thời gian sớm nhất có thể. Theo đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ có ít nhất hai cuộc hội thảo tại Miền Trung và miền Nam để lấy ý kiến xung quanh về vấn đề lễ phục. Đối tượng tham gia hội thảo được lựa chọn từ các chuyên gia ngành nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, văn hóa có uy tín và kinh nghiệm, ngoài nhưng ý kiến về vấn đề này, một số cơ quan chức năng đặc thù như Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội … cũng sẽ được mời đóng góp cho đề án.
Đã có nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho việc “khoác cho đất nước một bộ cánh mang bản sắc dân tộc”, nhưng đến nay vẫn chưa có một quyết định chính thức nào được đưa ra cho việc chọn lễ phục. Vào cuối năm 2012, cuộc hội thảo mang tên “Quốc phục Việt Nam tiêu chí và lựa chọn” đã được tổ chức tại Hà Nội. Rất nhiều ý kiến và bài thuyết trình đã được đưa ra, bởi các nhà chuyên môn các nhà nghiên cứu, nhiều vấn đề đã được đặt ra tại Hội thảo này, trong đó ý kiến chọn áo dài cho nữ và áo dài khăn đóng cho nam chiếm đa số, tuy nhiên, từ hội thảo đó đến nay, việc chọn lễ phục vẫn còn là dấu hỏi chấm chưa đi đến thống nhất.
Từ đầu những năm 90 đến nay, việc chọn lễ phục, đã được đưa ra “cân đo, đong đếm” nhiều lần qua các kì họp của cấp nhà nước và các cuộc thi thiết kế thời trang, nhưng vẫn chưa được quyết định thống nhất do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Dẫu còn có những băn khoăn nhưng nhiều nhà quản lý, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà ngoại giao văn hóa... khẳng định, lễ phục là biểu tượng văn hóa VN, cần có trong bối cảnh hiện tại nhất là khi nước ta đang mở rộng hội nhập.
Chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ có lễ phục, bởi lễ phục được coi là diện mạo dân tộc, phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đó là khẳng định của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học của Việt Nam khi được hỏi về lễ phục. Nhưng cái khó với lễ phục Việt Nam không phải là thiết kế mẫu trang phục, các nhà thiết kế Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế một cách tự tin. Vấn đề là ở chỗ quan điểm để chọn một bộ lễ phục chưa thống nhất.
Có lẽ, lễ phục dành cho nữ đã rất rõ ràng, đa số các ý kiến đều ủng hộ trang phục áo dài bởi đây là bộ trang phục rất đặc trưng của Việt Nam, không thể trộn lẫn, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ từ thời xưa. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay là, lễ phục nam như thế nào cho phù hợp? Vấn đề này, chắc hẳn còn làm đau đầu các nhà quản lý trong một thời gian dài. Đất nước ta với hàng ngàn năm lịch sử hào hùng, việc chọn cho đất nước một bản sắc riêng qua lễ phục là một vấn đề không thể để chậm hơn.
Theo bà Đoàn Thị Thu Hương, phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, dự kiến sau khi thu thập những ý kiến tham khảo, các tiêu chí và yêu cầu mang tính định hướng sẽ được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đưa ra để làm cơ sở cho một cuộc thi thiết kế trên toàn quốc về lễ phục nhà nước. Tiếp đó, kết quả chấm thi sẽ được trình Chính phủ để phê duyệt trước khi trao giải và áp dụng mẫu lễ phục vào thực tế.
Thiên Lam