Chợ hoa Tết Hàng Lược - nét văn hóa đẹp giữa lòng Thủ đô
(Dân trí) - Là chợ hoa Tết với truyền thống hơn 100 năm, năm nay, chợ hoa Hàng Lược phân khu thuận tiện nhằm hút khách tham quan. Đến đây, người dân thủ đô còn được ngắm nhìn những bức ảnh về Hà Nội xưa đang trưng bày tại khu Di tích lịch sử chùa Vĩnh Trù.
Đã thành thông lệ, cứ tới dịp đầu xuân, phiên chợ hoa chỉ diễn ra một
lần trong năm trên tuyến phố Hàng Lược lại trở thành điểm đến văn hóa
thu hút đông đảo người dân thủ đô và khách tham quan.
Chợ hoa Tết truyền thống sẽ diễn ra đến hết ngày 30 Tết.
Các loài hoa từ những cánh đồng vùng ngoại thành, nhất là vùng
ven Hồ Tây nổi tiếng được người bán gồng gánh về đây
tạo nên một chợ hoa rực rỡ sắc màu.
Nhờ tuyến phố trải dài mà những cành đào trên tay người bán
có được không gian để người mua thỏa thích ngắm nhìn
trước khi quyết định rước sắc xuân về nhà.
Những chậu quất nhỏ được bán với giá 150.000đ/chậu.
Qua bàn tay khéo léo của những chủ vườn, phất lộc được tạo hình đẹp mắt.
Qua tìm hiểu của PV, năm nay những cây phất lộc mô phỏng lục bình
được khách tham quan rất ưa chuộng bên cạnh mẫu phất lộc
được xếp thành tòa tháp. Nếu biết chăm sóc, bảo quản, chậu phát lộc
có thể chơi được 2 - 3 năm.
Những chậu phật thủ cũng được cách điệu khá bắt mắt.
Bên cạnh những mặt hàng cây cảnh, hoa tươi thì
tuyến phố bày bán đa dạng các loại hoa lụa, hoa vải,…
Tín hiệu vui là sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các sản phẩm trang trí
ngày Tết và những phong bao lì xì thuần Việt được bày bán.
Một gia đình trẻ tìm đến đây để lưu lại những khoảnh khắc
đẹp bên nhau khi mùa xuân đến.
Nhiều du khách nước ngoài cũng đến đây tham quan, chụp hình,
không ít người tìm mua những cành đào, chậu cây về trưng bày
trong nhà để đón Tết theo đúng văn hóa của người Việt.
Một điểm nhấn của chợ hoa Tết Hàng Lược năm nay là Triển lãm ảnh
về Hà Nội xưa được trưng bày tại khu Di tích lịch sử chùa Vĩnh Trù.
Triễn lãm do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với Tạp chí Xưa và
Nay (Hội Sử học Việt Nam) tổ chức nhằm giới thiệu những hình ảnh
chân thực, sinh động về phố cổ Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX
đến gần nửa đầu thế kỷ XX.
Phương Nhung