Hà Nội:
Chợ Bưởi sau cơn "đại phẫu"
(Dân trí) - Trong khi vùng miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn giữ lại gần như toàn bộ nét văn hoá chợ nổi trên sông, người Hà Đông còn nguyên chợ lụa, thì ở Hà Nội những phiên chợ Bưởi tồn tại từ ngàn đời nay, lại có nguy cơ lùi vào dĩ vãng…
Bà Nguyễn Thị Huyền là người dân kẻ Bưởi xưa, nay nhà thuộc Phường Bưởi, Quận Tây Hồ kể với chúng tôi rằng, chợ Bưởi cách đây chừng hơn nửa thế kỷ chỉ có hai cầu chợ ngói, còn lại thì đều là lán tạm. Sau khi hoà bình lập lại (năm 1954) người ta mới làm lại tất cả bốn năm cầu chợ. Những cây cổ thụ này nay ở chợ cũng được trồng từ thuở đó.
Một trong những mặt hàng đặc sắc ở chợ là con giống, cây giống các loại từ các làng trồng hoa nổi tiếng của Hà Nội cạnh đó như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân hoặc các xã vùng rau như Phú Thượng, Láng, Tây Tựu đem về vào những ngày chợ phiên. Vào những ngày chợ phiên những thứ giống cây, giống con nhiều vô kể.
Cả một đời người chứng kiến bao thăng trầm của những phiên chợ qua từng thời kỳ, giờ đây khi nói đến những phiên chợ xưa, giọng bà cứ nghèn nghẹn. Có lẽ cũng giống như bà Huyền, ai đó đã từng say mê những phiên chợ Hà Thành chắc không hẳn chạnh lòng khi gần đây Hà Nội xắn tay cho việc "đại phẫu chợ Bưởi". Có thể nói, đến giờ ở Hà Nội chợ Bưởi cùng với chợ Mơ là hai chợ duy nhất còn giữ được lệ họp theo phiên, cho dù, so với chợ Mơ hình hài của chợ Bưởi đã bị phần nào đó biến dạng đi ít nhiều.
Cuộc "đại phẫu" của Hà Nội trong phút chốc đã biến khu chợ Bưởi đã trở thành một khu chợ hiện đại với diện tích khổng lồ tới gần cả ngàn m2 đất cùng các toà nhà cao ngất ngưởng, loang loáng cửa kính gạch men với đủ loại mặt hàng đáp ứng với nhu cầu của lối sống thời công nghiệp. Những khu ki ốt, hiện đại tầng tầng lớp lớp bày bán đủ loại hàng hoá giống như nhiều khu chợ thời công nghiệp khác từ vải, quần áo, tạp hoá, bánh kẹo, đồ gia dụng, thông thường quầy thịt hộp, bít tết.
Nhưng tuyệt nhiên không thấy trong khu chợ mới có một khoảnh đất dù nhỏ nhoi dùng để cho các gian hàng như người xưa đã từng bày bán ở chợ Bưởi. Có lẽ đây cũng là lý do chính làm cho cái nét đặc trưng của chợ đang dần có nguy cơ mai một.
Chợ mới nay mọc trên nền cũ chợ xưa, trông tráng lệ uy nghi, nhưng ít ai ngờ rằng, ở khu vực đầu dốc con phố Hoàng Hoa Thám gần đó đã hình thành một con phố chợ với tấp nập kẻ mua người bán. Đặc biệt, nó mang hẳn dáng dấp của phiên chợ Bưởi ngày xưa. Cho dù con phố chợ này không còn đường cát, không còn những cô bán hàng cười như mùa thu toả nắng níu kéo bước chân khách bộ hành thường thấy ở những phiên chợ ngày nào.
Chợ cũng họp theo phiên 6 lần một tháng (ngày tư và ngày chín). Dường như nhiều người Hà Thành vẫn thích, vẫn nhớ phiên chợ Bưởi ngày nào, cho nên vì thế mỗi khi đến phiên người ta lại kéo nhau về khu vực này để gặp gỡ buôn bán. Ông Hoàng Văn Hải, nhà ở phường Yên Hoà, Cầu Giấy, xưa là làng Láng loay hoay mãi bên lồng vẹt làng xanh đỏ. Khác với xưa nhà nay chật, không còn đất để thả vịt, ngan ngỗng như các cụ ngày nào, những vẫn có một con gì đó nuôi cho vui nhà, vậy thì chỉ có chim cảnh.
Chỉ có lên chợ Bưởi tìm hoa mới dễ. Hoa ở chợ Bưởi vừa rẻ, lại dễ chọn hơn các hàng trên phố. Giống như xưa, đến đây chỉ cần chịu hỏi, chịu loanh quanh mấy phiên là biết đủ cách chọn cây, chọn con từ chó đến chim chợ có đủ cả. Dường như, mấy năm gần đây sau cái đận chợ Bưởi bị "đại phẫu", người dân Hà Thành coi con phố đầu chợ này là chợ Bưởi như một lẽ tự nhiên.
Ngày đến phiên, chẳng hẹn mà gặp người Hà Nội lại cùng nhau nô nức kéo về làm chật cả con phố Hoàng Hoa Thám con phố ngay đầu chợ để gặp gỡ, buôn bán mong muốn được sống lại cái không khí của ngày chợ phiên, cho dù đó chỉ là một con phố. ở đó, những cây chậu cảnh nho nhỏ, những con vật nuôi trong nhà ít nhiều làm sống dậy bức tranh làng quê Việt Nam trong lòng người Hà Thành vốn ít nhiều phai nhoà theo dòng chảy của thời gian.
Bây giờ, người Hà Nội cứ mở cửa ra đường, chưa cần đi tới chợ là đã có thể cùng lúc mua được hàng trăm loại mặt hàng khác nhau, từ mớ rau con cá cho đến cả quần áo, dày dép, hễ cần là có. Tiện lợi là vậy, nhưng với người dân Hà Thành có một điều không thể thiếu trong đời sống tinh thần đó là những buổi chợ phiên, và thực tế ở phường Bưởi đang hiện hữu một khu phố chợ, mang dáng dấp chợ xưa, dẫu rằng ở đó khu chợ xưa không còn.
Với chợ Bưởi, những phiên chợ đã gắn bó với người Hà Nội hơn cả. Có lẽ bởi phiên chợ này ban đầu dành cho dân các làng nghề xung quanh Hồ Tây cùng với những sản vật của mình.
Bài và ảnh: Minh Phan