Chí Trung: “Khi xem kịch nghệ Broadway, tôi đã muốn bỏ nghề”
(Dân trí) - “Xem kịch Broadway xong, khi về, tôi chỉ muốn bỏ nghề, mình khác họ nhiều quá, họ đã vượt quá xa rồi… Thấy người ta đã tiến tới trình độ này mà mình vẫn lẹt đẹt vài ba sân khấu hộp. Tôi cảm thấy mình như cái ao làng, như ếch ngồi đáy giếng…”
Hãy tìm vàng, tìm ngọc, đừng tìm những thứ… giống vàng, giống ngọc!
Đầu tháng 9 này có một sự kiện quan trọng đối với sân khấu kịch Hà Nội, đó là loạt 5 đêm diễn kịch Lưu Quang Vũ. Nhà hát Tuổi trẻ có tham gia 2 vở, anh đánh giá về mức độ quan tâm của công chúng đối với sự kiện này như thế nào?
Khán giả rất quan tâm và đầy nhiệt huyết đối với kịch Lưu Quang Vũ. Trách nhiệm của những người làm sân khấu chúng tôi là phải truyền tải những tư tưởng nhân văn của anh Vũ tới khán giả. 5 đêm diễn vừa qua đều chật kín khán giả. Điều này khiến chúng tôi rất xúc động và càng nhận thấy trách nhiệm của mình. Hiện tại, Nhà hát Tuổi trẻ đang khởi công vở “Thủ phạm là ai?”. Sau khi khởi công xong, tất cả chúng tôi sẽ cùng xuống thăm mộ anh Vũ.
Nghệ sĩ Chí Trung tham gia đạo diễn và diễn xuất trong vở “Mùa hạ cuối cùng” của Lưu Quang Vũ.
Câu hỏi này đã có nhiều người đặt ra và cũng đã có nhiều người trả lời, nhưng với cá nhân anh, vì sao qua hàng chục năm kịch Lưu Quang Vũ vẫn rất thời sự và nhận được sự quan tâm của khán giả?
Có một sự thật đớn đau dành cho nhiều tác giả kịch bản hiện nay, đó là họ sáng tác, nhưng chúng tôi đọc mà chẳng hiểu gì. Sân khấu èo uột, nhiều vở dựng lên chả ai xem, một phần cũng bởi tác giả kịch bản không hiểu cái nhịp của khán giả, vì vậy, tác phẩm không có tính đại chúng.
Những đề tài mà họ theo đuổi không phù hợp với thời cuộc. Kịch Lưu Quang Vũ thì ngược lại. Những thông điệp mà anh truyền tải đã vượt qua những câu chuyện thông thường của một thời kỳ, những vở diễn mang đầy tính dự báo, tính nhân văn, với những kết thúc đẹp, không có nhân vật xấu… Kịch của anh Vũ luôn kết thúc tươi sáng, với hướng mở, làm rung động lòng người.
Những tác giả kịch bản hiện nay cần tìm những viên ngọc thật, những viên ngọc nằm trong đất, nhưng một khi được mài dũa, lau chùi, nó sẽ tỏa sáng, đừng nhặt linh tinh những thứ giống vàng, giống ngọc, đem gom lại rồi trưng trong một cái hộp đẹp. Những viên ngọc ở đây chính là những kịch bản tốt.
Trong loạt 5 đêm diễn đó, ban tổ chức đã bán vé với mức giá rất “hữu nghị” (chỉ từ 100-200 ngàn đồng/vé). Anh có thể cho biết lý do tại sao?
Mức giá vé như thế cũng không hẳn là rẻ, đắt ngang với nhà hát chúng tôi, nhưng việc mọi người dũng cảm mang kịch nói, mang chèo ra Cung Hữu nghị Việt Xô đã thể hiện tấm lòng của ban tổ chức, của tập thể các nghệ sĩ.
Biểu diễn ở sân khấu này, thường phải bán vé từ 500.000-1 triệu… Nhưng chúng tôi muốn khán giả đến thật đông nên đã đưa ra mức giá vé hài hòa. Giải pháp giấy mời nhiều khi cũng rất dở, tâm lý khán giả vẫn thích và vẫn trân trọng việc họ tự đi mua vé hơn.
“Khi xem kịch nghệ Broadway, tôi đã muốn bỏ nghề”
Khi ra nước ngoài, cụ thể là những nước phương Tây như Anh - Mỹ, hẳn anh cũng thấy nghệ thuật sân khấu ở West End hay Broadway rất phát triển. Khán giả của họ đi xem kịch cũng đông như đi xem bóng đá, xem điện ảnh… Theo anh, điều gì đã đưa tới sự thành công như vậy?
Tôi đã có dịp đến Mỹ và xem kịch Broadway ở New York, rồi đến xem ở Las Vegas, quả thực xem xong khi về chỉ muốn bỏ nghề, mình khác họ nhiều quá, họ đã vượt quá xa rồi, mình không thể làm nổi theo họ.
Họ có những màn biểu diễn vừa giàu tính nghệ thuật vừa đầy tính giải trí, kết hợp cả kịch - hát - nhảy múa - sắp đặt… Sân khấu của họ còn có thể xoay 360o. Thấy người ta đã tiến tới trình độ này mà mình vẫn “lẹt đẹt” vài ba sân khấu hộp… Tôi cảm thấy mình như cái “ao làng”, như “ếch ngồi đáy giếng”…
Cặp vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung - Ngọc Huyền trong chuyến đi Mỹ.
Cũng ở tại những quốc gia này, họ rất chú trọng vào việc hình thành một thế hệ khán giả tương lai. Họ thực hiện những vở diễn để dành riêng cho giới trẻ, đồng thời hạ giá vé thật thấp, anh đánh giá thế nào về việc này?
Cái này ở ta phải làm dần dần. Hiện tại, khán giả có điều kiện để hưởng thụ văn hóa lại chưa quan tâm nhiều tới sân khấu, vì vậy, chúng tôi vẫn phải vật lộn để tồn tại trong cơ chế thị trường với hơn 200 diễn viên của nhà hát.
Mỗi năm, Nhà nước cấp tiền để chúng tôi thực hiện từ 2-4 chương trình, trong khi đó chúng tôi phải tự xoay xở để thực hiện 26 chương trình. Quả thực rất vất vả, hiện giờ mọi việc chưa thể đi vào bài bản được.
Nói một cách trung thực thì nhiều khi chúng ta vẫn phải chộp giật để tồn tại trong mong manh, lo lắng, hoảng hốt trước tương lai, khó có được những đường hướng lâu dài, và nhà hát chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Anh đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của khán giả đối với hài kịch và chính kịch hiện nay?
Có cầu thì mới có cung. Khán giả hiện giờ thích nghỉ ngơi, giải trí, thích cười thư giãn. Cuộc sống vốn đã quá mệt nhọc. Vấn đề là phải để họ cười như thế nào để họ không “khinh” mình, đừng để họ cười theo kiểu cơ học, đừng chọc lét họ một cách vô duyên…
Nghệ sĩ Chí Trung sẽ mãi là một cây hài hay đến một giai đoạn nào đó, anh cũng sẽ làm mới mình và đá chéo sân sang thể loại khác?
Chí Trung sẽ vẫn là Chí Trung thôi. Hiện giờ, tôi là một nhà quản lý, một đạo diễn, một diễn viên… Đơn giản nhất thì tôi là nghệ sĩ Chí Trung - luôn mong muốn làm điều gì đó tốt hơn cho cuộc đời và cho cả chính mình.
Từ cảm nghĩ về “ao làng” ở Broadway tới “Ao làng” ở… Hà Nội
Hiện tại, anh đang thực hiện chương trình hài kịch “Ao làng”, anh đánh giá về mức độ thành công của loạt hài kịch này như thế nào?
Chương trình hiện đang nhận được sự quan tâm tốt của khán giả, và có lẽ sẽ còn nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa vào dịp 10/10 và 20/10 tới đây. Không biết dịp này, các đơn vị khác chuẩn bị những gì, nhưng theo tôi “Ao làng” hiện là một điểm sáng của sân khấu giai đoạn này.
“Ao làng” xoay quanh sự va chạm văn hóa giữa thành thị và nông thôn, vậy đối với anh, một Hà Nội lý tưởng là như thế nào?
Hà Nội vẫn có thể đông đúc, ồn ào, náo nhiệt như thế này nhưng mỗi người dân cần phải là một cây văn minh để xây dựng một nền văn hóa cho thành phố. Đơn giản hãy bắt đầu từ việc không khạc nhổ, không nói to, nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông, khi vào quán xá… Mỗi người hãy tự tôn, tự trọng, tự ý thức vun vén cho cuộc sống thành phố tốt lên.
Một cảnh trong chương trình hài kịch “Ao làng”
Sẽ có không ít người ngoại tỉnh đến xem chương trình hài kịch “Ao làng”, và có thể sẽ có ai đó giật mình, hoặc chạnh lòng, vì những người nhập cư đã trở thành đề tài cho hài kịch. Anh muốn họ đón nhận chùm hài kịch này với tâm thế như thế nào?
Vở diễn này mang nhiều tính giải trí, chứa đựng nhiều tiếng cười. Nếu có hình ảnh nào khiến họ ngẫm ngợi đôi chút để rồi tự dặn mình phải làm sao đó…, tôi sẽ rất cảm ơn. Quả thực tôi không muốn đưa vào hài kịch những giáo lý, không muốn gây sự, tạo hiềm khích, tôi chỉ đang tái hiện lại cuộc sống.
Cuối cùng, thông điệp được truyền tải thông qua chương trình hài kịch “Ao làng” là gì, thưa anh?
Chúng ta hãy tự tôn trọng chính mình, tự lo cho văn minh trong mỗi con người mình. Hòa nhập giữa thành thị và nông thôn là chuyện tất yếu nhưng đừng để xảy ra sự hỗn tạp, đừng biến thành phố thành nồi lẩu thập cẩm, vì dù là lẩu thì vẫn phải có những phong vị riêng.
Xin cảm ơn anh!
Bích Ngọc