“Chi tiền thật lớn để PR mà phim không có gì, khán giả cũng không xem”

(Dân trí) - Đó là ý kiến của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, và theo quan điểm của đạo diễn <i>Nụ hôn rực rỡ</i> thì: “Khán giả bây giờ họ rất tinh ý, họ sẽ cảm nhận được phim nào là phim mình cần xem ”.<br><a href='http://dantri.com.vn/van-hoa/nha-van-nguyen-quang-vinh-khau-quang-ba-cua-bo-phim-21-ty-rat-kem-946962.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “Khâu quảng bá của bộ phim 21 tỷ rất kém”</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/van-hoa/vi-sao-phim-hang-chuc-ti-khong-ban-noi-ve-946057.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Vì sao phim hàng chục tỉ không bán nổi vé?</b></a>

Ngay sau khi thông tin bộ phim Sống cùng lịch sử chi tới 21 tỷ nhưng không bán nổi vé nào, nhiều luồng ý kiến được đưa ra - trong đó tập trung nhiều tới vấn đề đề tài phim và việc quảng bá phim. Dân trí đã có cuộc chia sẻ cùng đạo diễn, diễn viên Công Ninh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà biên kịch Châu Quang Phước.

Đạo diễn, diễn viên Công Ninh (ảnh nhỏ) và cảnh phim Mẹ con Đậu đũa có sự tham gia của anh

Đạo diễn, diễn viên Công Ninh (ảnh nhỏ) và cảnh phim Mẹ con Đậu đũa có sự tham gia của anh

Đạo diễn, diễn viên Công Ninh: Người từng tham gia diễn xuất trong khá nhiều phim về đề tài chiến tranh hoặc hậu chiến như Ai xuôi vạn lý, Đời cát… đã nêu lên những quan điểm riêng của mình về vấn đề này.

“Theo tôi, những tác phẩm mà các hãng phim nhà nước sản xuất thì 9 trên 10 phim đã bị cho là không hay. Kể cả yếu tố nghệ thuật hay giải trí đều chưa thỏa mãn được nhu cầu của khán giả. Quan trọng nữa là khâu kịch bản vốn đã có nhiều vấn đề không minh bạch ngay từ đầu, dẫn đến việc kéo dài thành một chuỗi những bất cập xảy ra sau đó, khiến bộ phim không có hiệu quả.

Là một người rất thích xem phim về chiến tranh, tôi cũng hay xem những bộ phim về đề tài này của Mỹ. Một điều tôi nhận thấy giữa phim của mình với phim của họ còn cách nhau xa quá. Họ quan tâm và bám sát đến từng chi tiết của lịch sử từ chiếc máy bay, đến cái quân hàm hay huy hiệu… mọi thứ đều rất thật. Trong khi phim lịch sử của mình thì vẫn còn mang tính qua loa, ước lệ… Đó cũng chính là yếu tố khiến khán giả không hứng thú.

Bởi một bộ phim lịch sử không chỉ làm cho có hoặc xem xong mà không đọng lại gì. Khán giả khi họ bỏ tiền ra để mua vé, họ cũng cần nhận lại được những gì xứng đáng với đồng tiền của mình. Hơn nữa, phim chiến tranh còn mang một vai trò ý nghĩa trong việc cung cấp kiến thức về lịch sử cho người xem.Vì vậy, nếu chúng ta làm hời hợt, qua loa và không đúng với lịch sử thì thật là thiếu sót.

Chia sẻ về hướng giải quyết đầu ra cho phim nhà nước, đạo diễn Công Ninh cũng đưa ra ý kiến rằng, “Nếu được, nhà nước nên khoán cho các hãng phim tư nhân thực hiện. Lý do, khi hãng tư nhân họ đã nhận trách nhiệm với đứa con họ sẽ làm ra thì họ có động lực và toàn tâm toàn ý cho phim đó hơn. Ngoài ra, với những thế mạnh và kinh nghiệm trong việc quảng cáo, các hãng tư nhân sẽ giúp cho tác phẩm được phát hành hiệu quả hơn.

Chúng ta không nên làm phim ra để rồi ngồi đó chờ may mắn khán giả sẽ tự tìm đến mua vé xem mà phải chủ động ngay từ đầu. Tôi thấy, các hãng tư nhân nhiều khi họ bỏ ra số tiền tương đương cả chi phí sản xuất để dành cho việc PR. Thậm chí trước khi phim bấm máy, họ còn có cả một kế hoạch PR cho đến khi phim được ra mắt khán giả. Bởi bây giờ là thời đại của công nghệ và truyền thông, nếu như tác phẩm không được đầu tư quảng bá thì cũng chẳng ai mà biết đến”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Với tôi thì vấn đề không nằm ở chỗ phim hay hay dở mà nằm ở chỗ mục đích của nhà đầu tư. Khi mục đích của họ thế nào thì họ sẽ tìm đến một đạo diễn phù hợp với mục đích của họ. Chẳng hạn, để làm một phim chỉ mang tính tuyên truyền, hay phim để đi tranh giải hoặc để kinh doanh thì mục đích cũng đã rất khác nhau.

Đối với những hãng phim tư nhân, khi họ làm phim và đặt ra mục tiêu kinh doanh rõ ràng, họ sẽ bằng mọi cách để có được lợi nhuận, hoặc ít nhất là thu lại được vốn. Điều đó cũng chính là động lực mạnh mẽ khiến họ phải suy nghĩ và có trách nhiệm với bộ phim mình làm ra. Còn với phim nhà nước, có thể kinh doanh không phải là mục đích quan trọng với họ nên việc phát hành có hiệu quả hay không có lẽ họ cũng không đặt nặng lắm.

Theo như tôi biết thì kể cả ở Mỹ, hàng năm vẫn có những bộ phim nhà nước từ các nguồn quỹ khác nhau được sản xuất với mục đích tuyên truyền chính trị chẳng hạn. Tuy nhiên, ở các nước phát triển họ có điều kiện hơn mình ở chỗ nếu phim không bán vé được thì họ có phòng chiếu riêng hoặc phát sóng trên truyền hình… để khán giả được tiếp cận với phim đó.
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (phải) và nữ diễn viên, người mẫu Thanh Hằng
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (phải) và nữ diễn viên, người mẫu Thanh Hằng

Về vấn quảng bá cho phim, như các phim tư nhân thì lúc nào họ cũng dành riêng ra một khoản nhất định để làm việc này. Còn phim nhà nước theo tôi biết thì tiền lệ từ trước đến giờ, họ hiếm khi nào chi cho việc này hoặc có nhưng rất ít. Nhưng tôi nghĩ, muốn PR cho tốt thì phim của bạn phải có yếu tố hấp dẫn như kịch bản, diễn viên, … Hơn nữa, khán giả bây giờ họ rất tinh ý, họ sẽ cảm nhận được phim nào là phim mình cần xem. Vì vậy, nếu bạn có bỏ một khoản tiền thật lớn ra để PR trong khi phim không có gì thì khán giả cũng không quan tâm.

Về hướng giải quyết, một trong những yếu tố tôi thấy các hãng phim nhà nước nên làm chính là việc hợp tác đầu tư với các hãng phim tư nhân. Tôi không nói phim đề tài thuần chiến tranh mà có thể là dòng phim cổ trang mang tính giải trí chẳng hạn. Khi đó, tính giải trí của phim sẽ được chú trọng và sẽ thu hút khán giả hơn. Ngoài ra, với phần lợi nhuận thu được từ các phim này, các hãng phim nhà nước có thể tích lũy được những quỹ riêng để đầu tư cho việc quảng bá hay hỗ trợ cho các phim của họ mỗi năm”.

Thông thường một bộ phim khi sản xuất cần có mối quan hệ khăng khít với bộ phận bán hàng (cụ thể ở đây là đơn vị phát hành), tuy nhiên có ý kiến cho rằng các hãng phim nhà nước thờ ơ, dẫn đến kết quả phim làm ra lặng lẽ chiếu và cất kho?

Theo tôi được biết, với các hãng phim tư nhân nào có tham gia trong lĩnh vực phát hành phim chiếu rạp ở Việt Nam hiện tại, phim ngoại nhập hay phim trong nước do bất kỳ đơn vị nào sản xuất cũng đều được quan tâm, chỉ cần đó là một bộ phim có thể đảm bảo mục tiêu kinh doanh, nghĩa là sẽ có doanh thu phòng vé ít nhất là phải đạt mức hòa vốn, chẳng hạn. Chưa kể, với các đơn vị phát hành cũng đồng thời là các đơn vị có tham gia việc sản xuất phim thì đều luôn ủng hộ cách này hay cách khác cho việc phát hành phim Việt. Thậm chí là còn sẵn sàng hỗ trợ theo kiểu “cây nhà lá vườn” với mối quan hệ hiện có ở thị trường này, với hầu hết các phim Việt của người Việt trong ngoài nước. Như BHD đã từng hỗ trợ việc phát hành phim độc lập Dành cho tháng sáu của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, hoặc với cả phim nhà nước là Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.

Như vậy, rõ ràng cánh cửa phát hành phim Việt luôn được mở rộng từ các hãng phát hành phim tư nhân. Với điều kiện, phía bên sản xuất phim hoặc người làm phim cũng phải chủ động tìm đến “cánh cửa”, đừng bắt các nhà phát hành phải “trải thảm tận nhà”, nếu muốn nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ khi cộng tác cùng nhau.
 
Nhà biên kịch Châu Quang Phước
Nhà biên kịch Châu Quang Phước

Với đề tài lịch sử, nhiều người cho rằng đây là lý do chính, khán giả không muốn tới rạp vì họ chán cái kịch bản và những điều mà sách báo đã đề cập quá nhiều - theo anh đây có phải là lý do chính? 

Phim lịch sử hoặc phim cổ trang có tính chất sử thi vẫn luôn là thể loại quan trọng của điện ảnh thế giới, nhận được sự quan tâm ưa thích của rất nhiều tầng lớp khán giả ở khắp mọi nơi.Chẳng hạn, với phim Trung Quốc Đại chiến Xích Bích (Red Cliff) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, khi trình chiếu tại Việt Nam đã được khán giả Việt đón nhận rất nhiều. Hoặc mới gần đây, phim lịch sử của Hàn Quốc Đại thủy chiến (Roaring Currents) cũng đang được khán giả Việt cực kỳ quan tâm khi CGV nhập về phát hành tại Việt Nam, trước đó phim này cũng đã tạo lập doanh thu kỷ lục ở chính quốc. Nói một cách đơn giản, khán giả ở bất kỳ đâu ắt hẳn cũng đều thích xem phim hay, bất kể thể loại. Và đương nhiên là khán giả chỉ mua vé xem phim nào mà họ có thông tin phim đầy đủ hoặc hấp dẫn từ việc quảng bá phim, đáp ứng đúng yêu cầu giải trí hoặc tìm hiểu lịch sử (với phim lịch sử) của họ, nếu có!

Công nghệ ngày càng phát triển, nhiều cơ hội để khán giả có thể đến được phim, tuy nhiên phim Việt đang ngày càng mờ nhạt trên list phim ở rạp chiếu, cá nhân anh có chia sẻ gì để những điều tốt đẹp hơn đến với công chúng, mà đơn giản là phim làm ra là phải đến được với khán giả?

Thật ra thì ở giai đoạn hiện tại, phim Việt chiếu rạp đang được sản xuất và phát hành càng lúc càng nhiều. Nếu trước đây khoảng 5 năm, phim Việt chiếu rạp gần như chỉ thực sự hiện diện trong tâm thức khán giả trong nước vào mùa phim Tết. Giờ đây, có thể thấy là tháng nào trong năm cũng có phim Việt mới ra rạp, hoặc cùng lúc có nhiều phim Việt trình chiếu trong cùng tháng cho đến cùng tuần khi ra mắt… Tôi vẫn luôn tin là điều hay cái đẹp sẽ tự khắc đến trong các phim Việt ở tương lai gần, nếu hôm nay tất cả các bên từ người làm nghề cho đến truyền thông và công chúng cùng nhiệt thành chung sức ươm mầm, và nhất là nên độ lượng với nhau hơn khi đồng hành cùng nhau.

 

Ngọc Lan - Trí Hòa