Chi gần 2 tỷ đồng để diệt... mối
(Dân trí) - Quần thể di tích làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có tuổi đời gần 550 năm tuổi sẽ được chi 1,84 tỷ đồng để làm công tác phòng trừ mối và côn trùng phá hoại gỗ.
Do đặc thù làng cổ có tỷ trọng kiến trúc gỗ tương đối lớn nên công tác phòng chống mối, côn trùng phá hoại các hạng mục di tích là hết sức cần thiết. Chương trình nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Kinh phí 1,84 tỷ động được Bộ VH,TT&DL hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2013.
Hiện nay, ngôi làng cổ này có khoảng 117 nhà, trong đó có khoảng 27 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn (12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt loại 1). Các công trình được hỗ trợ kinh phí là những di tích có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, các nhà rường tiêu biểu trong quần thể di tích cổ làng Phước Tích.
Đối với những công trình, hạng mục còn lại, tỉnh sẽ sử dụng nguồn ngân sách địa phương hoặc vốn huy động hợp pháp khác để thức hiện. Trên cơ sở báo cáo kinh tế - kỹ thuật của UBND tỉnh những năm tiếp theo, bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí phòng trừ côn trùng hại gỗ tại Phước Tích.
Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được thành lập năm 1470. Ngày 13/6/2009, làng Phước Tích được nhà nước công nhận và xếp hạng "Di tích quốc gia". Tại Việt Nam, đây là làng cổ thứ 2 tại được công nhận sau làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
Một số hình ảnh về các nhà cổ ở làng cổ Phước Tích - Huế: