Chén sứ bỏ quên ngoài hành lang bất ngờ đạt mức giá 116 tỉ đồng
(Dân trí) - Một chiếc chén sứ bị bỏ quên trong tủ chén cũ không khóa, nằm phủ bụi suốt hàng chục năm trong một hành lang hẹp ở trường Đại học, đã bất ngờ được tìm thấy lại và đạt mức giá tương đương 116 tỉ đồng tại một cuộc đấu giá.
Một chiếc chén nhỏ đã bị lãng quên trong một tủ đựng chén ở một trường đại học của Anh trong suốt 30 năm, chiếc chén đã tình cờ được phát hiện lại và vừa đạt mức giá 3,6 triệu bảng tại một cuộc đấu giá (tương gần 116 tỉ đồng).
Chiếc chén cao 10cm đã được cất giữ trong một tủ đựng chén ở trường Đại học Staffordshire từ hồi thập niên 1980, khi đó, người ta còn chưa biết đầy đủ giá trị của chiếc chén này, chỉ biết rằng sau một lần được đem trưng bày, người ta đã quên không đưa nó trở lại bộ sưu tập gốc, mà đặt nó trong một góc tủ ọp ẹp, khiến nó bị bỏ quên suốt hàng chục năm ngoài hành lang.
Mãi tới tận năm ngoái, trong một lần dọn dẹp lại hành lang, người ta mới tìm thấy lại chiếc chén sứ màu trắng xanh. Các nhân viên của nhà trường đã tìm thấy chiếc chén bên trong một tủ đựng ly không khóa, cũ kỹ, nằm ở một hành lang hẹp.
Chiếc chén được cho là có niên đại từ năm 1425. Trong lòng chén có viết 6 chữ tiếng Hoa cho biết chiếc chén được thực hiện dưới thời vua Minh Tuyên Tông của nhà Minh, niên hiệu Tuyên Đức. Trên thân chén có khắc hình rồng bay giữa những ngọn lửa.
Trong tuần này, chiếc chén đã được đem bán đấu giá ở Hồng Kông và đạt mức giá khủng 3,6 triệu bảng. Người mua là một nhà sưu tập tư nhân các món đồ gốm sứ cổ.
Đại diện trường Đại học Staffordshire chia sẻ trước thông tin chiếc chén cổ của họ được bán với giá khủng: “Đây là một điều kinh ngạc không ngờ đối với nhà trường, với số tiền này, chúng tôi sẽ có thể chăm sóc, bảo quản và tổ chức trưng bày những hiện vật khác mà nhà trường đang nắm giữ, để các thế hệ sinh viên của trường có thể chiêm ngưỡng”.
Hiện tại, nhà trường còn nắm giữ 269 món đồ gốm sứ cổ có xuất sứ từ phương Đông, với số tiền đấu giá thu về, nhà trường sẽ có nguồn kinh phí để chăm sóc bảo quản, tổ chức triển lãm trong tương lai. Thậm chí, trước vận may vừa chứng kiến, nhà trường còn dự định sẽ thành lập khoa nghiên cứu gốm sứ phương Đông.
Bộ sưu tập hơn 270 món đồ gốm sứ đã từng được một dược sĩ ở London có tên Ernest Thornhill quyên tặng cho nhà trường hồi năm 1944.
Giáo sư Flavia Swann, trưởng khoa Lịch sử Nghệ thuật của nhà trường chính là người đã ghi chép danh sách các món đồ trong bộ sưu tập gốm sứ này hồi thập niên 1970, khi tìm thấy lại chiếc chén bị “xé lẻ” khỏi bộ sưu tập gốc, vị giáo sư đã ngay lập tức nhớ ra gốc gác của chiếc chén và phán đoán được phần nào giá trị.
Hồi Thế chiến II, dược sĩ Thornhill sống ở London đã rất lo sợ cho bộ sưu tập gốm sứ của mình, ông cho rằng đem quyên tặng cho nhà trường sẽ giúp cho bộ sưu tập của mình có nhiều khả năng được an toàn.
Quả vậy, khi ông đem bộ sưu tập tới tặng nhà trường, có tổng cộng 276 món đồ gốm sứ, hiện tại, nhà trường vẫn còn giữ được tới 269 món, không kể chiếc chén sứ vừa đem bán đấu giá.
Ban giám đốc trường Đại học Staffordshire đã quyết định đem bán chiếc chén để có kinh phí bảo quản tốt hơn cho bộ sưu tập, đồng thời xây dựng được phòng triển lãm có các biện pháp an ninh để trưng bày bộ sưu tập cho các thế hệ sinh viên của trường tới chiêm ngưỡng.
Trong giấy tờ quyên tặng của dược sĩ Ernest Thornhill năm xưa, ông đã đề cập rõ ràng rằng bộ sưu tập gốm sứ ông tặng cho nhà trường phải được sử dụng làm nguồn hiện vật nghiên cứu. Với một món đồ duy nhất bị đem bán đấu giá tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã có đủ số tiền để xây dựng phòng trưng bày có các biện pháp an ninh cần thiết.
Hiện tại, bộ sưu tập mà trường Đại học Staffordshire đang nắm giữ là một trong những bộ sưu tập có giá trị nhất về gốm sứ phương Đông nằm trong lãnh thổ Anh. Trong bộ sưu tập này, được biết, có cả những món đồ lên tới hàng ngàn năm tuổi.
Trong tương lai gần, khi trường Đại học Staffordshire có thể lắp đặt phòng trưng bày với các biện pháp an ninh cần thiết, bộ sưu tập gốm sứ này sẽ được ra mắt công chúng.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail