Chê rườm rà, bi kịch vô lý, khán giả đòi bỏ xem "Thương ngày nắng về"

Nguyên Phong

(Dân trí) - Rất nhiều khán giả tỏ ra chán nản, thậm chí có người tiết lộ đã bỏ theo dõi phim "Thương ngày nắng về"...

Bộ phim Thương ngày nắng về đề cập đến những mâu thuẫn trong gia đình và cuộc sống của những cô con gái nhà bà Nga béo (NSND Thanh Quý). Nếu ở phần một, bộ phim nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực vì tình tiết nhân văn, xử lý tình huống gọn gàng thì càng sang phần hai, bộ phim càng gây ức chế cho khán giả.

Phần hai của phim đề cập tới việc nhân vật Vân Trang nhận lại mẹ ruột, phát triển tình yêu với Duy. Bên cạnh đó, bộ phim cũng được đẩy lên cao trào khi khai thác bi kịch gia đình của nhân vật Vân Khánh.

Vì "ăn cơm trước kẻng" nên Khánh bị mẹ chồng dè bỉu, xem như "của nợ". Phần hai của phim còn có sự xuất hiện của Thương - chị chồng Khánh. Thương không chỉ xúi giục mẹ hành hạ em dâu mà thậm chí những tập gần đây Thương còn ra tay dàn xếp để nhân tình làm nhục Khánh, ép em dâu phải rời khỏi nhà hòng chiếm đoạt căn chung cư của vợ chồng Đức - Khánh.

Chê rườm rà, bi kịch vô lý, khán giả đòi bỏ xem Thương ngày nắng về - 1
Chê rườm rà, bi kịch vô lý, khán giả đòi bỏ xem Thương ngày nắng về - 2
Những tập gần đây bi kịch của vợ chồng Đức, Khánh được đẩy đến cao trào (Ảnh: Chụp màn hình).

Sự việc được đẩy lên cao trào khiến cảm xúc của khán giả cũng theo đó bị dồn nén, ức chế hơn. Trên các hội nhóm liên quan đến bộ phim Thương ngày nắng về, đông đảo khán giả bày tỏ sự bức xúc vì bộ phim có quá nhiều bi kịch, thậm chí là những tình tiết "không thực" gây khó chịu cho người xem:

"Biết là phim làm lại từ kịch bản Hàn Quốc nhưng về Việt Nam thì có thể chỉnh sửa để phù hợp với văn hóa Việt Nam, chứ phim đang làm quá hơn cả kịch bản Hàn với những tình tiết ám ảnh tâm lý người xem. Nội dung phần 2 thiếu logic, thiếu tính nhân văn, bị cường điệu hóa…

Phim là đời nhưng đời quá khổ rồi muốn xem phim để đi tìm những giá trị nhân văn những điều tốt đẹp để làm động lực cho cuộc sống. Ai ngờ xem phim lại càng mệt mỏi, ức chế hơn", một khán giả đăng tải trên Hội yêu phim Việt Nam.

Chê rườm rà, bi kịch vô lý, khán giả đòi bỏ xem Thương ngày nắng về - 3
Hàng loạt khán giả bày tỏ sự bức xúc với nội dung phim (Ảnh: Chụp màn hình).

Bên dưới bài đăng này, hàng loạt khán giả để lại bình luận đồng tình với ý kiến nói trên: "Mình đồng quan điểm với bạn. Xem ức chế, mệt mỏi và không muốn theo dõi tiếp", "Đạo diễn và biên kịch đã đi quá xa khi xây dựng nhân vật phản cảm gây phản ứng ngược của bộ phim ở phần một. Nên chỉnh sửa cho thêm tính nhân văn chứ càng xem sẽ khiến phần đông khán giả ức chế."…

Thậm chí, có khán giả tiết lộ họ đã bỏ theo dõi bộ phim này vì quá ức chế với những tình tiết dài dòng, bi kịch quá đà trong các tập gần đây.

Trước phản ứng của khán giả, nữ diễn viên Thu Hà - thủ vai Thương (chị chồng của Khánh) đã lên tiếng. Chia sẻ với PV Dân trí, Thu Hà cho hay, các tình tiết trong phim đều hợp lý và cần thiết:

"Đúng là mọi người xem thì sẽ đồng cảm với Khánh và thương Khánh. Nhưng để Khánh có thể vùng lên, dứt khoát với cuộc hôn nhân hiện tại thì cần phải có tình huống đủ mạnh để đẩy Khánh tới quyết định đó chứ.

Chê rườm rà, bi kịch vô lý, khán giả đòi bỏ xem Thương ngày nắng về - 4
Diễn viên Thu Hà cho rằng bi kịch của Khánh là cần thiết (Ảnh: Facebook nhân vật).

Nếu không có nhân vật Thương với những âm mưu, toan tính nham hiểm thì Khánh sẽ mãi nhẫn nhịn, Đức mãi nhu nhược, và câu chuyện sẽ cứ luẩn quẩn trong sự cam chịu, bỏ qua mà thôi.

Phải có một sự tác động đủ mạnh để cả hai bứt phá ra khỏi "vùng an toàn" và nhân vật của tôi cùng các tình tiết gây ức chế vừa rồi là điều cần thiết".

Về việc khán giả cho rằng những bi kịch mà Khánh phải nhận là quá thiếu thực tế, cũng như những âm mưu của Thương là vô lý, nữ diễn viên Thu Hà chia sẻ:

"Nhắc tới nhân vật Thương, tôi phải dùng từ "khốn nạn" để miêu tả. Đây là nhân vật có thể bất chấp cả bố mẹ đẻ, ép bố mẹ đẻ bán nhà, vậy thì việc cô ta có thể dồn ép em trai và em dâu đến mức ly hôn cũng không phải điều vô lý.

Tôi nghĩ nhân vật Thương xuất hiện là để đẩy Khánh và Đức thoát khỏi vũng lầy, giải thoát cho nhau. Bản thân tôi đã lướt trên các trang mạng xã hội và đọc được nhiều bình luận của khán giả.

Chê rườm rà, bi kịch vô lý, khán giả đòi bỏ xem Thương ngày nắng về - 5
Nhân vật chị chồng và mẹ chồng giúp Khánh và Đức thoát "vũng lầy" hôn nhân (Ảnh: Facebook nhân vật).

Bên cạnh những người cho rằng những tình tiết trong phim là không có thực thì cũng có không ít bình luận khẳng định rằng chính họ cũng đã từng sống trong một gia đình "sóng gió" như Khánh. Thậm chí có người còn nói rằng những bi kịch trong phim chưa là gì so với cuộc sống thực của họ.

Phim cũng là đời thôi, không có chuyện đạo diễn và biên kịch lại xây dựng một câu chuyện không hề có thực. Chắc chắn phải có những câu chuyện tương tự như vậy, nhưng khi lên kịch bản thì sẽ được bi kịch hóa lên một chút để đẩy cao mâu thuẫn trong phim.

Tất nhiên, có thể mọi người nghĩ những bi kịch này hơi quá, nhưng phim mà, phải có bi kịch chứ!"

Chê rườm rà, bi kịch vô lý, khán giả đòi bỏ xem Thương ngày nắng về - 6

Một cảnh lấy nước mắt khán giả của diễn viên Lan Phương (Ảnh: Chụp màn hình).

Về ý kiến cho rằng biên kịch quá sa đà vào bi kịch của cặp Khánh - Đức mà khiến cho nhân vật chính là Vân Trang bị lu mờ, Thu Hà nhận định:

"Bộ phim xoay quanh gia đình bà Nga chứ không phải chỉ riêng nhân vật Vân Trang. Những tập trước đó, phim khai thác nhiều về nhân vật Vân Trang và hành trình nhận lại mẹ ruột của nhân vật này. Thì bây giờ phim sẽ khai thác tới nhân vật Khánh, sau đó là tới Vân Vân.

Vân Vân sẽ được khai thác ít hơn vì nhân vật này còn trẻ, cuộc sống khá đơn giản. Còn Khánh là nhân vật bản sao của bà Nga, có rất nhiều bi kịch để khai thác. Chính vì vậy nên không có chuyện biên kịch bị sa đà đâu".

Trước đó, biên kịch của bộ phim - chị Nguyễn Thủy - cũng chia sẻ rằng bi kịch của nhân vật Khánh là cần thiết:

"Đi đến cùng nỗi bất hạnh của một người phụ nữ như Khánh, không phải đợi khi khán giả phản ứng là "này các bạn làm quá rồi", thì chính chúng mình cũng đã luôn đặt câu hỏi "có nhất thiết thế này không?", "liệu có lựa chọn khác không?", vì hơn ai hết, thứ chúng mình mong muốn là một câu chuyện đến được yêu thương, được đồng cảm, được ủng hộ chứ không phải là phản đối hay chê trách.

Chê rườm rà, bi kịch vô lý, khán giả đòi bỏ xem Thương ngày nắng về - 7

Lan Phương cũng đồng quan điểm rằng, bi kịch của Khánh là cần thiết (Ảnh: Facebook nhân vật).

Nhưng là một người làm nghề, chúng mình cũng muốn khai thác tới cùng, muốn "tới nơi tới chốn", muốn cho nhân vật có một hành trình dẫu tận cùng cay đắng, thì thứ hạnh phúc sau này họ nhận được, cũng sẽ thật lòng xứng đáng".

Bản thân diễn viên Lan Phương - vai Khánh - cũng để lại bình luận dưới bài đăng của biên kịch Nguyễn Thủy và khẳng định bi kịch của Khánh không hề thừa thãi:

"Cảm ơn cậu vì đã tạo ra những vết thương cần thiết này để Khánh được mạnh mẽ hơn để sắp xếp lại toàn bộ cuộc đời của mình và cũng để cả Khánh và Phương trưởng thành hơn".