Chế Linh- Trường Vũ cùng hàng ngàn người dự khai hội đền Diên Cờ (Nghệ An)
Từ 19 - 22 tháng Giêng (Âm lịch), tức 6 – 9/3/2018, hàng ngàn người dân khắp mọi miền tổ quốc đã nô nức hành hương về xã Nghi Trường, Nghi Lộc (Nghệ An) để chiêm bái công trình tâm linh nổi tiếng - Đền Diên Cờ và tham dự Lễ hội truyền thống đặc sắc tại Đền.
Trong đoàn người về dự hội Đền Diên Cờ năm nay, còn có những nghệ sĩ nổi tiếng từ hải ngoại và trong nước như Chế Linh, Trường Vũ, Giao Linh, Thanh Thanh Hiền, Duy Trường… Họ không chỉ chiêm bái cảnh đền mà còn mang tiếng hát phục vụ bà con, góp vui cho ngày hội đền.
Đền Diên Cờ mang dấu ấn tâm linh của người dân Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An, mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”, cái nôi của phong trào yêu nước của huyện Nghi Lộc trong suốt quá trình chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc.
Tương truyền đền Diên Cờ xưa được xây dựng từ trước thế kỷ thứ XVIII với có 3 toà thượng điện, trung điện và hạ điện, thuộc địa bàn thôn Diên Cờ, làng Đông Chử, tổng Thượng Xá, huyện Chân Lộc (nay thuộc xóm 14, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc). Đền là nơi thờ tự và ghi nhận công lao của các vị thần, nhân vật lịch sử có công lao to lớn với dân với nước, được nhân dân tôn kính, ngưỡng vọng như: Thần Cao Sơn, Cao Các, Tam tòa thánh Mẫu, Đức thánh Trần, Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Những công lao hiển hách của các vị anh hùng được phụng thờ, cùng sự linh ứng vây quanh đã khiến cho ngôi đền từng được nhận bảy sắc phong qua các triều vua, đồng thời được nhân dân trong vùng kính cẩn phụng thờ qua các thế hệ.
Đặc biệt, Đền Diên Cờ chính là nơi diễn ra Hội cờ khao quân của Cương Quốc Công Nguyễn Xí, công thần khai quốc nhà Hậu Lê và là đại thần trải qua 4 đời vua thời Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Nhiều nguồn sử liệu cho hay, tại mảnh đất xây dựng đền Diên Cờ chính là nơi Cương Quốc công luyện quân chinh phạt quân Chiêm Thành lấn chiếm biên giới phía nam vào năm 1445. Nền điện tế và ao Voi Nẹp (hồ Bạch Tượng) tại xóm 14 xã Nghi Trường hiện nay là những dấu tích còn lại liên quan đến hoạt động của Nguyễn Xí và quân sĩ của ông thuở xưa.
Thế nhưng, trải qua những biến thiên của lịch sử, bom đạn chiến tranh, ngôi đền bị phá dỡ, chỉ còn lại dấu tích của nền đền và một số đạo sắc (sắc đời Vua Cảnh Hưng thứ 44 (1783), sắc phong đời Vua Khải Định năm thứ 9 (1924). Cơ duyên đến, năm 2012, Đại tá - Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, người con của đất Nghi Trường, Nghi Lộc đã đứng ra kêu gọi trùng tu, xây dựng lại đền Diên Cờ trên nền cũ theo nguồn vốn xã hội hoá với quy mô đền rộng hơn 7.000m2.
Đại tá cũng cho biết, ông lo xây đền trước khi xây nhà thờ của dòng họ bởi ông muốn được góp phần xây dựng quê hương Nghi Trường, mong mỏi đem đến sức sống mới cho quê hương. Đại tá Nguyễn Đăng Giáp bày tỏ, ngoài việc trùng tu xây dựng ngôi đền để góp phần nâng cao đời sống tâm linh của người dân Nghi Trường, thì còn mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ người dân noi gương những bậc nhân thần, tiên hiền phấn đấu học tập góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến thăm Đền Diên Cờ trong lễ hội Xuân này, du khách không khỏi ngạc nhiên trước ngôi đền uy nghiêm với 9 hạng mục: Thượng điện, trung điện, hạ điện, nhà hóa vàng, nhà phục vụ, núi đất, cổng tam quan, sân đền và bia đá, tạo thành một quần thể trùng điệp, nguy nga, tráng lệ. Đây không chỉ là một trong những di tích có quy mô lớn nhất của tỉnh Nghệ An, mà còn mang kiến trúc đền thờ điển hình của người Việt. Ngoài sân lộ thiên có những pho tượng La Hán bằng đá nguyên khối, đặc biệt là đôi rồng chầu bằng đá nguyên khối được biết là lớn nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Đền luôn được chăm sóc cẩn thận, chu đáo nên sạch đẹp cùng phong cảnh khuôn viên cây cối rợp mát, yên bình khiến người tham quan cảm thấy vô cùng bình yên, tĩnh tại khi tới đây. Đại tá- Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp kỳ vọng, với vị trí đắc địa nằm sát đường Quốc lộ, gần bãi biển Cửa Lò và trong trục tâm linh nổi tiếng, đền Diên Cờ là điểm đến của du khách thập phương, mang lại sức sống mới cho mảnh đất Nghi Trường, Nghi Lộc hôm nay.
2. Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội đền Diên Cờ, Đại tá- Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 36, nói rằng, ông mong muốn được “chiêu đãi” những người dân Nghi Trường, Nghi Lộc một “bữa tiệc” âm nhạc trong ngày hội Đền với những ngôi sao mà người dân yêu mến, thần tượng, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Nhờ đó mà lần đầu tiên người dân xứ Nghệ được gặp một Chế Linh, một Trường Vũ, Giao Linh “bằng xương bằng thịt” trên sân khấu, nên mặc dù đến 7h30 mới bắt đầu khai mạc, nhưng từ lúc trời còn sáng, người dân đủ mọi lứa tuổi khắp nơi đã đổ về đêm nhạc khai hội để dành cho mình chỗ ngồi tốt.
Danh ca Chế Linh chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông về Nghi Trường biểu diễn nhờ mối duyên với Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp. Và để có thể đứng trên sân khấu này, ông đã phải huỷ show ở hải ngoại, ông muốn được biểu diễn tại đêm khai hội bởi mong muốn được diễn trên mảnh đất anh linh này trong những ngày đầu Xuân.
Đêm nhạc khai hội đền Diên Cờ Xuân Mậu Tuất khiến hàng ngàn người dân xúc động trong không khí trang nghiêm, uy linh với bài hịch, ca khúc về Đền Diên Cờ, kể lại câu chuyện binh đao cứu nước của những vị “thần hộ Quốc”, hành trình xây dựng ngôi đền uy nghi như hôm nay. Ngay sau đó đêm nhạc tiếp tục với những sáng tác sâu lắng, tình cảm về tình cha, mẹ, về quê hương Nghi Trường, Nghi Lộc. Đặc biệt, nam danh ca Chế Linh gây bất ngờ khi thể hiện một sáng tác mới mang dấu ấn sâu đậm về quê hương Nghi Trường. Ca khúc này, theo lời chia sẻ của Chế Linh, là ông đã sáng tác trên chuyến bay từ Việt Nam về Canada sau khi đã đọc tập thơ của Đại tá- Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp. Tập thơ đã gây cho ông những xúc động mạnh cùng sự cảm kích khi thấy tình cảm sâu nặng của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp dành cho thân sinh, gia đình, cho quê hương mình, và điều đó đã tạo cảm hứng cho ông có một sáng tác mới.
Tiếp nối chương trình, các nghệ sĩ đã “đãi” người dân Nghi Lộc hàng loạt ca khúc bolero nổi tiếng gắn với tên tuổi của Chế Linh, Trường Vũ, Giao Linh…giúp người dân có một đêm thưởng thức nghệ thuật “đã” mắt, “đã” tai với những nghệ sĩ mình yêu mến. Lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam, khán giả được chứng kiến màn song ca thú vị của Trường Vũ và người mà anh gọi là “thầy”, Chế Linh với ca khúc “Tuý ca” nổi tiếng. Ngoài phần trình diễn, các nghệ sĩ liên tục giao lưu, kể chuyện khiến người dân theo dõi đêm nhạc thích thú, say mê.
Sau đêm nhạc, người dân vào đền thắp hương cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng, mùa màng tươi tốt vào khoảnh khắc gần nửa đêm. Nhiều người dân cho biết, họ có cảm giác như được đón giao thừa lần thứ 2 với ngày hội Đền Diên Cờ.
Sáng hôm sau, tại Đền Diên Cờ diễn ra Lễ tế chính thức. Mặc dù mới được phục hồi cùng với việc xây dựng đền Diên Cờ, nhưng các nghi thức tế lễ truyền thống đã khá trọn vẹn, được tiến hành rất trang nghiêm, thành kính. Tiếp theo Lễ tế là Lễ rước Kiệu rước bài vị các vị thần, đoàn rước đi vòng quanh làng rồi trở về đền. Phần hội đang dần dần được hoàn chỉnh với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động, mỗi năm thêm một phong phú thu hút đông đảo người dân và khách thập phương. Hội Đền Diên Cờ xuân Mậu Tuất tưng bừng hơn khi gia đình Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã thết đãi dân làng, quan khách gần xa tới hội Đền bữa tiệc với hàng trăm mâm cỗ.
Sau khi được phục dựng Đền Diên Cờ đã trở thành một địa chỉ tâm linh quý báu cho du khách thập phương và người dân địa phương. Nằm trên trục tâm linh với Đền thờ ông Hoàng Mười Nghệ An, Hà Tĩnh, đền Cờn thờ tứ vị thánh nương, người dân có thể dễ dàng di chuyển giữa các đền với nhau trên hành trình du xuân, hành hương. Cho nên Đền Diên Cờ ngày càng hấp dẫn đông đảo du khách xa gần.
3.Phục dựng ngôi đền cổ và làm sống lại các lễ hội xưa. Đó là công đức to lớn của những người “hữu hằng tâm”, “hữu hằng sản” – theo cách nói của GS.AHLĐ Vũ Khiêu. Đó là những người đã hết mình với sự phục dựng, bảo tồn bản sắc văn hóa của đất và người Nghi Lộc, trong đó có gia đình Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp.
"Anh hùng" luận về "anh hùng" trong việc phục hưng văn hóa, GS Vũ Khiêu cảm kích: Địa linh sinh nhân kiệt, nhưng nhân kiệt cũng sinh địa linh là như thế. Quả thực, mảnh đất "địa linh" Nghi Trường không có những "nhân kiệt" dám nghĩ dám làm như Nguyễn Đăng Giáp, thì Đền Diên Cờ vẫn chỉ là phế tích trong hoài niệm của người dân, mà chưa thể hồi sinh thành một công trình lộng lẫy, uy nghiêm, xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia như GS Vũ Khiêu nhận định.