Chế Linh- Nước mắt hồi hương
Chế Linh ngồi không xa tôi mấy, tay đỡ lấy cằm, hiền từ, hiu quạnh. Sáng Sài Gòn có mưa, ông nhìn mưa ngơ ngẩn, nói: “Tết năm nay mình được ăn Tết ở Việt Nam, mình thấy vui vui”. Mưa giăng giăng ngang mắt, Chế Linh cười, những nếp hằn sâu hút…
1. Chế Linh kể, hơn 30 năm xa Việt Nam, không mùa đông nào ông thôi nhớ về đất mẹ. Cái lạnh nơi xứ người trông ngang đẹp như truyện tranh cổ tích. Nhưng phải ở đó mới biết, hơi lạnh như lưỡi dao ở đâu sa sầm xuống, bao trùm, hung hãn, ác nghiệt.
Đông định hình cô quạnh như một cái hố sâu, không bước qua được, rơi vào vô tận, đáy ở đâu thăm thẳm. Mùa lạnh lẽo kéo dài như cả đời người, Chế Linh liêu xiêu bước qua bao nhiêu mùa như thế.
Ông nói, “nhớ Sài Gòn”. Nhớ những chiều hiu hiu gió, nắng lấp loáng bên sông, Chế Linh thẫn thờ gõ một nhịp Boléro chuếnh choáng. Mây đùn sau lưng, lục bình tụ tán dập dềnh. Người cũng như sông, trôi hoài ra biển lớn rồi không kịp biết mình là gì nữa. Chế Linh lênh đênh, nông nổi neo cặm trẻ trai vào Sài Gòn hoa lệ tưng bừng.
Ngày, cong lưng đạp xe từ cầu Bình Triệu lên trung tâm Sài Gòn học chữ; đêm, ngủ tạm dưới hầm quán bar; khuya, ngẩn ngơ thức giấc. Cơn tủi hờn theo xác lá ùa về kinh hãi… 4 tuổi, Chế Linh mất cha.
4 tuổi, người ta không thể nhớ được cái gì thành nếp, thành hằn. Ông thầm thì như mơ hồ: “Lâu lắm rồi, không nhớ nổi cha thế nào nữa. Ông mất vì bệnh, bệnh gì không biết nữa. Lớn lên, chỉ biết mình không có cha…”.
Chế Linh sinh ra ở một làng Chăm nghèo heo hút. Phan Rang quê ông - “Ngày thì nắng gió/ Đêm thì chó tru/ Rắn nẹp nưa gây oán gây thù/ Gai chùm lé làm hung làm dữ”. Hằng năm, nắng thiêu trụi hết nương, hết rẫy. Phan Rang có mùa gió lạc, gió dữ bị giam cầm trong vách núi, cuồng loạn thét gào. Đất cằn, người như mắt bão, kệ hết gió giông, bám rừng, bám biển mà sống…
2. 16 tuổi, Chế Linh quyết định thoát li. Bước ra khỏi quê nghèo, một thân một mình vào Sài Gòn trọ học, cậu trai 16 tuổi choáng ngợp trước phồn hoa. “Hồi đó khổ lắm, vào làm phụ bếp cho ông chủ người Hoa, lấy tiền đi học. Mỗi buổi sáng sớm, mình phụ mấy đứa nhỏ nghèo chung xóm bán báo. Bán dùm thôi, không có lấy tiền. Nhờ đi theo mấy em bán báo, mà thuộc đường đi”.
Nên bây giờ Chế Linh về, thương hết những hẻm hốc Sài Gòn. Thương luôn ông mù bán vé số, thương xe trà đá nhỏ nhoi bền bỉ trước căn nhà quạnh quẽ. Có cụ già gối mỏi, chờ khách tới, rót cho hết tiếng thở dài…
Xa quê lâu quá, đường vòng quanh, nhớ nhớ quên quên. Riêng kỷ niệm vẫn y nguyên ngày cũ. Chế Linh bồi hồi: “Chỉ biết đi học là đi học thôi, đi học để làm thầy giáo dạy văn. Nhớ khoảng năm 60, mình đăng kí thi thử chương trình do đài ở Sài Gòn tổ chức. Năm đó được giải Nam ca xuất sắc nhất”. Chế Linh cười, nắng sớm tan mưa, trong vắt. Ký ức nương về lớp lớp, ngày còn chân trần nhói ran trên đường nắng, nhóc con nhỏ xíu được cha xứ người Pháp dạy những nốt nhạc đầu tiên. Đi thi cũng ngỡ cho vui nào ngờ đậu cao, rồi Chế Linh được nhận vào đoàn văn nghệ Biệt Chính Biên Hòa.
Hát 2 năm thì rã gánh, Chế Linh đi làm thuê, đi chở đá. Những đêm buồn không tên, Linh ngồi gác xép, ngóng về Sài Gòn. Mưa rưng rưng giọt nỉ, giọt non, Linh bậm môi cắn nát nỗi niềm. Mười ngón tay xước chằng, xước chịt, cần lao luôn có cách khắc lại dấu của nó lên con người. Buồn quá biết làm gì đây, Linh ghì tay nắn nót đôi ba nốt nhạc. Vậy mà nhạc kết thành chuỗi, thành hình. Những “Đêm buồn tỉnh lẻ”, “Đếm bước cô đơn”, “Bài ca kỷ niệm”, … như chén rượu trong lòng, Chế Linh rót ra, rồi tự mình uống cạn.
Nhớ sân khấu, nhớ Sài Gòn, Chế Linh bỏ Biên Hòa. “Mới về Sài Gòn, mình được ký hợp đồng với hãng dĩa Việt Nam, Continental. Rồi anh Châu Kỳ, Trúc Phương, Mạnh Phát, Duy Khánh, thấy thương nên dìu dắt. Rồi mê âm nhạc quá mà vươn lên. Cũng có đoạt giải nhiều nhiều”.
Chế Linh kể chuyện nghề, gọn ơ, như kiểu có gì lớn lao đâu mà nhắc nhớ. Nhưng ông cảm ơn khán giả nhiều. Cứ nói đi nói lại rằng, nhờ khán giả mà Chế Linh mới được tiếp tục hát, rằng, nếu khán giả không yêu thương chắc Chế Linh … chết đâu đó, lâu rồi. Nghệ sĩ mà, còn gì héo hắt hơn tự mình hát, tự mình nghe. Chế Linh nghe vậy, tay run run, lại nói: “Cảm ơn quý khán giả, đã cho mình một sức mạnh để đứng được trên sân cho đến ngày hôm nay”. Lời cảm ơn ngưng trong nước mắt, mát lành, ngọt lịm.
3. Hỏi Chế Linh, Tết năm nay ở Việt Nam, có ghé Phan Rang không? Ông gật gật: “Có chứ. Nhiều người nói, mình sanh không có đúng chỗ. Cái nơi gì mà hết sức cằn cỗi, người sống mệt nhoài. Nhưng đó là giá trị riêng của mình”.
Không ai chối bỏ được quê nhà, dẫu cuống nhau đỏ ối giờ đã tan thành đất. Dẫu đất đó nhọc nhằn như ráo riết rút lấy sinh lực con người. Chế Linh xua tay: “Người ta không biết, nói quê khó vậy thôi, chứ đất có phụ rẫy ai bao giờ”. Từ xưa nay chỉ có người bỏ đất mà đi…
Chế Linh cười, những nếp nhăn xô lại nơi đuôi mắt. Cười, để ngăn một vết buồn: “Nếu không sinh ra ở xứ Phan Rang đó, chắc không có một Chế Linh như ngày hôm nay”. Chế Linh lớn lên trong mất mát, nhọc nhằn. Nên giọng ca của ông tựa hồ kéo theo những u uất từ thẳm sâu vọng lại. Khan như nắng, thiết tha như gió…
Lại nhớ ngày về Việt Nam, Chế Linh bật khóc trong vòng tay khán giả. Giờ ngồi giữa Sài Gòn, lặng ngắm ngày trôi, mùa tới, ông cứ im lặng, từng đoạn rất dài, không khóc mà nghe nghèn nghẹn. Sáng Sài Gòn có mưa, ông nhìn mưa ngơ ngẩn, nói: “Tết năm nay mình được ăn Tết ở Việt Nam, mình thấy vui vui”. Mưa giăng giăng ngang trời, Chế Linh lại cười, những nếp hằn sâu hút…
Chợt lẩm nhẩm một đoạn hát rằng: “Rồi đây qua cơn mê/ Sông cạn lại thành dòng/ Suối về ngọt quê hương/ Ngày đó tay em dài vun cuộc tình thật đầy, mơ toàn chuyện trên mây…”. Chế Linh lại gật gật: “Đúng rồi, bài Qua cơn mê ...”. Rồi lại run run cảm ơn khán giả, cảm ơn ngày về Việt Nam, cảm ơn đất này, người này …
Chế Linh ngồi nhìn mưa ngớt, nhìn lá me non sũng nước, trong veo như sương, như nước mắt, nhỏ giọt giữa cố hương…
Theo Hồ Ngọc Giàu
Một thế giới