Chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, cuộc thi sẽ bị rút giấy phép?

(Dân trí) - Theo thông tư mới nhất của Bộ VH,TT&DL quy định chi tiết về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì thí sinh tham gia các cuộc thi phải là nhan sắc tự nhiên, nếu phát hiện phẫu thuật thẩm mỹ sẽ bị phạt nặng.

Như thế nào là phẫu thuật thẩm mỹ?

Ngày 24/3 vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã ra thông tư quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP.

Theo Điều 6 của thông tư này thì Thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên (quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP) là thí sinh chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Như vậy cũng có thể hiểu những cuộc thi nào cho phép thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ tham gia cuộc thi sẽ bị xử phạt theo quy định, nặng nhất là bị rút giấy phép. Tuy nhiên, thông tư lại không quy định như thế nào được gọi là phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này sẽ ít nhiều gây khó khăn cho các cuộc thi nhan sắc khi công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay đang ngày càng tinh vi.

Nhiều cuộc thi nhan sắc hiện nay khá đau đầu với chuyện thí sinh phẫu thuât thẩm mỹ. Ảnh: TL.
Nhiều cuộc thi nhan sắc hiện nay khá đau đầu với chuyện thí sinh phẫu thuât thẩm mỹ. Ảnh: TL.

Theo nhiều chuyên gia sắc đẹp, trên thị trường hiện nay đang xuất hiện ngày càng nhiều công nghệ làm đẹp mà không cần sử dụng đến dao kéo (tức không cần phẫu thuật), không để lại sẹo thậm chí không làm khiến cho người thẩm mỹ bị sưng, phù nề. Có nghĩa là nếu muốn một chiếc mũi cao, cằm thon đúng chuẩn V-line thì chỉ cần tiêm filer, butox. Cách làm này có hiệu quả ngay trong 30 phút và kéo dài đến 6 tháng mà lại mang lại sự an toàn.

Từng có trường hợp, thí sinh sau khi đạt giải cao trong cuộc thi thì rộ lên nghi án phẫu thuật thẩm mỹ và buộc lòng BTC phải cho tiến hành kiểm tra lại nhân trắc học. Tương tự, trường hợp của Phạm Hương, sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 cũng rộ lên nghi án cô đã phẫu thuật thẩm mỹ trước khi đến với cuộc thi này dù trước đó cô đã từng trải qua hai lần kiểm tra nhân trắc học. Một lần tại Hoa hậu Việt Nam 2014 và một vào 2/10/2015 tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015.

Mới đây, khi hay tin Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016 có ý chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD đã khẳng định sẽ gửi công văn yêu cầu dừng ngay cuộc thi này nếu điều đó là sự thật. Ban tổ chức cuộc thi này sau đó đã cấp tốc gửi thông báo đính chính lại thông tin đã phát ngôn “cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia” trước đó.

Ngoài ra, theo Điều 3 của thông tư này thì Hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện, phổ biến, lưu hành (quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP) gồm:

Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông;

Việc kiểm tra nhân trắc học sẽ được tiến hành thận trọng hơn?. Ảnh: TL.
Việc kiểm tra nhân trắc học sẽ được tiến hành thận trọng hơn?. Ảnh: TL.

Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình hình ảnh tập thể, cá nhân thể hiện các tiết mục biểu diễn có nội dung vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông;

Có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.

Hội đồng thẩm định thành lập theo quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BVHTTDL ngày 24/12/2013 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, chịu trách nhiệm kết luận, đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi do người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu thực hiện và đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mỗi cuộc thi chỉ một Ban giám khảo

Điều 7 của Thông tư này cũng quy định rõ nội dung, hình thức đề án tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu (quy định tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP). Theo đó, tên cuộc thi bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng Việt (trường hợp tên cuộc thi có sử dụng tiếng nước ngoài thì viết tên bằng tiếng Việt trước, tên nước ngoài sau). Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi phải thể hiện rõ và phù hợp với tên gọi của cuộc thi, quy mô, phạm vi tổ chức cuộc thi. Thể lệ cuộc thi quy định rõ điều kiện, tiêu chí của thí sinh dự thi. Nội dung, trình tự tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức cuộc thi. Danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng và thời gian trao giải.

Đối với thí sinh đạt giải, trong thời gian tối đa 24 tháng, kể từ ngày đạt giải nhất trong cuộc thi người đẹp, người mẫu, phải thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện theo kế hoạch của Ban tổ chức cuộc thi đã được cơ quan cấp phép phê duyệt.

Điều 8 của thông tư này cũng quy định, mỗi cuộc thi người đẹp, người mẫu (quy định tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP) sẽ chỉ thành lập 1 Ban giám khảo. Ban giám khảo gồm các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực: Nhân trắc học, mỹ học, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh, xã hội học. Tùy theo tính chất của từng cuộc thi, Ban tổ chức có thể mời thêm các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác. Cơ quan cấp phép, đơn vị tổ chức, nhà tài trợ không tham gia Ban giám khảo.

Sau 24 tháng đăng quang, Hoa hậu phải có các hoạt động từ thiện, xã hội. Ảnh: TL.
Sau 24 tháng đăng quang, Hoa hậu phải có các hoạt động từ thiện, xã hội. Ảnh: TL.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2016 và bãi bỏ Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28/1/2013 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Bãi bỏ Điều 3 Thông tư số 19/2014/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL, Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL.

Hà Tùng Long