Chàng trai tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton

Hà Hiền

(Dân trí) - Đam mê bể thủy sinh, Vũ Thạch Dương (Hải Dương) tự học cách lắp ghép những que kem thành hàng chục mô hình nhà miền Tây để trang trí cho bể cá của mình và bán cho những người có cùng sở thích.

Vũ Thạch Dương (sinh năm 2000) vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề Hải Dương, chàng trai có đam mê chơi bể thủy sinh từ nhiều năm nay nhưng do chưa tự lập về kinh tế nên cậu không thể mua những bộ tiểu cảnh đắt tiền.

Nghỉ ở nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh, Dương có nhiều thời gian rảnh nên đã nghĩ cách tự tạo dựng những tiểu cảnh sông nước miền Tây để trang trí cho bể cá của mình.

Chàng trai tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton - 1
Chàng trai Hải Dương tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton.

Dương chia sẻ: "Với ý tưởng làm tiểu cảnh phù hợp để trang trí cho bể cá, mình nghĩ ngay tới những ngôi nhà ở miền Tây. Tham khảo trên mạng, mình thấy mô hình kiểu này của họa sĩ Lê Xuân Giang nên học hỏi làm theo. Sau 4-5 ngày, mình cho ra sản phẩm đầu tiên".

Sau đó, bằng trí tưởng tượng và tìm tòi thêm trên mạng xã hội, Dương tự lên ý tưởng làm những mô hình mang nét đặc trưng riêng.

Để tạo dựng mô hình, Dương sử dụng các vật liệu đơn giản dễ kiếm gồm: Que kem, các tấm nhựa formex xin từ các quán làm biển quảng cáo, bìa carton, que gỗ, keo 502, đất nặn và màu vẽ.

Đầu tiên, Dương dùng keo 502 để gắn những que kem lên thanh nhựa formex để cố định sàn và tường. Anh sử dụng giấy ăn mỏng làm chất kết dính giúp các mối nối gắn chặt hơn.

Chàng trai tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton - 2
Khung nhà được dựng từ que kem.

Sau khi dựng khung nhà, Dương tiếp tục làm phần mái. Chàng trai dùng lớp sóng ở phần giữa của những tấm bìa carton để tạo mô phỏng những tấm tôn. Cột nhà được làm từ các que gỗ. Sau đó tô mô hình bằng màu nước sao cho chân thực và có hồn nhất có thể, đây cũng là công đoạn khó nhất đối với Dương.

Chàng trai tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton - 3

Dương dùng lớp sóng ở phần giữa của những tấm bìa carton để tạo mô phỏng những tấm tôn.

Cuối cùng, làm những chi tiết nhỏ từ đất nặn để trang trí cho mô hình.

Chàng trai 22 tuổi cho biết, cậu chưa từng học vẽ hay bộ môn nào liên quan tới mỹ thuật. Chàng trai được mọi người khen có trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo khá tốt từ nhỏ.

Các chân cột nhà được bọc nilong và quấn băng dính kín để tránh nước. Nếu chỉ trưng bày trong nhà, mô hình có thể để được từ 1-2 năm, còn đặt ngoài trời nắng, mưa sẽ nhanh hỏng.

Chàng trai tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton - 4

Đam mê lắp ghép nên có những ngày Dương thức tới 3 giờ sáng để hoàn thiện sản phẩm.

Tác phẩm đầu tiên sau khi hoàn thiện Dương đăng lên các nhóm thủy sinh, tiểu cảnh và được rất nhiều người thích thú, ngỏ ý mua sản phẩm. Sau đó, cậu tiếp tục làm một bộ nhà miền Tây xập xệ liền kề nhau và được lan tỏa khắp cộng đồng mạng trong và ngoài nước.

Có thêm động lực, chàng trai Hải Dương quyết định dành 15 ngày để làm "kiệt tác" mô phỏng dãy nhà trên sông xưa. Mô hình này được cậu bán với giá 3,5 triệu đồng.

Chàng trai tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton - 5

Mô hình "Dãy nhà trên sông xưa" của miền Tây gợi nhớ nhiều ký ức.

Chàng trai tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton - 6

Những chi tiết, đồ vật có trong ngôi nhà được chàng trai 22 tuổi quan sát, tưởng tượng và thể hiện rất có hồn.

"Từ lúc làm thiết kế mô hình có rất nhiều người hỏi mua và em cũng nhận làm bán để kiếm thêm chút kinh phí trang trải cho mùa dịch này. Giá cả phụ thuộc vào từng loại nhà, trung bình 1 căn nhà đơn có giá từ 300.000 - 450.000 đồng, còn nhà to và nhiều chi tiết giá sẽ cao hơn", Dương chia sẻ.

Chàng trai tái hiện cảnh sông nước miền Tây từ que kem, bìa carton - 7

Các mô hình nhà miền Tây đơn Dương thực hiện từ 4-5 ngày.

Ngoài mô hình nhà sông nước miền Tây, thời gian tới, Dương có ý định tái hiện mô hình những ngôi nhà dân dã, đơn sơ ở các vùng miền trên cả nước.