Chàng trai khuyết tật "viết" nên điều kỳ diệu từ thân tre
(Dân trí) - Triệu Hồng Hồ Em ở xã Long Điền A (Chợ Mới, An Giang) đã quyết tâm tập luyện để đứng dậy sau nhiều năm nằm liệt giường, tự làm nên những món đồ thủ công từ tre rất tinh xảo, bắt mắt.
Hồ Em là con út trong gia đình 4 anh em, nhà nghèo, cha mất sớm, tiếp đến anh trai bị tai nạn rồi qua đời không lâu sau đó, còn 2 người chị có gia đình riêng, làm thuê ở TPHCM.
Biến cố ập đến với chàng trai khi mới 9 tuổi và khiến anh phải gác lại việc học: "Hồi nhỏ mình cũng đi học bình thường như bao bạn bè khác, cũng là học sinh giỏi. Lên lớp 4 mình bị nhức chân từ gối tới mông, một thời gian thì đi lại không được nữa, nên mình quyết định dừng hẳn việc học vào năm lớp 6", Hồ Em nhớ lại.
Hồ Em cùng Bố Mẹ ra Vũng Tàu mưu sinh, được vài năm thì bố mất do lâm bệnh nặng mà không có tiền chạy chữa.
"Mình bệnh tật nằm một chỗ cũng rất buồn, chỉ có hai mẹ con nương tựa nên cứ cố gắng thuốc thang cho chóng khỏi. Mẹ mình hàng ngày chăm lo thuốc men, bóp tay chân cho mình, có khi mẹ ngủ gục mà tay vẫn bóp chân cho mình, ban ngày mẹ hái rau dại, rau tập tàng đem ra chợ bán". Chàng trai giàu nghị lực tâm sự.
Sau những tháng ngày nằm một chỗ, Hồ Em quyết tâm tập luyện mỗi ngày, anh tập thể dục ngay trên giường bệnh. Những lúc mới tập, tay chân cử động rất đau, đốt sống cổ đơ cứng vì nằm một chỗ quá lâu, còn chân cũng co rút.
Những trưa hè nắng, anh được mẹ cho ra ngoài hiên nhà hóng mát, nhìn thấy những đoạn tre lăn lóc ở sân nên Hồ Em nhờ mẹ chẻ nhỏ ra, sau đó anh tự vót thành những đồ vật mình muốn.
Sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của Hồ Em là mô hình nhà Rông Tây nguyên: "Không chỉ mình mà mẹ cũng mừng lắm vì sản phẩm đã hoàn thành sau chuỗi ngày nằm bất động trên giường bệnh", anh chia sẻ.
Tre được xử lý kỹ để tránh mối mọt, lựa chọn tre có lóng dài. Những cây tre sau khi mua về được đem phơi khô, Hồ Em kiên trì đục đẽo, vót,... sau đó ghép lại thành mô hình căn nhà, bộ đàn, móc khóa, bàn, ghế... vô cùng tinh xảo và độc đáo.
"Mình may mắn vì sản phẩm làm ra được mọi người ủng hộ nên có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống của 2 mẹ con, chính cây tre đã làm thay đổi cuộc đời mình.
Sản phẩm nào mình cũng dồn tâm huyết làm cẩn thận nhất có thể, vì chính nó mang lại cho mình niềm vui, cũng là miếng cơm manh áo", Hồ Em nói.
Dù hạn chế về cơ thể, cử động khó khăn nhưng Hồ Em tâm sự đầy quyết tâm: "Sản phẩm nào khách đặt mình cũng cố gắng làm chỉn chu nhất, bởi nó chỉ khó đối với người hay bỏ cuộc, còn dễ với người kiên trì, mình không bao giờ bỏ cuộc".
Nói về dự định trong tương lai, Hồ Em cho biết, trước mắt anh vẫn cố gắng làm tốt công việc hiện tại, có kinh tế để đỡ đần cho mẹ. Trong tương lai, nếu có điều kiện anh sẽ truyền dạy nghề cho các bạn có cùng cảnh ngộ khuyết tật như mình, để các bạn có niềm vui vươn lên trong cuộc sống.