NSND Đặng Nhật Minh:

“Chẳng lẽ, điện ảnh Việt Nam chỉ làm phim hài nhảm?”

(Dân trí)- Đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh sau 56 năm gắn bó với điện ảnh đã đưa ra những ý kiến riêng về cách “chi tiền” trong điện ảnh để hạn chế lãng phí, tốn kém.

“Tăng thuế và ưu đãi thuế ”

Phim Việt đang bị “thả nổi” về chất lượng. Hầu hết các đạo diễn đều trả lời, họ được “thuê” để làm phim, họ phải có trách nhiệm với đồng tiền của nhà sản xuất, bởi vậy- hài nhảm trở thành một phương án an toàn. Những năm qua, phim hài nhảm, phim thảm họa nối đuôi nhau ra rạp và bội thu với những doanh thu ngất ngưởng.

“Nếu sống mãi với phim hài nhảm, điện ảnh chúng ta sẽ đi về đâu? Mới đây, tôi có đọc bài phỏng vấn một đạo diễn, anh ấy tuyên bố rất thành thật: “Chỉ làm phim hài nhảm , không làm phim nghệ thuật cao siêu”. Đó dường như đã trở thành tuyên ngôn của một số nhà làm phim thế hệ mới. Gần đây có ý kiến kêu gọi đừng phân biệt phim tư nhân- phim nhà nước, hãy gọi tất cả là phim Việt Nam. Cũng được thôi . Mỹ nhân kếMùi cỏ cháy đều là phim VN cả. Nhưng phải phân biệt mục đích của những người bỏ tiền ra làm những phim đó thì khác nhau? Rõ ràng, không thể đánh đồng như nhau Mùi cỏ cháyMỹ nhân kế” mặc dù đều là phim VN cả”- Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định.

Theo đạo diễn của Bao giờ cho đến tháng 10, nhà nước đang áp dụng cơ chế “cào bằng” trong điện ảnh, mọi bộ phim ra rạp đều nộp thuế như nhau, từ phim ngoại, phim nội, phim hài đến dòng phim nghệ thuật kén khán giả. “Điều đó là vô lý. Phim hài nhảm ra rạp chỉ với mục đích kiếm tiền, tại sao nộp thuế giống như một bộ phim mang ý nghĩa giáo dục?”. NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, nhà nước nên phân loại để đánh thuế đối với các phim khác nhau kể cả phim ngoại nhập, có phim đánh thuế cao , có phim sẵn sàng “trợ giá”, bù lỗ cho các rạp. “Đây là một cách để điều tiết lại thị trường phim ảnh , khuyến khích phim nghệ thuật phát triển. Ở nước nào người ta cũng làm thế cả. ”- đạo diễn cho biết.
 
“Chẳng lẽ, điện ảnh Việt Nam chỉ làm phim hài nhảm?”


“Chẳng lẽ, điện ảnh Việt Nam chỉ làm phim hài nhảm?”
Theo NSND Đặng Nhật Minh, không thể đánh đồng phim Mùi cỏ cháy (ảnh trên) và phim Mỹ nhân kế (ảnh dưới)

So sánh thị trường điện ảnh đương đại như một bức tranh đầy rẫy kẽ hở, ở đó, đồng tiền chỉ chảy vào túi các hãng phim tư nhân, chảy vào túi những ông chủ phát hành nước ngoài với hệ thống rạp hiện đại, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, nhà nước không hề được lợi, điện ảnh Việt không hề được lợi chút gì dù doanh thu của điện ảnh năm 2012 có là 47 triệu USD hay nhiều hơn thế nữa. Trong lúc đó đề án chỉ đề xuất chung chung yêu cầu nhà nước có chính sách ưu đãi thuế cho điện ảnh.

“Để phim ngoại chiếu tràn lan. Các nhà phát hành nhập một bản phim trung bình từ 20 đến 30 triệu, đem về chiếu thu lãi hàng chục tỷ cũng là một bất cập trong quản lý thị trường điện ảnh . Rõ ràng, đã đến lúc, vấn đề thuế- phải được coi như một công cụ để điều tiết lại thị trường đang hỗn loạn này”- Đạo diễn Đặng Nhật Minh đề xuất ý kiến.

“Hãy đầu tư cho con người”

Trong những ý kiến đóng góp cho dự thảo đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh tâm đắc nhất với quan điểm cho rằng việc đầu tiên nhà nước cần làm là đầu tư cho đào tạo, đầu tư cho con người.

“Nhà nước hãy đầu tư cho con người. Đầu tư cho con người- không bao giờ sợ thất thoát. Dù đưa 10 em đi học nước ngoài, chỉ có 3 em trở về, 7 em còn lại sẽ là những Việt kiều và rồi một ngày nào đó họ sẽ trở về làm phim trong nước. Nói vui như thế để thấy sự cấp thiết trong vấn đề đào tạo con người của ngành điện ảnh. Mà đào tạo là phải cử người đi học hẳn hoi ở những nền điện ảnh tiên tiến như Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc… Bộ Giáo dục Đào tạo hàng năm cần có chỉ tiêu học bổng dành riêng cho những ngành học về điện ảnh , kỹ thuật lẫn nghệ thuật”- đạo diễn Đặng Nhật Minh nói.
 
Cần phải đầu tư cho con người (ảnh: Hiền Hương)
"Cần phải đầu tư cho con người" (ảnh: Hiền Hương)

Xoay xung quanh vấn đề về con người- những chủ thể sáng tạo của điện ảnh, đạo diễn Bao giờ cho đến tháng 10 ngạc nhiên thấy trong bản dự thảo lần này chủ trương đề cao vai trò của nhà sản xuất, đưa nhà sản xuất vào vị trí trung tâm trong guồng máy hoạt động điện ảnh, điều đó theo đạo diễn, là một sự lầm lẫn lớn. Theo ông, “Có lẽ bị ám ảnh bởi khái niệm “ Công nghiệp văn hóa” mà người ta đề xuất ý tưởng này chăng? Cái khái niệm kia không có gì mới bởi từ lâu nay điện ảnh vẫn là một khâu liên hoàn từ sản xuất đền phát hành và tiêu thụ . Nó vốn đã là một công nghệ, và chủ thể của khâu sản xuất bao giờ cũng vẫn là những người sáng tác đứng đầu là đạo diễn. Bộ phim mãi mãi là sản phẩm của sự sáng tạo chứ không phải là kết quả của công việc tổ chúc sản xuất. Không ở đâu và không bao giờ những nhà sản xuất là linh hồn của nền điện ảnh của một quốc gia!”.

“Điện ảnh hãy bắt tay với truyền hình trong cuộc tiếp cận công nghệ mới”

Một vấn đề quan trọng được đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh nhấn mạnh như một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển điện ảnh thế giới, đó là cuộc cách mạng số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong điện ảnh hiện nay.

“Trước đây, tôi luôn khẳng đinh, điện ảnh khác với truyền hình, điện ảnh phải là phim nhựa. Nhưng, thực tế nay đã khác, cuộc cách mạng số hóa đã diễn ra trên khắp thế giới, và điện ảnh không còn là phim nhựa nữa. Công nghệ Điện ảnh bây giờ giống như truyền hình, nói cách khác : nó là một”- đạo diễn Bao giờ cho đến tháng 10 nhận định.

Đánh giá cao những bước tiến vượt bậc của truyền hình VN trong những năm gần đây về công nghệ, về sự nhanh nhạy, khả năng cập nhật kỹ thuật mới, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, đã đến lúc, điện ảnh phải bắt tay với truyền hình.
 
Truyền hình đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ sản xuất
Truyền hình đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ sản xuất

“Tôi đọc trong đề án thấy ngành điện ảnh tiếp tục xin nhà nước tiền xây trường quay,sắm trang thiết bị mới để chuyển đổi sang công nghệ số từ sản xuất cho đến chiếu bóng v v... Được biết truyền hình vừa được Nhà nước cấp đất để đầu tư xây trường quay. Phim truyền hình sản xuất liên tục, việc sử dụng trường quay của họ ắt sẽ hiệu quả và năng xuất hơn điện ảnh nhiều. Theo tôi, nhà nước nên chăng có một cơ chế quản lý để điện ảnh và truyền hình có thể sáp vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau, khi mà- công nghệ sản xuất của hai bên đã đồng nhất”- Ý kiến của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đưa ý tưởng về sự bắt tay giữa truyền hình và điện ảnh, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, điều đó sẽ hạn chế bớt những lãng phí tiền của không đáng có. Đạo diễn ngạc nhiên thấy trước cuộc cách mạng công nghệ số hóa, truyền hình VN đã có những cuộc hội thảo nghiêm túc với sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật từ nước ngoài, trong khi đó, vấn đề rất quan trọng này mới chỉ được đề cập một cách rất mơ hồ trong ngành điện ảnh.
 
Nhiều đạo diễn điện ảnh đã chuyển sang làm phim truyền hình
Nhiều đạo diễn điện ảnh đã chuyển sang làm phim truyền hình
 
 
Bên cạnh đó, những tồn đọng trong cơ chế kiểm duyệt, những vấn đề yếu và thiếu trong lý luận phê bình- cũng được NSND Đặng Nhật Minh phân tích. Việc dự thảo “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đưa ra đích đến là điện ảnh Việt Nam sẽ trở thành nền điện ảnh số 1 Đông Nam Á, và là một trong những nền điện ảnh mạnh của châu Á- đạo diễn Đặng Nhật Minh cười nói, “Trong Điện ảnh không có FIFA như trong bóng đá để xếp hạng các nền điện ảnh . Ngay điện ảnh Thái Lan tùng được Giải Cành cọ Vàng cách đây 5 năm , họ cũng không dám nhận mình là điện ảnh hàng đầu Đông Nam Á. Mục đích đó thật mơ hồ”.

Đạo diễn của “Bao giờ cho đến tháng 10” đồng tình với đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” ở một điểm, đó là nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến điện ảnh. Không có sự can thiệp của Nhà nước thì không có ai đứng ra gánh vác công việc này. Nhưng, đầu tư như thế nào, sử dụng đồng tiền ra sao cho thiết thực và có hiệu quả, điều đó cần phải cân nhắc , tránh lặp lại những sai lầm cũ. Những bài học đắt giá trong quá khứ vẫn còn đó.

Để một nền điện ảnh phát triển vững mạnh, đôi khi đơn giản chỉ cần tỉnh táo nhìn ra những bất cập của nó và tìm cách khắc phục.

Hiền Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm