Chàng kỹ sư bỏ việc lương cao về quê khởi nghiệp với hàng nghìn gốc nho Mỹ
(Dân trí) - Sau một thời gian kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ, Hải nghỉ việc ở công ty và dốc toàn bộ 600 triệu đồng tiết kiệm được trong 4 năm đi làm để mua giống và xây dựng vùng trồng nho Mỹ trên diện tích 5000m2.
Sau 4 năm làm kỹ sư cơ khí tại một công ty, Lưu Văn Hải (30 tuổi) ở thôn Ba Gò, Trung Mỹ, Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được cất nhắc làm Quản lý nhóm, nhận lương tháng nghìn đô. Công việc, thu nhập khiến nhiều người mơ ước nhưng Hải từ bỏ, về quê trồng nho Mỹ.
"Khi mình thông báo nghỉ việc, bố mẹ đều phản đối vì công việc ở công ty đang phát triển, thu nhập ổn định lại về nhà làm nông nghiệp thì vất vả, bấp bênh. Không lung lay ý chí, mình vẫn quyết tâm mua nguyên vật liệu về làm mái che, giàn để trồng nho", Hải nhớ lại.
Sau một thời gian kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ, Hải dốc toàn bộ số tiền 600 triệu đồng tiết kiệm được trong 4 năm đi làm để mua giống và xây dựng vùng trồng nho trên diện tích 5000m2 của gia đình.
Ròng rã suốt 4 tháng, chàng kỹ sư mua nguyên vật liệu về để làm mái che, giàn, cải tạo đất đồi, thuê người lắp công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và nhân công. Những ngày đầu bắt tay vào làm, ngày nào chàng kỹ sư cũng ở vườn từ 5 giờ sáng đến tối, thậm chí đến 10 giờ đêm khiến anh đen nhẻm.
Bên cạnh khó khăn về kiến thức thì điều kiện tự nhiên cũng khiến Hải đau đầu suy nghĩ tìm cách khắc phục, nơi đây quanh năm trồng bạch đàn và keo nên đất đồi khô cằn, sỏi đá.
"Đất đồi cằn cỗi, nếu cải tạo toàn bộ diện tích lớn thì rất tốn kém nên mình chỉ cho rạch luống và đổ phân hữu cơ như phân bò, gà thu mua ở địa phương để làm cho đất xốp hơn, giúp giữ được nước sau đó xuống giống", Hải kể.
Hải chọn trồng thử nghiệm giống nho đen Mỹ, giống này thích hợp với khí hậu khô nóng, để cây thích nghi được với khí hậu ở miền Bắc, Hải trồng nho trong vườn có mái che để tránh sương rơi trực tiếp vào cây hoặc những yếu tố bên ngoài tác động làm tổn thương lá.
"Mình trồng thử nghiệm 2.000 gốc nho đen Mỹ trên diện tích 5000m2, sau khoảng 3 tháng cây bắt đầu xanh tốt, đến tháng thứ 6 thì đồng loạt đơm hoa kết quả", Hải cho biết.
Không phụ công chăm sóc, nho cho năng suất như kỳ vọng, vụ đầu tiên Hải thu được 300 triệu từ bán nho. Nắm bắt được kỹ thuật trồng và nhận thấy có tiềm năng phát triển, cuối năm 2020, Hải tiến hành mở rộng diện tích trồng lên gần 2ha.
Chàng trai Vĩnh Phúc cho biết, nho đen Mỹ có vị ngọt, chát nhẹ nếu ăn luôn tại vườn vì còn chút nhựa bám trên quả. Mỗi một chùm nho dao động khoảng 800 gam - 1,5kg nhưng do những yêu cầu về kích thước khi đóng gói nên anh chỉ để từ 350gam - 600gam/chùm.
Kể từ khi bỏ việc công ty về quê làm "nông dân", ngày nào Hải cũng dậy từ 5 giờ sáng để đi tất cả các luống nho xem cây có vấn đề gì không rồi phân công việc cho công nhân. Với diện tích gần 2ha, Hải phải thuê 3 - 4 nhân công để làm việc nhưng thời điểm vào vụ thu hoạch thì lên đến gần chục người.
Hải cho biết, mỗi năm nho cho thu hoạch 2 vụ, vụ hè sẽ thu hoạch vào tháng 5, vụ còn lại thu hoạch vào tháng 11, 12. Do quy trình trồng đảm bảo kỹ thuật, phòng bệnh tốt nên mỗi 1ha cho thu hoạch 10 tấn nho/năm, nếu bán với giá 150.000 đồng/kg sẽ cho lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với trồng keo với bạch đàn.
Sản lượng nho thu hoạch chủ yếu cung cấp cho hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào canh tác, Hải thành công khi đem được giống cây ăn quả giá trị cao về trồng tại địa phương.
Ngoài bán quả, Hải còn hướng đến làm vườn sinh thái để phát triển du lịch, tháng 5 vừa qua, vườn nho đã bắt đầu đón khách địa phương đến tham quan, mọi người được tự tay hái nho trong vườn, uống thử rượu nho.
Sau 2 năm về quê khởi nghiệp, tuy vất vả và áp lực nhưng chàng trai 9X thấy bản thân trưởng thành hơn. Thời gian tới, Hải hướng đến chất lượng nho và cho ra một số sản phẩm như siro nho, rượu nho, nho sấy và liên kết với bà con nông dân để mở rộng diện tích, phát triển dịch vụ tham quan trải nghiệm tại vườn.