“Cha cõng con”: Lay động lương tri từ nỗi ám ảnh con đánh cha

(Dân trí) - Xuất phát từ nỗi ám ảnh con đánh cha toé máu trên phố, đạo diễn Lương Đình Dũng đã quyết bắt tay thực hiện bộ phim "Con cõng cha" đã lay động lương tri của mỗi người về tình phụ tử - thứ tình cảm thiêng liêng đang bị lung lay trong cơn lốc của thế giới ảo.

Cách đây hơn 5 tháng, bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng đã được nhắc đến như là một dự án điện ảnh nối tiếp mạch phim “truyền cảm hứng” về lòng nhân văn và sự tử tế của bộ phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân”. Thời điểm đó, “Lửa Thiện Nhân” vẫn đang là một “cơn sốt” trên các rạp chiếu và trên nhiều trang mạng xã hội. Và điều khiến người ta chờ đợi “Cha cõng con” là bởi bộ phim này sẽ góp phần “lay động” những giá trị nhân văn đang bị lung lay trong cơn lốc mạng ảo.

Đạo diễn Lương Đình Dũng - đạo diễn phim Cha cõng con.
Đạo diễn Lương Đình Dũng - đạo diễn phim "Cha cõng con".

Làm phim từ ám ảnh quá khứ!

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, năm 1995, anh bắt tay vào viết truyện ngắn “Cha cõng con”. Bẵng đi một thời gian, có một lần anh đang đi ngoài đường thì chứng kiến cảnh một người con dùng gậy đánh vào đầu cha mình đến mức tóe máu. Anh là người đã đứng ra khuyên can và đề nghị ông bố “nạn nhân” trình báo công an để họ xử lý anh con trai theo luật pháp. Tuy nhiên, người bố đó đã không làm vậy. Ông vẫn ôn tồn để con về nhà và hứa sẽ tìm cách khuyên nhủ con mình bởi dù sao đó cũng là con ông đẻ ra. Ngay giây phút ấy, Lương Đình Dũng thấy người bố ấy thật là vĩ đại.

Về nhà, anh liên tục bị ám ảnh bởi hình ảnh đã nhìn thấy trên đường. Năm 2010, anh muốn triển khai truyện ngắn và những điều ám ảnh này thành một bộ phim, đơn giản vì “Nếu không làm phim, tôi không thể thoát ra cảm giác day dứt ấy. Tôi thực hiện dự án vì tự thấy mình cần có trách nhiệm với những người làm cha mẹ và những đứa trẻ”.

Một cảnh trong phim Cha cõng con do các diễn viên nhí và diễn viên Ngô Thế Quân đảm nhận.
Một cảnh trong phim "Cha cõng con" do các diễn viên nhí và diễn viên Ngô Thế Quân đảm nhận.

Năm 2013, sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ để tiến hành quay thì toàn bộ bối cảnh ở Bắc Mê – Hà Giang bị lũ nhấn chìm, mọi kế hoạch đều phải hoãn lại. Dự án tưởng như phải hủy bỏ khi những diễn viên nhí cũng dần lớn lên không còn hợp với độ tuổi của nhân vật. Mãi đến tháng 7/2015, bộ phim mới được khởi quay trở lại. Lần này, phim cũng được quay vào đúng mùa lũ, suýt sập cả bối cảnh nhưng vì muốn giữ nguyên những nét tự nhiên của bối cảnh nên đạo diễn vẫn quyết định chơi trò mạo hiểm với ông trời. “Sau này nghĩ lại thấy mình to gan thật, dám cả gan “chơi” lại với trời”, đạo diễn Lương Đình Dũng hóm hỉnh.

“Cha cõng con” là một câu chuyện giản dị kể về tình cha con giản dị và mộc mạc của hai cha con Mộc và Cá. Cá mồ côi mẹ từ nhỏ, em có ước được chạm vào những đám mây bay trên bầu trời, còn người cha dù cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông nhưng vẫn lặng lẽ nuôi dưỡng trong lòng cậu con trai những câu chuyện tưởng tượng về vùng đất tràn ngập ánh sáng mà chính ông cũng chưa bao giờ được đặt chân đến.

Cảnh NSƯT Trần Hạnh (vai ông ngoại) đi trộ gà về nấu cháo cho cháu.
Cảnh NSƯT Trần Hạnh (vai ông ngoại) đi trộ gà về nấu cháo cho cháu.

Sau khi hoàn thành kịch bản của “Cha cõng con”, đạo diễn Lương Đình Dũng có đưa cho nhà biên kịch Hollywood - Pilar Alessandra xem và bà đã rơi nước mắt khi đọc kịch bản này. Chính bà là người đã truyền cảm hứng cũng như tư vấn thêm cho đạo diễn họ Lương khi bắt đầu khởi quay.

Lay động lương tri bằng những tình tiết dung dị

Với mục đích tạo nên một câu chuyện nhẹ nhàng để khán giả có thể cảm nhận được rõ nét nhất giá trị nhân văn trong từng lát cắt của cuộc sống nên đạo diễn Lương Đình Dũng đã không tìm đến những diễn viên chuyên nghiệp. Để tìm được nhân vật đóng vai nhân vật chính trong phim, đạo diễn đã đi khắp các làng trẻ SOS và Trung tâm Bảo trợ xã hội ở miền Bắc.

“Khi hình thành kịch bản, tôi đã mường tượng ra hình ảnh bé Cá, nhân vật “con” trong phim như thế nào rồi. Vì thế, khi đi khắp các làng trẻ SOS và Trung tâm Bảo trợ xã hội có tìm được vài chục bé nhưng không bé nào đáp ứng được. Có bé được bố mẹ dẫn đến tập mấy ngày nhưng rồi lại bỏ giữa chừng vì không đủ sức khoẻ.

Cảnh trong phim Cha cõng con chân thực nhưng cũng rất trong sáng.
Cảnh trong phim "Cha cõng con" chân thực nhưng cũng rất trong sáng.

Có bé tưởng chừng như đã “chốt” thì cuối cùng cũng lại bỏ cuộc vì cháu bị AIDS giai đoạn cuối, bệnh tình rất nặng, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Mãi cho đến khi tìm được cậu bé Đỗ Trọng Tấn ở làng trẻ SOS Việt Trì thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi bảo với đoàn làm phim, đây là “cậu vàng” của tôi nên phải cực kỳ chăm sóc bé. Có lần, nửa đêm, tôi đang ngồi thì bảo mẫu lên bảo bé chảy máu mồm.

Tôi hết hồn, liền cùng bảo mẫu lặng lẽ đưa bé đi bệnh viện khám ngay trong đêm hóa ra cu cậu bị đau răng. Trong hai ngày quay cuối, tự nhiên cậu bé bị rụng răng. Vậy là cả đoàn phim phải lật tung cả phim trường để đi tìm răng cho cậu... Nói chung là tôi chăm sóc cậu bé này kỹ lắm”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói.

Điều khiến đạo diễn Lương Đình Dũng bất ngờ và vui mừng nhất là diễn viên Ngô Thế Quân – người đóng vai Cha với bé Đỗ Trọng Tấn có rất nhiều điểm tương đồng trên khuôn mặt và trong giọng nói mà không cần hóa trang nhiều người cũng đã có thể lầm tưởng họ là cha con ruột.

Và chính sự thiếu thốn tình mẹ cha của một cậu bé mồ côi này đã khiến êkíp thực sự lặng đi trong rất nhiều cảnh quay, đặc biệt trong cảnh cậu cất tiếng gọi cha hay vòng tay ôm cổ người cha trong phim. Sau hai tuần “sống thử” với nhau trên phim trường cặp bố con này khá thân thiết. Thậm chí, khi chia tay nhau, bé Tấn đã khóc rất nhiều vì nhớ “bố Quân”.

Cảnh bố chở con đi cấp cứu bằng thuyền độc mộc trên hồ.
Cảnh bố chở con đi cấp cứu bằng thuyền độc mộc trên hồ.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng tiết lộ, bộ phim này được bổ sung hai cảnh quay “thót tim” tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tại đây, hai diễn viên nhí là hai bệnh nhân ung thư máu khoảng 5 – 6 tuổi, một bé chỉ còn mình mẹ vì bị bố bỏ rơi khi còn nhỏ, một đang được cả bố và mẹ chăm sóc.

“Những cảnh quay về hai cháu bé này khiến chúng tôi trăn trở mãi. Các bé diễn rất tốt nhưng vì chúng tôi rất lo việc quay khiến sức khỏe của bé bị ảnh hưởng vì các cháu đều bị bệnh rất nặng. Có trường hợp, ông bố khó tính tới mức cả bệnh viện đều sợ. Khi tôi làm việc với anh, anh ta chỉ nói một câu: “Anh làm sao cho con em vui là được, con em không vui thì anh cũng không vui được đâu”. Quay xong, cậu bé rất vui. Cậu bé khóc, ông bố khóc, chúng tôi cũng khóc…”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

Trong phim, NSƯT Trần Hạnh cũng tham gia một vai nhỏ. Ông vài vai ông ngoại cậu bé Cá. Vai diễn của nghệ sỹ lão thành tuy xuất hiện ít nhưng lại xoáy vào người xem những ám ảnh khó nguôi. Đó là cảnh ông buộc phải đi trộm một con gà về để nấu cháo cho cháu. Nhân vật của ông thật tới mức chỉ cần xem phim, không cần nghe thoại cũng đủ rơi nước mắt vì thương cảm.

Hình ảnh trong phim được đạo diễn hết sức chọn lọc và trau chuốt.
Hình ảnh trong phim được đạo diễn hết sức chọn lọc và trau chuốt.

Nam đạo diễn cam kết rằng, dù phim xoáy vào câu chuyện buồn về phận người và thực tế cuộc sống nhưng lại được trau chuốt về mặt hình ảnh. Cảnh trong phim được chọn lọc và nhân vật không phải mặc quần áo rách rưới vì đạo diễn muốn giữ được sự trong sáng của người Việt. Đạo diễn cũng không muốn bộ phim sa vào nỗi buồn bi luỵ. Ngôn ngữ điện ảnh cũng được diễn tả rất dung dị. Chẳng hạn, diễn tả nỗi giằng xé của cha đôi khi không phải là cái gì lớn lao mà đó là cảnh người cha đi ra, đi vào, nằm không yên. Bộ phim đã đóng máy từ 28/3 và đã thử dụng 70 bản để chọn ra bản cuối cùng mang qua Hàn Quốc thực hiện hậu kỳ. Bộ phim dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6/2016 với mong muốn mang đến một “Lửa Thiện Nhân” phiên bản điện ảnh để truyền cảm hứng cho người xem.

Hà Tùng Long

Ảnh: NT