Đồng Tháp:

Cầu truyền hình chương trình “Hồ Chí Minh, sáng ngời ý chí Việt Nam”

(Dân trí) - Đồng Tháp là một trong 5 đầu cầu truyền hình trực tiếp Chương trình “Hồ Chí Minh, sáng ngời ý chí Việt Nam” kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ đề “Hồ Chí Minh, sáng ngời ý chí Việt Nam”

Cầu truyền hình trực tiếp “Hồ Chí Minh, sáng ngời ý chí Việt Nam” sẽ tổ chức vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 18/5 ở Hà Nội, Tuyên Quang, Nghệ An, TPHCM và tỉnh Đồng Tháp.

Chủ đề “Hồ Chí Minh, sáng ngời ý chí Việt Nam”, nhằm giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, từ đó rút ra những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong thời đại hôm nay, cho lớp trẻ trong tương lai. Chương trình được thực hiện năm 2020, là năm bản lề quan trọng, năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.

Cầu truyền hình chương trình “Hồ Chí Minh, sáng ngời ý chí Việt Nam” - 1

Ma-két sân khấu của tỉnh Đồng Tháp

Chương trình sẽ được thể hiện bằng cách kết hợp giữa 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp, phim tư liệu, phóng sự, tiết mục nghệ thuật, giao lưu trực tiếp với các học giả, nhân chứng trong và ngoài nước. Chương trình chính truyền hình trực tiếp tại các điểm cầu, gồm 4 chương: chương 1: Ý chí độc lập, tự do (1890-1945); chương 2: Ý chí thống nhất (1945-1975); chương 3: Ý chí vượt đói nghèo; chương 4: Ý chí hội nhập, xây dựng quốc gia hùng cường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, chương trình chọn từ khóa “ý chí” làm nội dung xuyên suốt. Đây là ý chí của một Anh hùng giải phóng dân tộc, một Danh nhân văn hóa Thế giới. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Với ý chí sắt đá, Người đã trải qua biết bao khó khăn, trở lực, cam go từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Vì sao chọn Đồng Tháp?

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Đồng Tháp làm nơi dừng chân trong những năm tháng cuối đời để hoạt động, truyền bá chủ nghĩa yêu nước. Đồng thời, nơi đây cũng gắn bó với hai câu thơ nổi tiếng cả nước của nhà thơ Bảo Định Giang: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Đồng Tháp có những nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, có hoa sen, có hình ảnh người nông dân chân chất bên cánh đồng lúa, đồng sen bạt ngàn, có Hò Đồng Tháp, có các mô hình Hội quán nông dân, có phong trào khởi nghiệp của lực lượng trẻ học tập và làm theo gương Bác, ý chí của người nông dân đất Sen hồng được lan tỏa và thấm nhuần từ ý chí của Bác…

Cầu truyền hình chương trình “Hồ Chí Minh, sáng ngời ý chí Việt Nam” - 2

Đồng Tháp có Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, Đồng Tháp được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong công cuộc xây dựng, phát triển, Đồng Tháp đã tiên phong trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn liên kết sản xuất vùng, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị trong sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã…

Hứa hẹn tại đầu cầu Đồng Tháp sẽ có những hoạt cảnh, tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hành - Hòa Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm