Cầu Trường Tiền và lịch sử về một xưởng đúc tiền danh tiếng

(Dân trí) - Ít ai biết rằng, cầu Trường Tiền - biểu trưng của thành phố Huế thơ mộng lại liên quan tới một võ tướng xứ Nghệ. Và cái tên Trường Tiền cũng xuất phát từ một xưởng đúc tiền nổi tiếng một vùng của võ tướng này.

Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương

Cầu Trường Tiền bắc ngang sông Hương thơ mộng là biểu tượng đặc trưng của mảnh đất cố đô còn có nhiều tên gọi khác như cầu Thành Thái, cầu Nguyễn Hoàng… Tuy nhiên, tên gọi thông dụng, được nhiều người biết đến nhất vẫn là cầu Trường Tiền (bãi đúc tiền). Tên gọi Trường Tiền xuất hiện vào năm 1899, niên hiệu Thành Thái thứ 11, gắn liền với việc ra đời một công xưởng đúc tiền tại khu vực này vào cuối thế kỷ thứ 18.

Năm 1774, quan trấn thủ Nghệ An là Đoan quận công Bùi Thế Đạt tấu về triều việc mở cuộc tấn công vào Nam và được Chúa Trịnh Sâm đồng ý ra quân. Trong cuộc Nam tiến lần này, Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc giữ chức Thống tướng, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt giữ chức Phó tướng, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm giữ chức Tả tướng, thống lĩnh tướng sĩ 33 doanh thủy, bộ các đạo Thanh, Nghệ, vùng đông nam, tổng số gồm ba vạn quân.

Với lực lượng hùng hậu và quân thanh mạnh mẽ, quân Trịnh liên tiếp giành thằng lợi. Tới đầu năm 1775, quân Trịnh chiếm được thủ phủ Đàng Trong là Phú Xuân. Thống tướng Hoàng Ngũ Phúc quyết định cử Bùi Thế Đạt ở lại giữ thành Phú Xuân.

Đồng tiền Cảnh hưng Thuận bảo được đúc vào cuối thế kỷ 18 trong một công xưởng bên dòng sông Hương
Đồng tiền Cảnh hưng Thuận bảo được đúc vào cuối thế kỷ 18 trong một công xưởng bên dòng sông Hương

Bùi Thế Đạt tước Đoan Quận công, người làng Tiên Lý, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong gia đình dòng võ tướng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng và tham gia chỉ huy, lập đại công trong nhiều trận chiến lớn. Ông cùng với Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Phan là một trong ba người được ghi tên vào cờ Thái thường ở phủ chúa - một đặc ân rất hiếm có thời Lê Trịnh.

Sử gia Phan Huy Chú từng ca ngợi: “Thế Đạt là con nhà tướng, có mưu lược, hành quân chuyên thận trọng, yêu sĩ tốt, nhiều phen lập đại công. Triều đình bấy giờ coi là bậc Tể phụ để nương tựa. Dòng dõi nhà huân thần có địa vị danh vọng cao. Ông là bậc danh tướng của Hoan Châu thời gần đây” (Lịch triều hiến chương loại chí)

Đồng tiền Cảnh hưng Thuận bảo được đúc vào cuối thế kỷ 18 trong một công xưởng bên dòng sông Hương
Bia đá tại đền Quan lớn Bùng ghi thân thế sự nghiệp của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt (ảnh Bùi Chí Nhân)

Sau khi tiếp quản thành Phú Xuân, Đoan quận công Bùi Thế Đạt nhận lệnh của triều đình cho mở một xưởng đúc tiền lớn ngay tại khu vực bờ sông Hương (phía bắc cầu Trường Tiền ngày nay). Ông cho thu vét các sản vật và vũ khí bằng đồng không dùng như súng, đỉnh, vạc… để đúc tiền dâng lên vua Lê chúa Trịnh dùng vào việc ngoài biên. Công việc được tiến hành từ ngày 22/2 cho tới ngày 30/6 năm Bính Thân (1776). Tiền được đúc ở đây được khắc 4 chữ “Cảnh Hưng Thuận Bảo”.

Do đang trong thời kỳ chiến tranh nên công trường đúc tiền cũng chỉ mang tính chất dã chiến tạm thời. Đồng tiền “Cảnh Hưng Thuận Bảo” cũng vì vậy mà chất lượng kém hơn so với các loại tiền niên hiệu Cảnh Hưng khác. Công trường đúc tiền cũng chỉ tồn tại trong một thời gian 4 tháng ở phía ngoài trấn dinh, cạnh bờ bắc sông Hương. Tuy vậy, với việc một vị tướng quân đội Đàng Ngoài mở công trường đúc tiền tại Đàng Trong thì đây là một sự kiện đặc biệt tại mảnh đất Thuận Hóa khi đó. Chính vì thế mà nó đã in đậm dấu ấn trong đời sống xã hội mảnh đất Thuận Hóa Phú Xuân lúc bấy giờ và mảnh đất có trường đúc tiền mang tên “Trường Tiền” còn tồn tại cho đến tận ngày nay.

Phần vẽ Bãi cát vàng (tức quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa) trong bộ Giáp Ngọ niên bình nam đồ
Phần vẽ Bãi cát vàng (tức quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa) trong bộ Giáp Ngọ niên bình nam đồ

Không chỉ gắn với địa danh Trường Tiền, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt còn để lại dấu ấn hết sức đặc biệt tại Đàng Trong với việc vẽ nên tấm bản đồ “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” (bản đồ đánh dẹp miền Nam năm Giáp Ngọ) dâng lên chúa Trịnh vào năm Giáp Ngọ (1774) phục vụ cho cuộc Nam tiến bình định Thuận Hóa Phú Xuân. Đây là bộ bản đồ vẽ xứ sở Đàng Trong từ Quảng Bình vào tới núi Đá Bia thuộc Phú Yên.

Trong bộ bản đồ này “Bãi cát vàng” tức hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ngày nay được vẽ và chú thích ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. Nó được vẽ tượng trưng bằng hình những quả núi hình bầu dục nằm giữa Cù Lao Chàm và Cù Lao Ré ngoài khơi huyện Bình Sơn. Như vậy, “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” là tác phẩm thứ hai xuất hiện danh từ “Bãi cát vàng” sau “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công Đạo. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay.

 
Trần Tử Quang - Hoàng Lam