Câu đố của người Bahnar Tây Nguyên

Người Bahnar Tây Nguyên chủ yếu cư trú tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Trong kho tàng văn hóa dân gian phong phú của tộc người này, sinh hoạt đố giữ một vị trí quan trọng, cùng với sử thi, truyện cổ, ca dao, dân ca...

Tùy từng vùng, người Bahnar có thể gọi sinh hoạt đố là pơkân hoặc pơđô. Điểm chung của loại hình này là nó có thể diễn ra trong mọi hoàn cảnh, địa điểm, không có sự kiêng cữ; mọi đối tượng đều có thể tham gia, chỉ cần có từ hai người trở lên là đã có thể lập thành một cuộc đố.

Câu đố Bahnar chứa đựng hầu hết các vấn đề liên quan đến cuộc sống của đồng bào từ ngàn xưa đến nay. Rất dễ để nhận ra bà con thường đố nhau về các loại cây, trái, con vật, đồ vật trong nhà, ngoài rừng, ngoài rẫy hay xung quanh buôn làng như cây tre, mía, lúa, khoai lang, bầu bí, dưa hấu; các loại động vật như ba ba, cua, rùa, rắn, chó, gà, heo, bò; đố nhau về bếp lửa, mặt trăng, dòng suối, con đường, nhà cửa, mồ mả; đan gùi, tỉa lúa, bẻ bắp, giã gạo, nấu cơm, việc bắt chấy, ngủ nghỉ, đánh trống, khua chiêng; đố nhau về sự ốm đau, bệnh tật, những sinh hoạt cá nhân,...

Người Bahnar làm cây nêu ngày hội. 
Người Bahnar làm cây nêu ngày hội. 

Người Bahnar thông qua câu đố, quan tâm đến lửa, sấm sét, mặt trăng, mặt trời đồng thời cũng dành nhiều sự chú ý cho gà, chó, heo, con voi to lớn hay đám côn trùng bé nhỏ: ong, kiến, sâu bọ...

Tác giả dân gian nhìn thấy con đường có từ thời tổ tiên mình chẳng khác gì một một sợi dây. Có điều sợi dây ấy dài vô tận, len lỏi khắp mọi nơi: ''Một cuộn dây, đầy khắp nơi?''

Người Bahnar gắn bó với núi rừng, quen với cỏ cây, sông suối, chan hòa cùng tự nhiên, dựa vào tự nhiên mà sống, nên có những thứ suốt đời gắn bó với họ, lửa là một ví dụ: ''Người đo đỏ ăn sạch núi rừng?''

Về cây và trái bắp (ngô), bà con đố: ''Già tóc đen, trẻ tóc trắng?'' Về con vật luôn quanh quẩn bên người chủ lúc ở nhà, khi lên rẫy, cộng đồng Bahnar ví von, mà như trêu ghẹo: ''Lên rẫy mà không làm việc?'' Cũng có những động vật, nay trở nên hiếm hoi, nhưng trong kí ức của những người đố, nó vẫn chiếm một vị trí nhất định. Chẳng hạn, đó là con cọp, chúa tể rừng xanh:

''Đi lên núi chỉ sợ mình nó

Đi vào rừng chỉ khiếp mình nó

Người ta gọi nó là chúa tể?''

Có những thứ xa xôi nhưng được tưởng tượng thật gần gũi:

''Người nhỏ có răng nanh

Người to lại không có?''

(Mặt trăng)

Cuộc sống thay đổi, câu đố Bahnar cũng thu nhận thêm nhiều sự vật, hiện tượng mới vào kho tàng của mình. Ở đó, người ta không thể không đố về tivi, điện thoại, xe máy hay những vật dụng điện tử khác; chẳng hạn:

''Có miệng nói, có tai nghe

Ngồi im một chỗ chẳng hề đi đâu?''

(Điện thoại)

Hoặc:

''Cái gì mà có hai chân

Ta muốn nó đi nhanh, nó đi nhanh

Ta muốn nó đi chậm, nó đi chậm?''

(Xe máy)

Sinh hoạt đố Bahnar là một phần đời sống tinh thần của cộng đồng Bahnar Tây Nguyên.

Trẻ em Bahnar. 
Trẻ em Bahnar. 

Bắt đầu từ khoảng cuối năm, khi những cơn gió lành trở về, những vạt rẫy đã cho mùa thu hái, pơlang chuẩn bị bung ngàn hoa mới, bà con lại rộn ràng sửa soạn khăn áo để vào hội.

Dưới mái nhà rông, bên ghè rượu, trong nhịp chiêng, người ta sẽ lại kể nhau nghe những chuyện từ ngàn xưa, lại đố nhau những điều lắt léo mà bất ngờ, thú vị, để cùng cười vui, quên đi mệt nhọc hằng ngày, sẵn sàng bước vào một năm mới với những mùa vụ mới.

Nguyễn Quang Tuệ