Câu chuyện về “phim triệu đô không bán nổi vé”
(Dân trí) - Tháng 5/2014, bộ phim được đầu tư triệu đô (21 tỷ đồng) để chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử gây sóng gió dư luận khi ra rạp không bán nổi vé. Đây có phải là câu chuyện muôn thuở của những bộ phim “cúng cụ”?
Lâu nay, những bộ phim được sản xuất từ tiền nhà nước với mục đích chào mừng các dịp kỷ niệm luôn có một số phận chung là vắng khách, khó bán vé, nằm xếp kho, và rồi đợi đến những dịp kỷ niệm năm sau chiếu phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa trong những tụ điểm chiếu bóng nhỏ lẻ. Dư luận vẫn gọi đó là dòng “phim cúng cụ”. Các đạo diễn tham gia sản xuất “phim cúng cụ” thường cho rằng, mỗi bộ phim có sứ mệnh riêng, có khán giả riêng, và rằng, phim lịch sử của họ không phải thực hiện sứ mệnh doanh thu như các phim giải trí khác. Các đạo diễn khi bắt tay vào các dự án phim lịch sử được nhà nước đầu tư tiền cũng tự cho phép mình không cần phải có trách nhiệm về mặt phát hành, quảng bá bộ phim sau khi phim hoàn tất.
Bộ phim “Sống cùng lịch sử” được đầu tư 21 tỷ đồng giao Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện VN sản xuất, do đạo diễn- NSND Thanh Vân thực hiện, đã được lấy làm ví dụ điển hình cho việc thất bại về doanh thu của các phim “cúng cụ” khi ra rạp. Dư luận cho rằng, đã đến lúc, những bộ phim được sản xuất bằng tiền của nhà nước (tiền thuế của nhân dân) cũng phải tính toán đến doanh thu hay nói cách khác, phải tính toán đến sức hấp dẫn của bộ phim đối với khán giả.
Lần đầu tiên trả lời về việc dư luận “dậy sóng” trước sự “ế ẩm” của bộ phim triệu đô- “Sống cùng lịch sử”, đạo diễn- NSƯT Vương Đức, người giữ vai trò Giám đốc sản xuất của dự án phim này cho biết, “Đây là một sai sót về khâu phát hành phim của đạo diễn- NSND Thanh Vân. Khi bộ phim này ra rạp, tôi đang bận với dự án phim của mình. Bởi vậy, đạo diễn- NSND Thanh Vân có toàn quyền quyết định về việc phát hành phim cho “Sống cùng lịch sử”, và tôi nghĩ, Thanh Vân đã mắc phải sai lầm”.
Bên cạnh đó, đạo diễn- NSƯT Vương Đức cũng đưa thêm lý do, “Việc phát hành những bộ phim phục vụ mục đích chính trị do nhà nước đầu tư sản xuất còn rất nhiều vấn đề. Đó là cả một câu chuyện dài và chúng tôi vẫn đang phải tìm cách tháo gỡ, khắc phục. Không riêng gì “Sống cùng lịch sử”, những bộ phim trước đây của cá nhân tôi như “Của rơi”, “Rừng đen”… phát hành cũng rất tệ”.
Khi được hỏi về chất lượng, sức hấp dẫn của những bộ phim “triệu đô”, “Liệu có phải vì những tác phẩm điện ảnh được nhà nước chi tiền chưa đủ hay, chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục khán giả đến rạp?”, đạo diễn- NSƯT Vương Đức cho rằng, “Có rất nhiều những bộ phim tệ hơn rất nhiều phim của chúng tôi vẫn ra rạp, và vẫn có được doanh thu. Những “Helo cô Ba”, “Khi đàn ông mang bầu”… khi biết cách ra rạp vẫn còn có thể có được doanh thu. Chỉ là chúng tôi chưa biết cách. Và đó còn là một câu chuyện dài”.
Đạo diễn Vương Đức đưa quan điểm thêm rằng, phim lịch sử được sản xuất với mục đích phục vụ chính trị là những dự án phim lớn. Ở đó, yếu tố “ăn khách” không đặt lên hàng đầu. Những ai quan tâm đến câu chuyện lịch sử của phim- sẽ tìm đến với phim.
H.H