Câu chuyện về 14 nhân chứng sống đi qua chiến tranh thế giới thứ 2

Vi Anh

(Dân trí) - Triển lãm "Nhớ Barbara" kể câu chuyện của 14 người phụ nữ, những nhân chứng sống đã đi qua giai đoạn lịch sử khốc liệt của chiến tranh thế giới thứ 2.

Chiều 14/12, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra khai mạc triển lãm "Nhớ Barbara" của nhiếp ảnh gia và quay phim tài liệu người Pháp Maureen Ragoucy. Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023),10 năm đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp năm (2013-2023).

Câu chuyện về 14 nhân chứng sống đi qua chiến tranh thế giới thứ 2 - 1

Không gian triển lãm "Nhớ Barbara" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Vi Anh).

Được lấy cảm hứng từ bài thơ nổi tiếng cùng tên của nhà thơ người Pháp, Jacques Prévert, xuất bản năm 1946, triển lãm "Nhớ Barbara" kể 14 câu chuyện - những mảnh ghép ký ức của 14 người phụ nữ. Họ là những nhân chứng sống đã đi qua giai đoạn lịch sử khốc liệt của chiến tranh thế giới thứ 2 tại Pháp, Italy, Anh, Đức, Ba Lan, Hungary, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Vào thời điểm đó, họ vẫn còn là những đứa trẻ, thiếu nữ, người trưởng thành, sinh viên hay đã đi làm với nhiều cá tính và hoàn cảnh khác nhau. Có người phải rời xa quê hương, chạy trốn khỏi khu ổ chuột, có người phải chịu cảnh tù đày, đối diện với sự mất mát người thân…; nhưng trên tất cả họ đã không khuất phục, từ bỏ, hay sợ hãi.

Câu chuyện về 14 nhân chứng sống đi qua chiến tranh thế giới thứ 2 - 2

Tác giả Maureen Ragoucy (Ảnh: Vi Anh).

Chia sẻ với PV Dân trí, tác giả Maureen Ragoucy cho biết cô đã dành thời gian 8 năm để đến từng quốc gia nơi những người phụ nữ sinh sống để thực hiện dự án đặc biệt này. Cô đã gặp gỡ, làm quen, chia sẻ và đồng cảm để tạo nên sự kết nối giữa những ký ức lịch sử.

Ngôn ngữ thể hiện trong triển lãm cũng thật đặc biệt: đó chính lời nói, giọng kể của nhân vật gắn với những bức chân dung của những người phụ nữ đầy cảm xúc; qua đó thể hiện chiến tranh một cách chân thực và sống động qua góc nhìn của người phụ nữ tại các đất nước khác nhau.

Triển lãm "Nhớ Barbara" đã được tác giả Maureen Ragoucy triển lãm ở rất nhiều bảo tàng tại Pháp.

Câu chuyện về 14 nhân chứng sống đi qua chiến tranh thế giới thứ 2 - 3

Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp ở Việt Nam (Ảnh: Vi Anh).

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp ở Việt Nam nói: "Đây là sự kiện thứ 2 nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023).

Hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực bảo tàng học là một trong những hoạt động chính trong việc hợp tác văn hóa giữa hai nước Pháp và Việt Nam. Chính vì vậy, hôm nay, câu chuyện được kể qua triển lãm này về các vị anh hùng, đúng hơn là những nữ anh hùng hết sức hữu ích đối với chúng ta. Hy vọng sau khi thăm triển lãm, người xem sẽ có được những câu chuyện, suy nghĩ đúng với thời đại mình".

Việc giới thiệu triển lãm "Nhớ Barbara" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam như một sự soi chiếu về cuộc sống trong cuộc chiến của những người phụ nữ khác nhau trên thế giới.

Câu chuyện về 14 nhân chứng sống đi qua chiến tranh thế giới thứ 2 - 4

Bà Carla Dello Strologo, sinh ra ở Genoa, Italy, năm 1935 (Ảnh: BTC).

Câu chuyện về 14 nhân chứng sống đi qua chiến tranh thế giới thứ 2 - 5

Bà Sonja Bilay, sinh ra ở Leipzig, Đức, năm 1927 (Ảnh: BTC).

Qua những câu chuyện tại triển lãm "Nhớ Barbara", một điểm tương đồng rất dễ nhận thấy giữa những người phụ nữ trong chiến tranh không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là sự mạnh mẽ, phi thường vượt lên những gian khổ, mất mát, hy sinh với tình yêu cuộc sống và lòng tin tưởng mãnh liệt vào tương lai. Họ đã sống, chiến đấu và đi qua cuộc chiến với lý tưởng và khát vọng hòa bình. 

Triển lãm "Nhớ Barbara" diễn ra từ ngày 14/12-31/12/2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Tác giả Maureen Ragoucy sinh năm 1984, hiện sống và làm việc tại Lille, Pháp. Cô là nhiếp ảnh gia và quay phim tài liệu, tốt nghiệp trường École Européenne Supérieure d'Art de Bretagne. Sau khi được đào tạo về nhiếp ảnh và phim tài liệu, cô làm việc với các đạo diễn Pháp, làm phim tài liệu ở châu Phi (Senegal và Congo).

Luôn dành sự quan tâm về vấn đề di cư và dịch chuyển, phương pháp tiếp cận tài liệu của cô nhằm mục đích tạo ra một cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa và tìm lại ký ức, văn hóa, gia đình và ngôn ngữ. Sự ra đi, sự trở về, ký ức, danh tính và sự gần gũi trở thành cái cớ để gặp gỡ những người khác, ở Pháp và ở nước ngoài.

Maureen Ragoucy đã chiến thắng giải thưởng Déclics Jeunes từ Fondation de France cho dự án Nhớ Barbara. Tác phẩm của cô được trưng bày tại Bảo tàng Champollion, Maison Heinrich Heine và Musée de la Coupole ở Paris.

Năm 2020, cô chủ trì một hội nghị và trình chiếu dự án "Nhớ Barbara" như một lời giới thiệu cho triển lãm "Comme en 40"... tại Musée de l'Armée ở Paris và tham gia vào một thảo luận bàn tròn xung quanh dự án này tại Inalco vào năm 2021.