Cấp thẻ hành nghề - giải pháp “dẹp loạn” showbiz

Đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn những sai phạm trong giới showbiz Việt.

Bài 1: Tăng chế tài quản lý

Trước tình trạng xảy ra liên tiếp scandal tình - tiền - ảnh - clip nóng... trong giới showbiz, cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn đã cố gắng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, song hiện vẫn thiếu một công cụ pháp lý hữu hiệu để quản lý trực tiếp người biểu diễn.
 
Việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng giả làm bác sỹ Cát Tường đã bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhắc nhở

Việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng giả làm bác sỹ Cát Tường đã bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhắc nhở

Hàng loạt văn bản pháp luật như Nghị định 79/2012/NĐ - CP "Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành và kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu", Nghị định 75/2010/NĐ - CP về "Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa", Chỉ thị 65/CT - BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (Bộ VH,TT&DL) về việc chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang... để quản lý các hoạt động liên quan đến nghệ thuật biểu diễn, song những sai phạm trong lĩnh vực văn hóa, biểu diễn nghệ thuật vẫn liên tiếp gia tăng.

Trước năm 2012, những scandal như lộ ảnh nóng, clip sex, ăn mặc hở hang... xảy ra liên tiếp; sang năm 2013, số vụ scandal tuy có giảm, nhưng cũng khiến cho công chúng cũng như nhà quản lý đau đầu. Từ chuyện của "bà Tưng" (Lê Thị Huyền Anh) ăn mặc hở hang, phát ngôn bừa bãi gây phản cảm, lại đến scandal "mặc như không mặc" của Angela Phương Trinh liên tiếp xuất hiện trước công chúng, hay chuyện ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng liên tiếp có những hành vi “trêu ngươi” dư luận: hôn môi nhà sư trên sân khấu, phát ngôn thiếu tôn trọng, thiếu chuẩn mực đối với thế hệ nghệ sỹ đi trước, vào vai bác sĩ Cát Tường... Thực trạng này cho thấy, đạo đức của nhiều nghệ sỹ xuống cấp trầm trọng.

Cũng phải thừa nhận rằng, những chế tài đưa ra trong các văn bản của Chính phủ, của Bộ VH,TT&DL đưa ra nhằm chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động biểu diễn đã bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực, nhận được sự đồng tình của dư luận.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử lý các vi phạm còn nhẹ, vẫn chỉ là những đòn “giơ cao đánh khẽ”, chưa đủ để răn đe, nên những sai phạm vẫn tiếp tục diễn ra. Do đó, nhiều người trong giới showbiz hoặc chập chững bước chân vào showbiz đã bất chấp đạo lý, văn hóa, thuần phong mỹ tục, liên tục tung ra các "chiêu trò" lố bịch.

Những hành động này không chỉ bất chấp những quy định của pháp luật, coi thường chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, mà còn đi ngược truyền thống văn hóa của dân tộc, trở thành những tấm gương xấu, tác động xấu đến nhận thức của một bộ phận khán giả, đặc biệt là lớp trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hơn nữa, những hành vi này cũng đi ngược với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là lấy văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội...

Bên cạnh một số nghệ sỹ, người mẫu thiếu ý thức, thiếu trình độ chuyên môn do không được đào tạo bài bản, nhưng lại muốn nổi tiếng nhanh chóng để có thể bước chân vào làng giải trí, có thể kiếm nhiều tiền...; còn có một nguyên nhân quan trọng khiến cho scandal liên tiếp gia tăng là vì sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, sự thờ ơ, vô cảm trước những hiện tượng diễn ra trong giới biểu diễn...

Để đưa hoạt động biểu diễn vào khuôn khổ, yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là tăng cường công cụ quản lý trực tiếp đối với nghệ sỹ, người mẫu biểu diễn, những nhân tố trực tiếp biểu đạt các tác phẩm nghệ thuật trước công chúng.

Theo Phương Lan
Báo Tin Tức