"Cao lương đỏ" từ sách lên màn ảnh

(Dân Trí) – “Cao lương đỏ” một trong những cuốn tiểu thuyết mang về giải Nobel danh giá cho nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) và cũng là nền tảng để đạo diễn tên tuổi Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành bộ phim cùng tên dành giải Gấu vàng tại LHP Berlin (1988).

Chiều 3/11, tại trung tâm TPD (51 - Trần Hưng Đạo – Hà Nội) chiếu miễn phí bộ phim “Cao lương đỏ” phụ đề tiếng Anh phục vụ khán giả yêu điện ảnh. Sau đó, là cuộc trò chuyện về vấn đề đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh với sự tham gia của dịch giả Trần Đình Hiến, người từng chuyển ngữ “Đàn Hương Hình”, “Báu vật của đời” sang Tiếng Việt và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn.

“Cao lương đỏ” là tiểu thuyết ăn khách ngay khi vừa ra đời tại Trung Quốc với nguyên bản gồm 6 phần. Hiện nay bản chuyển ngữ sang tiếng Việt được NXB Phụ Nữ ấn hành của dịch giả Lê Huy Tiêu là bản dịch tóm tắt dưới hình thức truyện vừa. Dịch giả Trần Đình Hiến đang trong quá trình dịch thuật lại toàn bộ tiểu thuyết sang tiếng Việt. Trong “Cao lương đỏ”, Mạc Ngôn “đóng vai” nhân vật tôi kể lại câu chuyện tại vùng quê Cao Mật (chính là quê hương của tác giả) trong những năm 1920, 1930. “Bà nội tôi” – Phượng Liên là một cô gái nghèo bị bố mẹ gả cho gã hủi Đơn Biền Lang. Mạnh mẽ, khát khao yêu đương cô đã đến với Từ Chiếm Ngao vốn là một anh hùng thổ phỉ, sau trở thành tư lệnh lãnh đạo người dân nơi đây chống lại phát xít Nhật. Giữa cánh đồng cao lương rừng rực đỏ, họ có với nhau một người con trai chính là “bố tôi”. Ông gia nhập đoàn quân của Tư lệnh Từ Chiếm Ngao lúc mới mười 14 tuổi mà không biết tư lệnh Từ là cha mình, vẫn gọi ông là “bố nuôi”. Đến khi “bà nội tôi” sắp chết, sự thật mới được tiết lộ.

Tiểu thuyết Cao lương đỏ (Mạc Ngôn) bản tiếng Trung Quốc
Tiểu thuyết Cao lương đỏ (Mạc Ngôn) bản tiếng Trung Quốc

Kết cấu chuyện đảo ngược lại dòng thời gian khách quan, không gian thường xuyên xáo trộn, thay đổi liên tục nhưng vẫn rõ ràng, mạch lạc bởi hành động của nhân vật được miêu tả kết hợp với tâm lí tinh tế. Cốt truyện “Cao lương đỏ” đúng theo phong cách của Mạc Ngôn không có những tình tiết ly kì nhưng hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối. Nhân vật của ông ngang tàn, khí phách, phóng túng và yêu tự do. Họ dám phá bỏ mọi ràng buộc của lễ giáo để giải phóng cá tính. “Luôn đi giữa đỏ và trắng” như Mạc Ngôn nói, “bà nội tôi”, tư lệnh Từ vừa đáng yêu vừa đáng trách, vừa thánh thiện vừa phàm tục. Cuộc kháng chiến chống Nhật đã lột xác đưa họ trở thành anh hùng dân tộc. Từng trang sách bước ra từ đời thật, thông qua sự lưu chuyển của dòng ý thức, cái nhìn đầy biến ảo của nhà văn mà từng câu từng chữ tái hiện lại một giai đoạn lịch sử. “Cao lương đỏ” cùng với “Báu vật của đời” và “Cây tỏi nổi giận” đã mang về cho Mạc Ngôn giải Nobel danh giá năm 2012.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu hướng dẫn diễn viênCủng Lợi một cảnh quay trong phim Cao lương đỏ
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu hướng dẫn diễn viênCủng Lợi một cảnh quay trong phim "Cao lương đỏ"

Bước lên màn ảnh, “Cao lương đỏ” (1987) đánh dấu sự xuất hiện vinh quang của cặp đôi tài sắc bậc nhất điện ảnh Trung Quốc đương đại là đạo diễn Trương Nghệ Mưu và diễn viên Củng Lợi. Không hề mờ nhạt trước những trang văn nổi tiếng, Trương Nghệ Mưu khẳng định cá tính của mình trong từng thước phim. Từ nghệ thuật dàn dựng với cảnh quay tinh tế xuất phát từ cái nhìn của một nhà quay phim chuyên nghiệp, những bài hát dân gian đến sắc đỏ chủ đạo ám ảnh người xem. Để sau này, màu đỏ ấy định hình phong cách Trương Nghệ Mưu với “Đèn lồng đỏ treo cao”, “Cúc đậu”, “Đường về nhà”… Không giống những nhà làm phim khác dùng diễn viên để bộc lộ tư tưởng tác phẩm, Trương Nghệ Mưu khẳng định tài năng khi dùng ánh mắt, gương mặt, cử chỉ của Củng Lợi để bộc lộ tư tưởng của mình. Ông đã góp phần không nhỏ đưa tên tuổi Củng Lợi rạng rỡ trên phim trường quốc tế. Bộ phim cũng mở đầu cho xu hướng các đạo diễn thế hệ thứ năm của điện ảnh Trung Quốc khai thác chất liệu văn hóa dân tộc mình để tạo nên nét khác biệt. “Cao lương đỏ” đã dành được giải Gấu vàng tại LHP Berlin năm 1988.

 
Đinh Nha Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm