Cần Thơ: Gặp “lão gò nhôm” và những tác phẩm nghệ thuật
(Dân trí) - Với một miếng nhôm, cái búa, cái đục và đôi tay điêu nghệ, “lão gò nhôm” đã gò gò, đục đục để tạo nên tác phẩm hoàn hảo với các đường nét tinh xảo. Người họa sĩ ấy là ông Nguyễn Văn Phúc (72 tuổi), khu vực 2, phường An Bình, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Từ miếng nhôm khô cứng…
Ông sinh ra ở tỉnh Hưng Yên, năm 1980 ông vào Cần Thơ công tác do yêu cầu của công việc. Ông Phúc kể, từ nhỏ ông đã đam mê hội họa và để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật của mình, ông đã thi vào trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trải qua rất nhiều công việc từ khảo cổ, làm thiết kế sân khấu hội trường, rồi dạy học…, nhưng với ông chưa bao giờ ông hết niềm đam mê với hội họa. “Sau khi đến tuổi về hưu, tôi muốn sáng tạo ra một thứ nghệ thuật bằng chính nguồn năng lượng mình tỏa ra. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết định tìm đến với tranh gò nhôm”- Ông phúc tâm sự.
Chia sẻ về việc vì sao lựa chọn chất liệu nhôm để sáng tác nghệ thuật, ông Phúc cho biết, nhôm là một loại chất liệu có giá thành khá rẻ (khoảng 150.000đ/m2) , lại bảo quản được lâu, không bị rỉ như đồng. Nhưng để có được những bức tranh mang tính nghệ thuật cao, người họa sĩ phải bỏ ra khá nhiều tâm lực và trí sáng tạo cộng với sự kiên trì của đôi tay hàng tháng trời. Vì chất liệu nhôm rất dễ biến dạng trọng lúc gò để tạo ra các đường nét của bức họa.
Lão "gò nhôm" và những bức tranh nghệ thuật
Khi sáng tác tranh, ông ngồi bệt lên trên tấm nhôm được trải trên nền gạch, tay cầm búa gõ liên tục lên chiếc dùi đục được đặt lấy điểm tựa là bàn chân để giữ nhịp. Khi ấy, có một thứ âm thanh rất quen thuộc phát ra “cách cách, tùng, xèng”, và trên miếng nhôm xuất hiện những đường nét đậm nhạt khác nhau.
… đến bức họa đẹp
Nói đến tranh gò nhôm của họa sĩ Văn Phúc, nhiều người không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ, từ đường nét, đến ý tưởng và có cả âm thanh trong tranh. Xem tranh ông Phúc ta cảm nhận được một làng quê đậm tính Nam Bộ, với phong cảnh nền là lá dừa nước, cánh cò,… Họa sĩ Văn Phúc có khá nhiều tác phẩm tái hiện lại toàn cảnh chợ nổi, một nét đẹp đặc trưng của vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long.
Với một miếng nhôm, cái búa, cái đục và đôi tay điêu nghệ, “lão gò nhôm” đã mài mẫn gò gò, đục đục để tạo nên bức họa tinh xảo
Ngoài ra, đề tài Bác Hồ, là một trong những cảm hứng sáng tác của người họa sĩ tài ba này, ông Phúc dành nhiều thời gian sưu tầm và nghiên cứu, suy ngẫm nhiều tài liệu viết về Bác, từ đó có cái nhìn trọn vẹn về chân dung vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Qua đó, ông đã khắc họa được hoàn hảo vẻ đẹp của Bác trong lúc làm việc, cũng như đời thường nhằm để lại cho con cháu thế hệ sau.
Tác phẩm “Tiếng trống trường”
Tác phẩm “Hợp tấu vô lý” thể hiện sự hòa hợp trong tình yêu
Điều “kì quái” trong tranh của họa sĩ Văn Phúc còn được thể hiện qua cách cảm nhận, cách suy nghĩ của ông. Bức tranh “Hợp tấu vô lý”, được tác giả giải thích: “Thoạt nhìn chỉ là cảnh sinh hoạt đờn ca tài tử bình thường, nhưng khi nhìn kỹ thì mới thấy được ý tưởng độc đáo, người chồng thì gẩy đàn, còn người vợ lại là người bấm phím, nhưng bản nhạc vẫn reo lên réo rắt, đó là điều vô lý”. Qua đó, ta thấy được sự đồng điệu trong tình yêu, 2 trái tim phải hòa hợp đến mức cùng chung một nhịp đập.
Cảnh Chợ nổi Cái Răng được “Lão gò nhôm”, mang vào trong tranh với đầy đủ nét đẹp của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Tác phẩm “Bác nhường ngựa cho viên phi công Mỹ”
Mặt trống đồng làm từ chất liệu nhôm với đường kính 0,99m, với những họa tiết hết sức nghệ thuật
“Lão gò nhôm” Văn Phúc làm việc không quản thời gian và đắm say với nghệ thuật. Dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, lại mang trong người căn bệnh tim, nhưng bằng chính niềm đam mê ấy, ông vẫn miệt mài bên tấm nhôm, vẫn gò, vẫn đục để tạo ra những tác phẩm “kì quái”, làm cho người xem phải mê mẩn.
Nguyễn Trần