Cần tăng nặng chế tài xử phạt

(Dân trí) - Ngày 19/8/2014, tại Thái Nguyên, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện công tác phòng chống in lậu từ năm 2009-2014 và tập huấn nghiệp vụ phòng chống in lậu năm 2014.

Tham dự Hội nghị có khoảng 300 đại biểu từ khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - Dương Ngọc Long tham dự và đọc diễn văn khai mạc. Đồng chí Phạm Quốc Chính, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Bộ TT&TT, Phó trưởng đoàn liên ngành phòng chống in lậu tại trung ương đọc báo cáo tổng kết. Sau phần tham luận của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông kết luận và chỉ đạo Hội nghị.

Nhìn tổng quan, hội nghị đã cho thấy bức tranh toàn cảnh của nạn sách lậu tràn lan, khắp nơi khắp chốn, xảy ra ở nhiều tỉnh thành, không chỉ ở Hà Nội, TPHCM, mà cả ở nhiều tỉnh thành, kể cả những tỉnh miền núi như Sơn La.

Cơ quan chức năng đang kiểm kê các thùng sách lậu
Cơ quan chức năng đang kiểm kê các thùng sách lậu

Đoàn liên ngành phòng chống in lậu tại Trung ương trong quá trình kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 33 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 292 triệu đồng, chuyển Sở Thông tin và Truyền thông, xử phạt theo thẩm quyền với số tiền 290 triệu đồng.

Xử lý 58.453 sách vi phạm, 300kg sản phẩm in vi phạm, 18.000 xuất bản phẩm in lậu. Các đội liên ngành phòng chống in lậu tại địa phương phối hợp với Thanh tra Sở TT&TT các địa phương đã thanh tra và xử phạt 182 đối tượng với số tiền trên 1 tỷ đồng, xử lý tang vật tịch thu tiêu hủy 69.000 xuất bản phẩm vi phạm.

Thanh tra Sở TT&TT các địa phương đã xử lý vi phạm hành chính 131 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền trên 1,2 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy 34.186 xuất bản phẩm vi phạm, 592kg sách vi phạm… Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khi tổng kết Hội nghị đã khẳng định đây là “một vấn nạn có nguy cơ mất kiểm soát”.

Cơ quan chức năng đang kiểm kê các thùng sách lậu


Để tìm ra nguyên nhân của nạn in lậu tràn lan hiện nay, trong bài tham luận tại Hội nghị, tiến sỹ Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã nêu dẫn chứng: “Tháng 11 năm 2013, các cơ quan chức năng khi kiểm tra 3 nhà sách ở Bắc Giang là Định Thịnh, Phú Thịnh và Sơn Luyến, đã phát hiện tới gần 18.000 bản sách in lậu.

Địa phương tiến hành xử phạt hành chính, áp khung hình phạt chỉ 30 triệu đồng cho một nhà sách. Các nhà sách nộp phạt xong, lại… tiếp tục kinh doanh sách lậu. 6 tháng sau, ngày 3/6/2014, kiểm tra lại 3 nhà sách trên, lại phát hiện hàng ngàn bản sách vi phạm, có nhà sách số bản sách vi phạm nhiều gần gấp đôi lần trước. Lại xử phạt hành chính, áp “kịch trần” nghị định xử phạt hành chính cũng chỉ tới 30 triệu động. Nộp phạt xong, họ lại tiếp tục kinh doanh sách lậu. Cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Có tình trạng “nhờn” với pháp luật”. Vậy là đã rõ. Theo TS Nguyễn Đăng Quang cũng như nhiều ý kiến nêu ra trong Hội nghị, khung hình phạt quá nhẹ chính là một trong các nguyên nhân của tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, tình trạng sách lậu tràn lan.

Theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, khung hình phạt tối đa khi buôn bán sách lậu (với cá nhân) chỉ là 30 triệu đồng; còn với hành vi in lậu (với cá nhân) chỉ là 40 triệu. Các hành vi buôn bán sách lậu như trong các trường hợp đã nêu, lợi nhuận có thể tới tiền tỷ, mà mức phạt nhẹ như vậy hoàn toàn không đủ sức răn đe. Rất cần thiết phải điều chỉnh theo hướng tăng nặng.

Theo ông Quang có thể mức trần phải gấp 10 lần. Còn ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh Thông tin Truyền thông Bộ Công an (A87) thì cho rằng, ngay cả khung hình phạt theo luật hình sự đối với hành vi in lậu cũng chỉ là 1 năm tù, cũng là nhẹ so với với hành vi làm hàng giả.

Tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kết luận: “Cho dù Nghị định vừa mới ban hành, nhưng nếu thấy không phù hợp thì vẫn phải sửa. Khung hình phạt phải đủ sức răn đe mới có thể hạn chế được nạn in lậu”.

Về xử phạt hành vi in lậu: Điều 24, mục 7 Nghị định 159: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản (tức là in lậu).

Về xử phạt hành vi buôn bán sách lậu: Điều 27, mục 5: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép… từ 300 bản trở lên.





TS Nguyễn Đăng Quang