Festival Nghề truyền thống Huế 2015:

Cần nhân lực trẻ có tài, có bản sắc để phát triển Festival Huế

(Dân trí) - Gắn bó hơn chục năm nay với tư cách là tổng đạo diễn các chương trình thời trang lớn và “xương sống” chủ đạo trong nhiều tiết mục nghệ thuật của Festival Huế, NTK Minh Hạnh đã có cuộc trò chuyện trải lòng về câu chuyện: làm thế nào để Festival Huế phát triển?

Khi Festival năm chẵn và lẻ hòa làm một với ý nghĩa văn hóa cao

“Người ta hay nhìn Huế qua một góc độ nhẹ nhàng, thơ mộng, nên thơ, trầm mặc. Điều này rất tốt trong quá khứ. Nhưng ở thời đại này, sự trầm mặc đôi khi bao gồm luôn cả sự bảo thủ vì họ trầm quá, lặng quá sẽ bị thụ động. Nếu nhìn Huế qua một góc nhìn khác và sự chọn lựa của vùng đất này qua văn hóa thì sẽ thấy được sức mạnh mềm của Huế. Chính đi từ văn hóa sẽ tạo nên được những hiệu ứng của kinh tế, chính trị, xã hội… Huế tuy nhỏ nhưng tầm nào nó đã và đang sẽ được nâng cao vì đây là thành phố Festival văn hóa của cả nước.  

Câu chuyện Festival đối với Huế qua thời gian dài hơn chục năm qua đã mang đến một tính thực tế, đó là tạo thêm nhiều giá trị cho người dân sống ở đây, trong đó có văn hóa. Chưa xét về kỳ Festival Huế tổ chức quy mô ở năm chẵn, qua 6 kỳ Festival nghề làm năm lẻ, từ năm đầu 2005 chỉ có một số ít nghệ nhân trên Việt Nam và nghệ nhân Huế tham gia, đến kỳ thứ hai vào 2007 đã có nhiều nghệ nhân trên các vùng miền đất nước đến dự hơn. Những năm tiếp đã có thêm 1-2 nước đến Huế giới thiệu nghề của họ.

Năm nay đã có 8 nước tham dự ở Festival nghề, nên Festival Nghề truyền thống Huế đã mang tính chất quốc tế chứ không gói gọn ở trong nước nữa. Có nhiều nhà thiết nổi tiếng châu Á, các nghệ nhân trứ danh từ Nhật, Hàn Quốc đến cố đô. Đó là hấp lực của Festival nghề. Đó cũng là tiềm năng và do yếu tố con người quyết định” – NTK Minh Hạnh mở đầu.

NTK Minh Hạnh tâm huyết với câu chuyện Festival Huế

NTK Minh Hạnh tâm huyết với câu chuyện Festival Huế

Theo NTK Minh Hạnh, Festival Huế 2014 vừa diễn ra năm ngoái có sự tham dự của 28 nước ở cả 5 châu lục mang ý nghĩa rất lớn, là câu chuyện của cả quốc gia. Nhưng Festival nghề mang tính chất nhỏ hơn vào các năm lẻ như đang diễn ra là Festival nghề 2015, tiếp tục là các năm 2017, 2019… chắc chắn sẽ phát triển. Điều quan trọng là những con người đến Huế năm lẻ không chỉ là nghệ nhân mà còn là người sáng tạo, diễn viên… có tầm ảnh hưởng lớn về văn hóa.

Như NTK Patis Tesoro của Philippines được nhìn nhận như một huyền thoại về thời trang của đất nước này. Bà có công trong sự phát triển làm sợi tơ từ cây chuối, thơm, tạo nên những loại vải mới cho Philippines. Như Erich Chong từ Malaysia chuyên thiết kế cho các siêu sao, người chuyên đi đào tạo và kế thừa loại vải Batik của nước bạn. Như NTK Mohom của Myanmar đang có tham vọng dùng cây sen để tạo ra sợi tơ… những NTK đó đến Huế năm trước, nay quay lại chứng tỏ có một hấp lực ở Huế.

PV

PV Dân trí trò chuyện với NTK Minh Hạnh

Vấn đề đó đặt ra, sau này nghĩ đến Huế người ta sẽ không phân biệt kỳ Festival lớn làm năm chẵn và kỳ Festival nghề năm lẻ nữa, mà chỉ nghĩ đến với một từ duy nhất “Festival Huế”, là “Thành phố Festival”, “Festival ở Huế mang ý nghĩa văn hóa cao”. Chính sự không phân biệt đó là một thách thức với Huế khi tổ chức Festival.

Lớp trẻ phải giỏi hơn lớp xưa, có bản sắc và tính thời đại

NTK Minh Hạnh trăn trở, bài toán lớn nhất để giải quyết sự thách thức này là nhân sự. Vì Festival Huế thực chất cũng là một công nghệ nhưng mang ý nghĩa văn hóa, nên cần phải có người giỏi để đảm trách. Không ai khác, đó chính là thế hệ trẻ của Huế. Họ vừa phải có “chất” vừa thành thạo, hơn hẳn lớp thế hệ trước để vừa tiếp nhận cái cũ và hòa hợp cái mới, nhằm tạo nên được những sản phẩm văn hóa có chất lượng.

Bà Hạnh cho biết, có những Festival biển ở trên đất nước với những môtip lặp đi lặp lại ở các tỉnh thành tổ chức nhưng không để lại dấu ấn gì, tốn nhiều tiền của. Festival Huế khác với những nơi đó vì đây là một vùng đất quá đặc thù với mật độ văn hóa rất cao, ít nơi khác bì kịp. Huế đã có nhiều kết quả tốt qua các kỳ Festival tôn vinh văn hóa, nên làm thế nào phát huy cũng là một điều khó chứ không phải dễ.

PV

Theo NTK Minh Hanh, nhân lực trẻ ở đất cố đô có tài năng, có bản sắc sẽ là "xương sống" để phát triển Festival Huế trong tương lai

Ở Huế, ngoài các nghề truyền thống cũ như áo dài, đúc đồng, diều, nón lá.., nay xuất hiện thêm các nghề mới có sản phẩm rất đẹp mang tính thời đại như Trúc chỉ. Hay nghề dệt Zèng ở A Lưới, Huế đang được chính quyền có ý đề xuất UNESCO công nhận, hàng cũng “cháy” trong thời gian qua… chứng tỏ sản phẩm từ nghề đang phát triển.

Tuy nhiên, phát triển cho “tới” thì là một chuyện khác. Như ẩm thực Huế vốn hấp dẫn mọi người nhưng để làm “tới” thì chưa được. Ví dụ như được thế giới biết đến thì thương hiệu Bún bò Huế thua Phở miền Bắc. Tương tự như vậy với các sản phẩm Mè xửng Huế, Trà cung đình Huế…  

Nhưng có một tín hiệu rất vui về nhân lực. Cách đây 6-8 năm, khi NTK Minh Hạnh đề nghị 100 em nữ sinh giúp diễn thêm trong các tiết mục nghệ thuật Festival nghề đã phải rất khổ sở khi vừa gào thét, nhắc nhở đến hết cả hơi nhưng vẫn không được tốt. Thì nay, tại kỳ Festival nghề 2015, toàn bộ hơn 200 nữ sinh quá thông minh, quá tốt, hơn hẳn mọi năm cho thấy sự thích nghi, chuyển biến đáng mừng trong tinh thần, cách hành động của giới trẻ Huế.

Cũng như Bạch Phúc Nguyên, cậu bé người Huế hát rất tốt khi tham gia The Voice Kids 2013, khi về cố đô làm chương trình lần này, NTK Minh Hạnh phải tìm được để mời diễn trên sân khấu vì đó là “chất” Huế mang tính hiện đại. Rồi đội ngũ văn nghệ ở Festival lần nào cũng phải chi viện từ bên ngoài. Nếu người Huế nếu được đặt vào vị trí đó với nhiều nỗ lực, chắc chắn họ hát, múa cũng hay nên chúng ta cần phải chú ý, phát huy hơn nữa.

PV

Hoa hậu Kỳ Duyên chăm chú lắng nghe, học hỏi từ những kinh nghiệm quý báu từ cô Minh Hạnh trong thời gian diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2015

“Chính điều đó đã nói lên sự thích nghi của lớp trẻ ở Huế đang đi theo chiều hướng tốt. Và cần phải làm nhiều hơn thế nữa. Thế hệ trẻ, lực lượng trẻ trong Festival Huế phải chính là người Huế. Họ không thể nào làm kém hơn những người đi trước được. Và trong cách làm, các bạn trẻ ấy phải vừa giữ gìn được bản sắc Huế trộn lẫn tư tưởng thời đại. Tinh thần thời đại phải được thổi vào những con người ấy để tạo ra được sức mạnh hành động, giúp cho các kỳ Festival Huế sau tốt hơn, hay hơn” – NTK Minh Hạnh khẳng định.

Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2005, nay đã qua 6 lần. Festival nhằm tôn vinh những nghề truyền thống, nghề mới đặc sắc của Huế và các địa phương của cả nước. Đây là dịp để các làng nghề trứ danh, nghệ nhân nổi tiếng có dịp hội tụ, giao lưu, học hỏi và tỏa sáng. Với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival Nghề truyền thống Huế 2015 (diễn ra từ 28/4-3/5) có sự tham gia của hơn 150 nghệ nhân đến từ 34 làng nghề khắp Việt Nam, được xem là lớn nhất từ trước đến nay.


 




Đại Dương (thực hiện)

Ảnh: Vũ Phạm

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm