Cận cảnh những "báu vật" quốc gia của Việt Nam

(Dân trí) - 11 trống đồng cùng hàng trăm cổ vật thời đại văn hóa Đông Sơn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia




Các hiện vật được trưng bày được chia theo các loại hình tiêu biểu như trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, trang sức, đồ minh khí (chôn cùng người chết). Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến những chiếc trống đồng, biểu tượng nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Những chiếc trống đồng Đông Sơn chính là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp phát triển, thể hiện  kỹ thuật luyện kim đồng thau bản địa, nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất Đông Nam Á.
 
Những chiếc trống này trong suốt hàng nghìn năm đã là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hoá cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta. Ngoài trống đồng, chuông là loại nhạc cụ được dùng phổ biến trong văn hóa Đông Sơn. Chuông đồng Đông Sơn có 2 loại là chuông gõ và chuông lắc.
 
Nổi bật trong nhóm đồ dùng sinh hoạt là những chiếc thạp dùng để cất trữ lương thực, thực phẩm. Do sản xuất phát triển, tạo được nhiều của cải dư thừa, người Đông Sơn đã chế tác ra những chiếc thạp lớn nhỏ để cất trữ lương thực, thực phẩm. Thạp còn liên quan đến các nghi lễ chôn cất người chết. Đây là loại di vật khá điển hình của văn hóa Đông Sơn, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật tương tự như trống đồng. 
 
So với các thời kỳ trước, đồ đồng đã tạo nên một cuộc “cách mạng” về vũ khí vào thời kỳ Đông Sơn. Vũ khí Đông Sơn rất đa dạng, độc đáo về loại hình và dồi dào về số lượng. Đặc biệt, kỹ thuật chế tạo nỏ đã đạt trình độ cực kỳ tinh xảo. Bộ 3 mũi lao, phát hiện trong mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng), mộ cổ Bình Kiều (Hưng Yên) và di chỉ Vinh Quang (Hà Nội). 
 
Thời kỳ văn hóa Đông Sơn, trình độ đúc đồng đã đạt đến đỉnh cao, phản ánh một thời kỳ phát triển văn hoá rực rỡ mà chủ nhân của nó là những người Việt cổ

Minh Tiến