Cán bộ tốt, được bồi dưỡng văn hóa sẽ tránh được tham nhũng!

Hà Trang

(Dân trí) - "Cán bộ được bồi dưỡng, rèn luyện, có nền tảng văn hóa tốt, sẽ tận tâm phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, hạn chế được tham nhũng, tiêu cực".

Đây là chia sẻ của ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Dân trí về tính cấp thiết của việc bồi dưỡng văn hóa cho đội ngũ cán bộ.

Cán bộ tốt, được bồi dưỡng văn hóa sẽ tránh được tham nhũng! - 1

Ông Phan Viết Lượng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục . (Ảnh: Media QH).

Cùng với chính trị, kinh tế và xã hội, văn hóa là một trong 4 trụ cột chính tạo nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, văn hóa vẫn bị xem nhẹ, cho là hoạt động bề nổi, phát triển chưa tương xứng so với sự phát triển kinh tế. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?

Sau 35 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu về kinh tế thì văn hóa cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong đó, về đường lối, quan điểm, thể chế hóa bằng chính sách pháp luật để điều hành văn hóa có những bước tiến rất lớn. Nếu so sánh nội dung, nghị quyết của từng thời kỳ đại hội đến nay, chúng ta thấy đã có những bước phát triển rất dài.

Đảng ta xác định vị trí vai trò văn hóa ngày càng rõ hơn. Văn hóa không chỉ là động lực, mục tiêu mà còn là trung tâm của sự phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, trong văn hóa xác định con người là trọng tâm, hướng đến xây dựng, phát triển con người toàn diện.

Trong các chính sách phát triển của Đảng và nhà nước bao giờ cũng nhấn mạnh đến sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa.

Thời gian qua, việc đầu tư cho văn hóa cũng có những bước phát triển rất tốt. Những thiết chế, hạ tầng, phục vụ cho văn hóa, các phong trào, vận động xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam cũng được đầu tư, củng cố.

"Ở đâu đó vẫn quan tâm phát triển kinh tế hơn so với văn hóa"

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn về vị trí vai trò của văn hóa với sự phát triển đất nước thì văn hóa phát triển chưa tương xứng.

Trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nói, có lúc, có nơi chúng ta vẫn chưa gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và văn hóa, ở đâu đó vẫn quan tâm phát triển kinh tế hơn so với văn hóa.

Một số cuộc vận động, phong trào văn hóa như: cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… có nơi vẫn chưa đi vào chiều sâu, vẫn còn hình thức.

Một thời phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Đơn vị văn hóa tiêu biểu các cấp… khá thực chất nhưng gần đây vẫn còn hình thức. Các đánh giá xếp loại về văn hóa thì hầu như không bền vững, niềm tin về thực chất, việc phát huy các giá trị này vào thực tiễn chưa nhiều.

Ở một số nơi, sự suy thoái về đạo đức lối sống, sự gia tăng về tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật diễn biến khá phức tạp, chưa ngăn được một cách hiệu quả.

Trong quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý làm thế nào để hoạt động xã hội, hành vi con người tuân thủ pháp luật chưa tốt, đặc biệt đối tượng thanh thiếu niên, việc vi phạm pháp luật rất đáng lo.

Những đối tượng này nếu sa vào tệ nạn xã hội, giáo dục đạo đức lối sống không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng con người, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.

Trong quản lý nhà nước liên quan đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa đặc biệt là di sản của đồng bào dân tộc thiểu số, danh lam thắng cảnh rõ ràng ở đâu đó chưa đáp ứng nhu cầu, vẫn tập trung phát triển kinh tế mà xem nhẹ văn hóa.

Cán bộ tốt, được bồi dưỡng văn hóa sẽ tránh được tham nhũng! - 2

Thời gian qua việc đầu tư cho việc phát triển văn hóa đã có những kết quả đáng ghi nhận. (Ảnh Vịnh Hạ Long - một trong những di sản ấn tượng của thế giới).

Những thiết chế văn hóa được đầu tư một thời gian sau đó chững lại đến giờ vẫn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ điều kiện để phát huy hiệu quả sử dụng, việc nâng cao đời sống vật chất của con người chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong bối cảnh nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ tác động hàng ngày hàng giờ đến con người, môi trường văn hóa đặc biệt là cơ chế thị trường vẫn chưa được quản lý tốt.

Tôi cho rằng những điều này cần phải được quan tâm.

Hội nghị văn hóa toàn quốc sắp tới có lẽ cũng đã nhìn nhận ra được những tồn tại, lo ngại trước làn sóng xâm lăng văn hóa, sự xuống cấp đạo đức xã hội… để có những mục tiêu, định hướng, giải pháp tốt hơn trong thời gian tới.

Cán bộ tốt, được bồi dưỡng văn hóa sẽ tránh được tham nhũng

Ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của việc bồi dưỡng văn hóa cho đội ngũ cán bộ?

Có thể nói đội ngũ cán bộ là lực lượng cực kỳ quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu xây dựng được đội ngũ cán bộ giỏi năng lực, đầy đủ phẩm chất văn hóa thì sẽ giúp lan tỏa tích cực đến quần chúng, lớp trẻ. Họ sẽ là tấm gương để mọi người soi chiếu.

Những người cán bộ tốt, được bồi đắp, trau dồi văn hóa, có nhận thức đúng về các giá trị văn hóa cũng sẽ có ý thức hoàn thiện chức trách nhiệm vụ của mình, tránh được tham nhũng, các tệ nạn xã hội. Đội ngũ này cũng sẽ góp phần phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, làm cho xã hội đi vào trật tự, kỷ cương, nề nếp, phòng chống được các mặt trái của văn hóa, giảm sự xuống cấp đạo đức, xã hội.

Việc bồi dưỡng văn hóa, đạo đức, phẩm chất cho cán bộ cũng là nội dung, nhiệm vụ quan trọng được đưa ra trong Nghị quyết 33 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI.

Trong thời đại toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, mỗi dân tộc đều có điều kiện và cơ hội để thúc đẩy sự phát triển, đồng thời cũng đứng trước những nguy cơ, thách thức mới. Theo ông, chúng ta cần làm thế nào để văn hóa "vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa thế giới"?

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946, Bác Hồ từng nói "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Đến nay câu nói này vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc. Văn hóa không chỉ là "nâng cao dân trí" mà văn hóa còn có tính dẫn dắt, đi trước nhất là trong xu thế hội nhập, phát triển chung.

Cán bộ tốt, được bồi dưỡng văn hóa sẽ tránh được tham nhũng! - 3

Văn hóa không chỉ là "nâng cao dân trí" mà văn hóa còn có tính dẫn dắt, đi trước nhất là trong xu thế hội nhập, phát triển chung. (Ảnh lễ hội đua voi tỉnh Đắk Lắk).

Thời gian qua, Đảng ta luôn xác định, mục tiêu phát triển văn hóa là vừa giữ gìn văn hóa dân tộc nhưng cũng phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến. Trong bối cảnh đất nước mở cửa, giao lưu, thông thương với quốc tế thì rõ ràng văn hóa Việt Nam luôn chịu tác động, ảnh hướng của các nước. Chúng ta kế thừa những tinh hóa, giá trị văn hóa trước đây của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc, tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Trong bản Đề cương văn hóa năm 1943 nêu 3 nguyên tắc của văn hóa Việt Nam đó là "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng", giờ đây điều này vẫn là nền tảng của sự phát triển văn hóa nhưng có thêm những nội dung đó là: nhân văn, dân chủ, coi trọng giá trị con người để phù hợp với bối cảnh mới.

Việc phát triển văn hóa hiện nay cũng hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của con người, coi hạnh phúc của con người là giá trị cao cả nhất.

Trong đó, con người là chủ thể vừa là trung tâm của sự phát triển văn hóa. Xây dựng con người phát triển toàn diện, trong lưu ý giáo dục, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước... đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Hội nghị văn hóa toàn quốc - sự kiện quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt

Sau 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức (24/11/1946), cuối tháng 11 tới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc (được coi là lần thứ ba) sẽ được tổ chức ở Hà Nội theo hình thức trực tuyến. Ông đánh giá và kỳ vọng như thế nào về việc tổ chức sự kiện này trong bối cảnh hiện nay?

Hội nghị được tổ chức tới đây sẽ đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới. Từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng cho thấy sự nhìn nhận, nhận thức về văn hóa đã có bước phát triển lên một tầm cao mới. Hội nghị cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống chính trị, đặc biệt những ai quan tâm đến sự phát triển văn hóa của đất nước.

Tôi cho rằng, việc tổ chức hội nghị cũng cho thấy cái nhìn về tính cấp thiết của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Hy vọng sự kiện sẽ có đánh giá khách quan về thách thức, yêu cầu đối với văn hóa, làm sâu sắc, rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Từ đó, lựa chọn được giải pháp trọng tâm, tạo nên sự đột phá cho sự phát triển văn hóa.

Tôi cũng mong sau hội nghị, cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc, cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội 13: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, trở thành động lực phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm