Cảm nhận từ chiếc gương “biến dạng”
(Dân trí) - Ngoài 70 tuổi, NSƯT Đức Trung vẫn đầy tâm huyết, say mê với sân khấu. Dưới đây là bài viết của ông về 2 vở diễn mới của nhà hát Tuổi trẻ.
Mở đầu năm 2015 khán giả Hà Nội được xem hai vở kịch, những tác phẩm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “đặt hàng” các nhà hát, có thể nói hai vở đó xứng đáng là “sản phẩm chất lượng cao”, hấp dẫn, lôi cuốn những người thực sự yêu mến, quan tâm đời sống Nghệ thuật sân khấu Kịch nói giữa lúc các nhà hát khó khăn đi tìm khán giả cho mình.
Trong lúc đất nước, thời cuộc đứng trước những thách thức không nhỏ về chính trị, kinh tế, xã hội thì vở: “Dư chấn” tác giả Xuân Đức, “Biến dạng” của tác giả Chu Thơm đã đem đến cho khán giả Kịch nói những vở kịch tâm lý xã hội chính thống đã nhiều năm ngự trị trên sân khấu Việt Nam nói chung, Nhà hát Kịch Trung ương và Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng.
Một cảnh trong vở diễnLà một khán giả và “tín đồ” của kịch Tâm lý xã hội tôi chỉ xin được chia sẻ những cảm nghĩ về một trong hai vở đó khi thưởng thức tài hoa diễn xuất của dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ qua vở “Biến dạng”.
Có những vở kịch hàng đống nhân vật xuất hiện, cứ thấy chạy ra, chạy vào rồi biến mất, xem mãi chẳng thấy tính cách, hay số phận con người đâu cho tới khi ra khỏi rạp.
Nhưng vở “Biến dạng” có sự nhuần nhuyễn từ kịch bản Văn học đến khả năng “Phù phép” của đạo diễn, qua sự thể hiện sống động của các nghệ sĩ trên sân khấu, những số phận, những con người đâu đó của cuộc sống hôm nay lừng lững xuất hiện in dấu vào trí óc cảm xúc của người xem, dẫu có những nhân vật chỉ xuất hiện một hai cảnh, lớp trong đêm diễn.
Mấy hôm trước có người bạn rủ tôi đi xem Kịch “Đặt hàng” của Bộ Văn hóa thông tin du lịch, tôi ái ngại chắc lại kịch chính luận giáo dục chính trị, tư tưởng, hay đề tài chống tham nhũng, tiêu cực muôn thuở gì đây, hẳn là khô khan, khó xem, dễ mệt đầu óc ngày nghỉ cuối tuần...
Không ngờ! Nhà hát Tuổi trẻ, những người đã làm nên vở diễn: “Biến dạng” không phụ lòng khán giả sành điệu thưởng thức kịch Tâm lý xã hội. Một khán giả thốt lên khi ra khỏi rạp: “Vở xem quá được!”
Sự hòa quện ăn ý giữa Tác giả, Đạo diễn với diễn xuất của các diễn viên đã làm cho khán giả bị hút sâu vào vở diễn, tan biến đi sự ngộ nhận ban đầu: Giáo dục chính trị khô khan .
Cốt truyện kịch có những yếu tố thần bí, nhưng không duy tâm, giả tưởng, nó là sản phẩm của sự ám ảnh lương tâm khi con người đi quá giới hạn tham lam, ích kỷ đến độc ác , “Tấm gương máu” luôn kích thích sự tò mò của người xem để nhận ra hệ lụy khi con người đánh mất nhân tính, bon chen xảo quyệt đến tàn bạo không thể dung thứ.
Câu chuyện kịch xoay quanh một gia đình Tam đại đồng đường, không rơi vào công thức sơ lược: “Cha nào con nấy” để khi cánh màn nhung khép lại ca khúc chủ đề vang lên ta tin vào lớp trẻ ngày mai đang lớn lên từ hôm nay giữa những căn bệnh trầm kha của xã hội, những người trẻ ấy tự biết sẽ phải sống thế nào?
Kết cấu vở kịch khéo ở chỗ không ám chỉ ai, không công kích một đại gia hay quan chức nào cụ thể, nhưng ai cũng thấy những nhân vật rất thực chẳng xa xôi, đâu đó quanh ta vẫn thấy hàng ngày, luôn cảnh báo chính mỗi chúng ta phải tránh xa thói ích kỷ, tham lam đến độc ác. Phải chăng đó là tính chân thực có sức thuyết phục những khán giả khó tính.
Vài thập niên qua Nhà hát Tuổi trẻ đã từng đưa những chương trình Hài kịch có chất lượng, một luồng gió mới sắc sảo về nội dung, hấp dẫn về nghệ thuật, để “Đổi món” hoặc phong phú thêm cho những bữa tiệc sân khấu kịch nói tới người xem, dù sao cũng chỉ là cứu cánh tùy thời, chưa bao giờ Nhà hát từ bỏ sân khấu chính kịch Tâm lý xã hội, nền kịch chính thống đã làm nên thương hiệu Nhà hát Tuổi trẻ gần 40 năm qua.
Trải qua nhiều năm tháng khai thác chương trình Hài kịch để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng, đồng thời cũng đã tạo nên thế mạnh khi quay trở về với kịch Tâm lý xã hội, trước những vân đề “Hóc búa”. Bằng lối diễn tưng tửng, nhả từ, nhấn chữ theo kiểu đùa như thật, thật như đùa của lối diễn hài đã mềm mại hóa chất chính luận khô khan, khán giả vừa thấy thâm thúy vừa thấy nhẹ nhàng khi tiếp cận vấn đề.
Nhìn những người xung quanh tôi không thấy ai đăm chiêu, nhăn nhó căng thẳng, chỉ thấy khi thoảng rộ lên tiếng cười nhẹ nhàng như tán thưởng sự thâm thúy của lối diễn như chơi, diễn như không diễn.
Ai cũng biết thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của nhà hát Tuổi trẻ đều đã bước qua tuổi 50. Vở diễn mới này, đảm nhiệm vai chính đến vai phụ chủ yếu là các bạn trẻ 8X và 9X họa hoằn 6X, 7X mới tham gia, sự “trẻ hóa” ấy thật đáng mừng!
Dàn diễn viên diễn xuất khá đồng đều, ăn ý, hợp “Giơ”, đó chính là quá trình thẩm thấu tiếp nối nhiều thế hệ, bên cạnh công sức vun đắp của đạo diễn có sự truyền nghề trực tiếp của các anh chị đi trước.
Vở diễn hay sẽ nâng tầm diễn xuất của nghệ sĩ. Một khán giả ngồi sau tôi nói với người bên cạnh về nhân vật ông Sát-tên tội phạm tham nhũng: “Đóng vai này chắc phải là nghệ sĩ ưu tú”. Với sự đầu tư sáng tạo trong diễn xuất, nghệ sĩ Sĩ Tiến xứng đáng đứng trong lòng khán giả như mong đợi, nhờ kết hợp giữa bản lĩnh và sức trẻ làm nên vai diễn đầy đặn, sắc sảo và đa diện.
Phải kể đến người đồng hành xuyên xuốt với anh trong đêm diễn là nghệ sĩ trẻ Thanh Sơn chiếm được trọn vẹn cảm tình của khán giả khi anh thể hiện nhân vật con đẻ của ông Sát, anh đã thể hiện một nhân vật chính diện có xương, có thịt, có linh hồn, trái tim rung lên xúc cảm, không mô phỏng hay khuôn sáo, mang sức sống chân thực chinh phục khán giả...
Cùng một số nghệ sĩ khác như Thanh Bình trong vai Nhà Ngoại cảm, Quỳnh Dương - vai em cùng cha khác mẹ với ông Sát, Bá Anh, Nguyệt Hằng trong vai hai đứa con tạp chủng của ông Sát, Ngọc Tuấn-vai ông Vạn, Thanh Dương-vai nhà Đầu tư Bất động sản...Mỗi người một vẻ, đều khắc họa ấn tượng hoặc it nhất tròn vai tuy nhân vật xuất hiện không nhiều, chứng tỏ ý thức công dân, tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ với công phu nhào nặn của đạo diễn qua kịch bản có bột tốt mới gột nên hồ.
Tội ác phải bị trừng phạt là sự công minh pháp luật và nghệ thuật là thức tỉnh lương tâm và xây dựng niêm tin “Biến dạng” đã làm được điều đó.
Nói thế không có nghĩa vở diễn đã hoàn mỹ. Hồi âm của khán giả sau những đêm diễn đầu tiên xin đừng vội vàng thỏa mãn, kiểm soát đâu đó sự tham lam tiếc nuối của những người làm nên vở diễn, vẫn còn mải nhâm nhi biền ngẫu: “Biết rồi nói mãi”. Nếu tiết chế, xiết chặt hơn nữa, đẩy tiết tấu cho phù hợp với nhịp sống thời đại. Chắc chắn vở diễn càng lôi cuốn, hấp dẫn hiệu quả hơn, dư luận lan tỏa, đông người xem hơn, như thế khỏi phí một kịch phẩm hay và sẽ là một vở đinh của hội diễn sân khấu toàn quốc sắp tới.
Với sự góp ý chân thành trong tư cách khán giả xem vở “Biến dạng”.
Xin chúc mừng thành công mới của Nhà hát Tuổi trẻ!
NSƯT Lê Đức Trung