Cảm nhận hạnh phúc, viên mãn dễ đến nhất ở tuổi... 60

(Dân trí) - Đa phần chúng ta rồi cuối cùng sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời khi đã... ở tuổi 60.

Cảm nhận hạnh phúc, viên mãn dễ đến nhất ở tuổi... 60 - 1

Ảnh minh họa

Một nghiên cứu khoa học được tiến hành bởi trường Đại học bang California, nằm ở thành phố San Diego, bang California, Mỹ, khẳng định rằng đa phần chúng ta rồi cuối cùng sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời khi đã... ở tuổi 60.

Dù là tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong đời sống gia đình, trong những mối quan hệ ngoài xã hội, trong sự nghiệp, hay bất cứ điều gì khác, thì nhìn chung, cũng phải tới tuổi lục tuần, người ta mới thực sự biết trân trọng đúng mức những điều ấy.

Nghiên cứu đối với hơn 1.000 người sinh sống tại Mỹ, ở độ tuổi từ 21 tới hơn 100 tuổi, đã phát hiện ra rằng những người ở tuổi 60 là cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa nhất và cũng vì thế mà họ là nhóm hài lòng, mãn nguyện nhất trong cuộc sống.

Những người cảm thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa, có mục đích, thường sẽ sống khỏe mạnh hơn cả về thể chất và tinh thần, giúp làm giảm khả năng qua đời sớm. Từ đó, các nhà nghiên cứu tin rằng giữa tình trạng sức khỏe và cảm nhận về mục đích - ý nghĩa sống có mối liên hệ gắn bó với nhau.

Việc cảm thấy không chắc chắn về mục đích sống khi một người đã dần bước vào tuổi già sẽ gây “tổn thọ” và ngược lại.

Cảm nhận hạnh phúc, viên mãn dễ đến nhất ở tuổi... 60 - 2

Bức “Bạn già” của tác giả @ptkhanhhvnh tham gia cuộc thi ảnh có chủ đề “Friends” (Những người bạn) của ứng dụng chia sẻ ảnh Agora

Giáo sư Dilip Jeste, một chuyên gia tâm lý và khoa học thần kinh, người đứng đầu nghiên cứu này chia sẻ: “Nhiều người nghĩ rằng khái niệm về ý nghĩa - mục đích sống chủ yếu mang giá trị triết học. Nhưng thực tế, điều này có liên hệ với tình trạng sức khỏe thể chất - tinh thần và thậm chí là cả tuổi thọ của một con người.

“Những người tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn những người không tìm thấy điều này”.

Những người cho rằng họ đã tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống thường có tình trạng sức khỏe thể chất - tinh thần ổn định, thậm chí lý tưởng. Trong khi đó, những người vẫn đang phải tìm kiếm một mục đích nào đó cho cuộc sống của mình thường có trạng thái tinh thần không tốt bằng, tư duy nhận thức cũng không nhanh nhạy bằng.

Giáo sư Dilip Jeste phân tích: “Khi bạn còn trẻ, như khi bạn mới ngoài 20 chẳng hạn, bạn không chắc chắn về sự nghiệp, hôn nhân và cả về chính bản thân mình, khi đó bạn đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Khi bạn bắt đầu bước vào tuổi 30, 40, rồi 50, bạn dần có thêm nhiều mối quan hệ định hình cuộc đời mình, nhiều người đã bước vào hôn nhân, đã có gia đình riêng, đã ổn định sự nghiệp.

“Lúc này, mong muốn tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống giảm đi, bởi ý nghĩa trong cuộc sống của bạn đã tự khắc dâng cao từ chính những đổi thay trong cuộc sống. Sau tuổi 60, mọi thứ bắt đầu thay đổi”.

Đa phần người Mỹ thôi làm việc ở tuổi từ 60 tới 65. Việc có được một sự nghiệp vững chắc hơn qua năm tháng giúp đưa lại một cảm nhận rõ ràng hơn về mục đích sống. Khi phải rời xa công việc, mỗi người đều phải chịu những tác động tâm lý khá nặng nề.

“Khi một người thôi không làm việc kiếm sống nữa, họ bắt đầu mất đi cảm nhận về cái Tôi, lúc này, tuổi tác cũng khiến họ bắt đầu có những vấn đề sức khỏe; một vài người thân, bạn bè bắt đầu qua đời. Lúc này, người ta buộc phải tìm kiếm ý nghĩa cho một giai đoạn cuộc sống mới, bởi ý nghĩa vốn gắn bó với họ trước đây nay đã thay đổi”, giáo sư Dilip Jeste cho hay.

Dù vậy, cũng chính ở tuổi ngoài 60 này, người ta lại cảm thấy dễ vui vẻ, hài lòng với cuộc sống và tìm thấy ý nghĩa trong những sự việc bình dị diễn ra trong cuộc sống của mình, sau cả một cuộc đời vất vả lo toan cho sự nghiệp và gia đình.

Bích Ngọc

Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm