Cẩm Ly: “Tôi tuyệt vọng, chán nản… khi bệnh càng chữa càng nặng”
(Dân trí) - Gần 3 năm qua, Cẩm Ly rất hiếm khi xuất hiện trên sân khấu vì bị viêm xoang nặng. Chị đã phải qua Mỹ phẫu thuật và mất một thời gian nằm dài trên giường bệnh.
Một thời gian dài chị không cầm mic lên sân khấu khiến nhiều người nghĩ chị bỏ hát chuyển qua làm giám khảo gameshow. Điều gì khiến chị có sự thay đổi này?
Không có chuyện tôi bỏ hát đâu mà là do gần 3 năm qua tôi phải điều trị bệnh viêm xoang. Căn bệnh này làm cho sức khoẻ, tinh thần và giọng hát của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều.
Sau thời gian dài điều trị viêm xoang, đến lúc có thể đi hát trở lại thì vướng dịch Covid-19. Mặc dù ở thời điểm này, lệnh giãn cách xã hội đã được tháo dỡ nhưng các hoạt động vẫn chưa trở lại bình thường như trước được. Người ta cứ nghĩ, hết giãn cách thì công việc sẽ trở lại bình thường nhưng bình thường với các ngành nghề khác thôi chứ riêng nghệ thuật là đang rất khó khăn.
Bây giờ kinh tế khó khăn nên ai làm gì cũng phải tính toán rất kỹ. Kể cả khán giả họ muốn đi xem hát cũng không xông xênh tiền như trước. Đơn vị tổ chức cũng không ai dám mạo hiểm tổ chức chương trình khi mà khả năng không bán được vé rất cao.
Thời gian gần đây, tôi có được mời đi hát ở phòng trà nhưng tôi không có nhận lời nhiều vì kể cả phòng trà thì khán giả cũng vẫn lèo tèo lắm. Mình lên sân khấu cần sự cộng hưởng để phiêu linh mà không có khán giả thì cũng khó có cảm xúc.
Vậy sức khoẻ và tinh thần của chị sau gần 3 năm điều trị bệnh bây giờ ra sao?
Tất nhiên không thể được 100% như xưa. Giọng hát khi đã bị xoang thì sẽ bị trầm đục ra và khi đã tác động dao kéo sẽ không thể trở lại được như trước.
Nói ra sẽ khó hình dung nhưng nếu ai theo dõi tôi trên truyền hình thì thấy, có thời điểm giọng tôi đặc sền sệt. Có hát cũng không được giọng mũi như ngày xưa. Vì lẽ đó mà có một thời gian dài thỉnh thoảng tôi mới đi hát, còn lại là ngồi ghế nóng gameshow. Bây giờ đã mổ bên Mỹ rồi nhưng sẽ không hết ngay được mà cải thiện từ từ.
Chị có cảm thấy tiếc nuối không khi là ca sĩ được nhiều người mến mộ mà lại không biểu diễn thường xuyên?
Tôi cũng đã chia sẻ rất nhiều là trong cái rủi cũng có cái may. Tôi bị vấn đề về xoang nên ảnh hưởng trực tiếp đến giọng hát nhưng lại có công việc mới đó là ngồi ghế nóng gameshow. Tôi đến với công việc này từ năm 2014. Trong quãng thời gian bị vướng bệnh, không thể đi hát được, tôi dồn thời gian cho công việc mới này.
May mắn là công việc này ít nhiều cũng liên quan đến âm nhạc. Mình không trực tiếp đứng hát nhưng mình truyền cái đó lại cho thí sinh với vai trò huấn luyện viên và vẫn được xuất hiện thường xuyên trên truyền hình để khán giả không thấy quên mình.
Nếu trong thời gian đó, tôi không đi hát được mà chỉ ngồi ở nhà và không hoạt động gì thì chỉ có nước chết. Chết ở đây không phải vì không có nguồn thu mà chết là vì nó sẽ làm mình hoang mang, suy sụp tinh thần, stress…
Thời điểm chị quyết định sang Mỹ điều trị là bệnh đã bước qua giai đoạn nặng?
Tôi qua Mỹ là vì thời điểm đó trong nước có nhiều ý kiến mổ, không mổ và điều trị mãi mà cứ nặng thêm chứ không có tiến triển. Lúc qua Mỹ, tôi không chủ định sẽ mổ mà chỉ đi khám để xem thử thế nào. Nhưng sau khi chụp chiếu thì người ta bắt buộc mình phải mổ vì tình trạng quá nặng, không thể nào không làm được. Và nếu mổ thì phải mất mấy tháng vì phải vào thuốc từng đợt.
Bên Mỹ họ có nguyên tắc, khi đã theo dõi ca bệnh nào là phải theo sát ca đó. Vì thế, bác sĩ không chấp nhận cho mình về Việt Nam vì về Việt Nam họ sẽ không theo dõi được. Trong khi đó, tôi lại không muốn ở lại quá lâu bởi ở Việt Nam còn có chồng con, công việc và bao nhiêu thứ khác.
Cuối cùng, để tôi có thể yên tâm bước vào phòng mổ, Minh Tuyết phải bay từ Mỹ về ngồi ghế nóng thay tôi và hứa sau khi tôi mổ xong sẽ tháp tùng tôi về Việt Nam thì tôi mới mổ. Nói chung là thoả thuận đủ thứ hết.
Ông bác sĩ ở bệnh viện bên đó là người Việt Nam cũng khuyên tôi rất nhiều là đã qua đến đây rồi thì nên mổ. Mổ xong cũng không hết được ngay mà phải mất một thời gian dài nằm điều trị.
Lúc đó chị có lo sợ mổ xong sẽ mất đi giọng hát?
Lúc đó tôi chỉ lo sợ căn bệnh sẽ tàn phá sức khoẻ và tinh thần của mình chứ không nghĩ tới hát hò nữa. Vì tình trạng của tôi nặng tới mức bắt buộc phải mổ chứ không thể khác được. Tại vì tôi bị đa xoang chứ không phải đơn xoang nên xoang nào cũng đầy dịch dẫn đến ảnh hưởng đến giọng hát. Trước đó, ai cũng tưởng tôi hát không được là do cổ họng chứ kỳ thực tôi có bị gì về cổ họng đâu.
Vì anh xã bận chăm con và vướng công việc giám đốc âm nhạc gameshow nên chồng Minh Tuyết dẫn tôi qua Mỹ. Lúc tôi về thì Minh Tuyết đưa tôi về vì điều trị xong tôi yếu lắm. Thời gian đó, tôi không ăn uống được, ăn gì vào cũng nôn ói. Cứ 4 tiếng là phải uống thuốc giảm đau nhưng 3 tiếng đau nhức không chịu nổi rồi. Tôi lại còn bị bệnh về bao tử nữa nên khó khăn trăm bề.
Về đến nhà Minh Tuyết rồi thì việc chăm sóc mới được cải thiện. Tuyết suốt ngày nấu hết món này đến món khác bắt tôi ăn rồi bắt tôi phải vận động liên tục. Tuyết còn hăm doạ không chịu ăn uống mà không đủ cân là sẽ không về được Việt Nam nên tôi rất sợ.
Có những hôm đi lại không nổi nhưng Tuyết vẫn bắt tôi đi lại, bắt xuống bếp nằm cạnh để xem Tuyết nấu ăn. Vì uống thuốc giảm đau vào là mắt tôi mở không nổi, nếu đứng dậy đi là lảo đảo. Về đến Việt Nam, 3 bố con ngỡ ngàng vì nhìn tôi xanh như tàu lá chuối, không còn tí sức sống nào.
Trong thời gian đối diện với bệnh tật, chị có thay đổi suy nghĩ hoặc chiêm nghiệm của mình về cuộc đời?
Có chứ, nghĩ nhiều chứ. Đối diện với bệnh tật rồi tôi mới nhận ra sức khoẻ là thứ tài sản quý giá nhất. Muốn làm nhiều thứ mà không có sức khoẻ thì cũng chẳng làm gì được. Trước đây, mình cứ ỉ mình khoẻ mạnh nên không nghĩ nhiều đến việc chăm sóc bản thân. Ngày xưa tôi lười tập thể dục “gần chết” mà bây giờ cứ phải cố gắng tập, rảnh lúc nào tập lúc đó.
Tôi cũng có thêm “đam mê” mới là trồng cây trên sân thượng. Một ngày phải leo lên sân thượng thăm cây 4 lần. Cây thì cũng chỉ có mấy cây như: cà chua, dưa leo, đậu bắp, rau mùi… mỗi thứ một ít nhưng mỗi lần được tự tay chăm bón tôi thấy vui lắm. Ngày xưa, thời con gái là tôi đã mơ có một khu vườn trên sân thượng để hàng ngày trồng cây rồi.
Ngoài ra, nếu chỉ biết sống hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai rồi khi có việc sẽ không biết bấu víu vào đâu. Nghệ sĩ mà không có một khoản gì đó phòng thân rồi khi đối diện với dịch bệnh hoặc sự cố là sẽ rất khổ. Mà chẳng phải riêng nghệ sĩ đâu, ai cũng sẽ như thế nếu không có sự chuẩn bị cho tương lai.
Thời điểm dịch bệnh, ca sĩ không đi hát được thì thường ra sản phẩm, còn chị có vẻ vẫn rón rén?
Không chỉ riêng tôi mà mọi người cũng vẫn rón rén lắm, không ai dám mạo hiểm đâu. Vì tâm lí lúc dịch là ai cũng nghĩ tháng sau sẽ hết dịch, cùng lắm tháng sau nữa sẽ hết dịch nên không ai có ý định gì cả. Không ai nghĩ dịch sẽ kéo dài đến thế. Cho nên thời gian gần đây một số nghệ sĩ mới tung ra sản phẩm.
Dự án “Tuyệt phẩm trữ tình xưa và nay” được vợ chồng tôi ấp ủ từ cuối năm 2019. Nhưng do dịch Covid-19 nên phải hoãn suốt thời gian qua. Khác với các sản phẩm trước, show lần này của chúng tôi sẽ gồm nhiều tập, phát trực tuyến Youtube hàng tuần. Mỗi tập là một liên khúc bolero, gồm các ca khúc trữ tình kinh điển và ra đời gần đây.
Do nghỉ hát quá lâu nên bước vào phòng thu tôi cảm giác như người mới đi hát. Tôi hồi hộp không biết khán giả đón nhận bài hát mới, giọng hát mới của mình thế nào. Thị trường âm nhạc khắc nghiệt, đào thải nhanh, người ta nghỉ vài tháng đã sợ bị lãng quên, trong khi tôi nghỉ vài năm rồi.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long