Cẩm Ly nước mắt rơi lã chã khi từng phải đón giao thừa... ngoài đường
(Dân trí) - “Dù tiền cát- sê cao cỡ nào, đêm giao thừa tôi cũng không hát. Chỉ một lần trong cuộc đời, tôi chạy show đêm 30 và tôi không bao giờ có thể quên được. Và tôi cho rằng, sẽ không bao giờ có lần thứ hai”, nữ ca sĩ chia sẻ.
Ca sĩ Cẩm Ly cho biết những ngày cận Tết thế này chị vô cùng bận bịu để chuẩn bị mọi thứ cho Tết: “Sau đêm 30, tôi thấy tôi không phải là tôi nữa, cơ thể rệu rã. Tại những ngày cận Tết, tôi không biết mình làm gì mà cứ chạy ngoài đường suốt.
Có lẽ tôi cầu kỳ, mua cái này mua cái kia. Để bày mâm ngũ quả, đêm 29 Tết, tôi phải ra chợ hoa, ở đó tới 1-2 giờ sáng để lựa hoa. Tôi nghĩ nó mệt, nhưng đó là thói quen mà tôi muốn được như thế để bản thân có cảm giác những ngày Tết đến gần mình như thế nào. Những người phụ nữ nào trong gia đình cũng muốn cái Tết của mình là cái Tết sum vầy, rất đầy đủ cho gia đình, cho người thân. Cho nên dù mệt, tôi vẫn thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc đó”.
Thường đối với ca sĩ, dịp Tết rất nhiều show, nhiều người đi diễn liên miên, không kịp đón giao thừa với gia đình. Với Cẩm Ly, thì lại có quy tắc theo chị là bất di bất dịch đó là mùng 1 Tết có thể đi hát nhưng đêm 30 chị không đi hát dù cát- sê cao cỡ nào.
“Dù tiền cát- sê cao cỡ nào, đêm giao thừa tôi cũng không hát. Chỉ một lần trong cuộc đời, tôi chạy show đêm 30 và tôi không bao giờ có thể quên được. Và tôi cho rằng, sẽ không bao giờ có lần thứ hai.
Tôi nhớ, lần đó tôi được mời xuống Cần Thơ biểu diễn trong đêm 30 Tết. Lẽ ra diễn xong, tôi phải qua một điểm diễn nữa nhưng tôi không diễn mà quay về nhà. Nhưng tôi không ngờ sát giờ giao thừa, con đường tắc nghẽn luôn. Ở trên trời, pháo hoa bắn tưng bừng còn tôi ngồi trong xe nước mắt rơi lã chã. Tôi hối hận cả đời và tự hứa, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, sẽ không bao giờ tôi đi hát đêm 30 nữa.
Cái khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới ở bên gia đình, tôi không muốn mất đi”, Cẩm Ly chia sẻ trong tập cuối “Ký ức vui vẻ”.
Cũng trong chương trình, nữ ca sĩ gửi lời chúc Tết tới khán giả bằng bài thơ: “Đầu xuân Canh Tý/ Kính chúc mọi người/ Thật nhiều sức khỏe/ May mắn thành công/ Sự nghiệp hanh thông/ Công danh tấn tới/ Niềm vui phơi phới/ Kính chúc năm mới/ Thịnh vượng an khang/ Vạn sự bình an/ Tràn đầy hạnh phúc”.
Cũng xuất hiện trong tập này với vai trò khách mời, nữ diễn viên Khánh Huyền chia sẻ về mâm cỗ ngày Tết. “Nhìn mâm cỗ này, tôi lại nhớ đến mâm cỗ cúng tất niên ở gia đình tôi. Ngày xưa, mẹ tôi tự nấu hết. Từ những ngày trước Tết, mẹ tôi bắt đầu mua tất cả mọi nguyên vật liệu về nhà để chuẩn bị cho cái Tết của gia đình. Sau này, do cuộc sống tiện lợi của cuộc sống mới cũng như... lười hơn nên các món ít dần đi. Sau này, vào Sài Gòn, tôi cũng bị “lai” đủ thứ nên mâm cỗ không giống mâm cỗ cổ truyền ngoài Bắc nữa”, nữ diễn viên phim “Nụ tầm xuân” chia sẻ.
Với NSND Tự Long thì anh không thể quên được mâm cỗ ngày Tết: “Bây giờ, tôi mới biết mâm cỗ ngày Tết của miền Nam có thêm rất nhiều loại bánh, loại canh, đặc biệt là canh khổ qua. Ngoài Bắc, về cơ bản là có hai thứ canh, đó là canh bóng và canh măng. Giờ có thêm canh nữa là bát mọc, có miến.
Tùy thuộc kinh tế từng gia đình mà có nhà bày 5 đĩa, nhà 7 đĩa. Tôi là con lớn trong gia đình nên về cơ bản những việc này, tôi cũng nắm được... Cái tiết trời của lúc ấy, mùi hương lúc bấy giờ, sự đông đúc của gia đình tạo nên không khí đầm ấm không thể quên.”
Còn ca sĩ Châu Gia Kiệt lại có suy nghĩ khác trước mâm cỗ cúng đêm giao thừa: “Trước, tôi toàn ăn Tết... ngoài đường, ăn ké tại nhà bạn bè. Năm vừa rồi, được ăn Tết chung với gia đình, tôi cảm thấy vui lắm. Tôi suy nghĩ trong lòng là từ nay về sau, vào dịp Tết, tôi sẽ không đi đâu hết. Ba mất rồi, còn mình mẹ, cho nên tôi muốn ăn Tết cùng mẹ, chăm sóc mẹ...”. Lời chia sẻ của nam ca sĩ khiến mọi người càng xúc động hơn trong những ngày cận Tết.
Nguyễn Hằng