“Cái tôi” ngôi sao tạo sóng dư luận

Có lẽ, chưa khi nào “cái tôi” của những người được gọi là “người của công chúng” lại tạo nên cơn sóng dư luận nhiều như hiện giờ với những phát ngôn “cá tính” không phân biệt ngôi thứ. Họ sẵn sàng dùng lời lẽ không đẹp để hạ bệ nhau, giành lấy phần thắng, ít nhất trong cái họ tự gọi là “sự tự trọng” của một ngôi sao.

Khán giả khó chấp nhận nhiều giá trị trong làng giải trí đang bị đảo ngược, đúng hơn là showbiz không còn ranh giới giữa thầy - trò, người trước - kẻ sau trên một “mặt phẳng” ngang hàng nhau.


Trang Trần. Ảnh: TL

Trang Trần. Ảnh: TL

Những cuộc chiến “nảy lửa” đáng buồn

Có một “tiền lệ” cho lớp nghệ sĩ đi sau sẵn sàng “tuyên chiến” với những đàn anh, đàn chị, thậm chí bậc cha chú để làm rõ vấn đề đúng /sai trong một vài phát ngôn có tính đụng chạm.

Khán giả vẫn chưa quên “cuộc chiến” giữa ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Từ những phát biểu của nhạc sĩ “Tình khúc chiều mưa”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rất bực mình và đưa ra nhiều phát ngôn không ngần ngại khẳng định vị trí của anh ở thời điểm hiện tại với người nhạc sĩ - có thể nói anh đã từng rất tôn trọng và yêu quý: Năm 2013, khi bị so sánh với Diva Thanh Lam, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã cho rằng cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử” và thấy rằng, anh phải lên tiếng vì giá trị, vị trí và tài năng của chính mình.

Mới đây, công chúng cũng một phen xót xa cho hai thế hệ nghệ sĩ trong một “cuộc chiến” trong một chương trình truyền hình: Đó là cái “đập bàn” quay lưng của nghệ sĩ Trung Dân với phát ngôn “vô tư” của ca sĩ Hương Giang Idol. Chứng kiến sự việc, công chúng đặt ra câu hỏi, liệu có còn ranh giới, phân biệt giữa các lớp nghệ sĩ nữa hay không?

Lùm xùm giới nghệ chưa thực sự dừng lại, khi cuối tháng 5, nghệ sĩ Xuân Hương, ca sĩ Pha Lê, người mẫu Trang Trần vướng vào cuộc cãi vã đáng buồn. Khi ca sĩ Pha Lê đưa ra ý kiến của mình về Hương Giang Idol và nghệ sĩ Trung Dân, nghệ sĩ Xuân Hương tỏ ra không mấy hài lòng, đưa ra ý kiến nên xem lại lớp nghệ sĩ trẻ sau này.

Tiếp sau đó, trong một comment trên video clip trực tiếp của người mẫu Trang Trần trên facebook, comment được cho là từ facebook nghệ sĩ Xuân Hương cho rằng cô người mẫu này “Vô văn hóa”. Ngay đó, Trang Trần không ngần ngại buông lời chửi bới với những từ ngữ thô tục. Đến thời điểm này phía nghệ sĩ Xuân Hương đã đưa ra ý kiến có thể sẽ kiện vì sự xúc phạm vừa qua. Những phát ngôn hoàn toàn mang tính cá nhân của người mẫu Trang Trần trên facebook cá nhân, nhưng khi đến với công chúng, thì đó là liều “thuốc độc” đủ giết chết hình ảnh của cô trong lòng công chúng.

Thiếu vắng những cuộc chiến “vị nghệ thuật”

Liệu trong nhiều dự án, người trong nghề - những nghệ sĩ, “ngôi sao” có biết tự đặt cho mình câu hỏi, họ đang làm việc “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh”? Hay chỉ đơn thuần vì lợi nhuận? Lợi nhuận ở đây có nhiều khía cạnh, đó là sự nổi tiếng dành cho ai, doanh số có đạt kỷ lục hay không và ai là kẻ mạnh kẻ yếu? Thay vì để những dự án nghệ thuật lên tiếng tự thân thu hút khán giả, thì họ, lại bằng tất cả chiêu trò của showbiz, lôi kéo công chúng tìm đến với sự tò mò, hiếu kỳ vì sự “dơ bẩn” tranh cãi, hơn là giá trị đẹp đẽ.

Đương nhiên, không một nhà sản xuất, hay nghệ sĩ nào tự nhận, rằng cách làm của họ là không đúng, không “vị nghệ thuật” nhưng khi bước vào cuộc đua “lợi nhuận”, ranh giới mong manh ấy đôi khi không còn ý nghĩa gì.

Nguồn cơn để ca sĩ Hương Giang Idol nảy ra cuộc chiến với nghệ sĩ Trung Dân có phải chính là điều mà các chương trình truyền hình theo đuổi hiện nay, chính là yếu tố gây sốc, gây cười và gây nên sự “phẫn nộ” của công chúng?

Liệu có bao giờ, những nghệ sĩ trẻ nhìn vào đóng góp của họ trong đời sống văn nghệ quần chúng nói riêng, và nghệ thuật nói chung, mà tự đánh giá vị trí của mình? Hay chỉ hài lòng với những tiếng reo hò của fan?

Và chính trong “tâm bão” ấy, đã thực sự nảy sinh một cuộc thay đổi và “quay đầu” của không ít nghệ sĩ, nhà sản xuất chương trình để mong tìm lại những giá trị thời gian gần đây, chúng ta cùng nhau vô tình đánh mất.

Có những nghệ sĩ, như ca sĩ Phạm Thu Hà, trong khi thời đại nhạc số bùng nổ, ca sĩ đua nhau làm MV hơn là phát hành một CD truyền thống, thì cô vẫn âm thầm thực hiện và phát hành đĩa than những tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy.

Hay, ca sĩ Quang Dũng không ngại chịu lỗ, chịu thiệt để thực hiện Live show “Giấc mơ mang tên mình” đúng nghĩa của một live show âm nhạc vốn rất hiếm hoi hiện nay.

Hay với chương trình Làn sóng xanh, để đổi mới và đưa đến công chúng một bảng xếp hạng thực sự sát với người nghe nhất, năm 2018 này, con số 20 năm lên sóng sẽ chứng minh cho cuộc theo đuổi thực sự khó khăn để tồn tại lâu như vậy của một chương trình phát thanh.

Vẫn còn rất nhiều những dự án nghệ thuật đâu đó còn theo đuổi con đường tạm gọi là “truyền thống”, xưa cũ và “lạc nhịp” so với dòng chảy xiết của lớp nghệ sĩ hãnh tiến, cao ngạo đầy quyền năng và ma lực từ hào quang của sự nổi tiếng.

Đã có người hài hước chua cay mà thốt lên: Phải chăng, đã đến lúc chúng ta thôi nói về nghệ thuật đơn thuần? Giá trị đó không còn bền vững vì sự cạnh tranh quá khốc liệt. Thiếu cơ hội cho những kẻ yếu thế, cái gọi là nghệ thuật hiện nay của chúng ta chỉ cần lắm mưu mẹo, scandal mới đủ sức lan tỏa đến công chúng, số đông…

Liệu đây có phải là sự khủng hoảng của một làng giải trí chưa hội đủ các yếu tố để phát triển, mà công chúng đã kỳ vọng quá nhiều với lớp nghệ sĩ mới - khi họ chưa sẵn sàng để tiếp nhận trọng trách khó khăn, làm đẹp và giàu hơn những truyền thống sáng tạo đẹp đẽ?

Cuộc chiến “làm sạch” giới nghệ sẽ còn gay gắt hơn nữa, quy luật đào thải liệu có đủ sức thanh lọc lớp nghệ sĩ mới sau này?

Thiết nghĩ, công chúng tự nâng cao thẩm mỹ của mình cũng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này.

Nhân danh nhiều thứ, lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay có nhiều người tự cho mình cái quyền nói năng thoải mái, không cần đắn đo, thậm chí trái tai, hỗn hào, cứ phát ngôn để làm sao công chúng nhìn thấy “cái tôi” bất khả xâm phạm của họ là như thế nào.

Theo Minh Huyền
Lao Động