Cải thiện "trí tuệ xúc cảm" để thành công hơn
(Dân trí) - Chuyên gia tâm lý người Mỹ Farah Harris giải thích tại sao chúng ta nên cải thiện "trí tuệ xúc cảm" (EQ) trong năm 2021 này.
Mặc dù năm 2020 vừa qua là một năm đầy những biến động bất ngờ, tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta vẫn đang lặng lẽ suy nghĩ về những điều mong muốn đạt được trong năm 2021 này.
Năm vừa qua đã dạy chúng ta một số bài học khó, nhưng nó cũng giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc tự đánh giá và xem lại cách sống của bản thân.
Vì vậy, chúng ta có thể tận dụng các kỹ năng và sức mạnh mà trí tuệ xúc cảm mang lại nhằm cải thiện cách sống theo chiều hướng mà chúng ta mong muốn trong năm 2021 này.
Dưới đây là 4 gợi ý để bạn có thể sử dụng năng lực trí tuệ cảm xúc của mình nhằm có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tự nhận thức về công việc
Bạn có thường dành thời gian trong ngày để suy nghĩ về bản thân và cảm xúc của mình hay không? Bạn có tự hỏi bản thân những câu hỏi đơn giản như: Tôi cảm thấy thế nào khi thực hiện nhiệm vụ này? Bạn có thể nhận ra điều mà bạn muốn hoặc không muốn làm trong năm tới.
Với những việc mà bạn có thể hoàn toàn không có hứng thú, bạn có thể ủy thác chúng cho người khác hoặc yêu cầu hỗ trợ nếu chúng không phù hợp với thế mạnh của bạn hay không? Đôi khi, đó không chỉ đơn giản là sự thích thú, mà quan trọng hơn là năng lượng tinh thần cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hành việc tự nhận thức sẽ cho phép bạn nhận ra khoảng thời gian nào trong ngày mà bạn có nhiều năng lượng nhất và do đó có thể lên lịch để thực hiện những công việc khó khăn hơn trong những khoảng thời gian đó.
Bạn có thể muốn sử dụng bộ não của mình một cách tối ưu để những lần tự nhận thức bản thân đó trở thành những khoảnh khắc vàng giúp bạn đạt được điều mình muốn một cách hiệu quả hơn.
Cảm xúc hiện tại của bạn về vị trí công việc, con người xung quanh và quy trình làm việc là như thế nào?
Khả năng đánh giá riêng lẻ hay toàn bộ những yếu tố trên sẽ giúp bạn định hướng được việc bản thân có cần phải thay đổi nhóm, phòng ban hay công ty hay không.
Thường xuyên ý thức về bản thân sẽ giúp bạn trở nên chú tâm hơn, thu thập những phản hồi về mặt cảm xúc và nhận thức nhằm giúp định hướng các hoạt động và quyết định trong ngày của bạn.
Tự nhận thức về các hoạt động của bản thân
Tương tự như sử dụng khả năng tự nhận thức để đánh giá tốt hơn cảm xúc trong công việc, bạn có thể sử dụng kỹ năng này để đánh giá các hoạt động hàng ngày trong cuộc sống của mình.
Liệu có hoạt động nào đang tiêu tốn quá nhiều thời gian và năng lượng của bạn không? Lưu ý rằng có thể có những hoạt động mà bạn cho là tích cực, tuy nhiên, hãy chủ động nhận biết xem khoảng thời gian dành cho những hoạt động này có phù hợp hay không.
Liệu bạn có đủ năng lực để thực hiện các hoạt động này không? Chúng có nằm trong danh sách ưu tiên của bạn không, hay chúng sẽ khiến bạn cảm thấy quá mệt mỏi khi phải cố gắng làm quá nhiều việc một lúc? Hãy nhớ rằng đôi khi cố gắng làm quá nhiều điều tốt cũng có thể dẫn đến kết quả xấu.
Tự nhận thức về quan hệ với những người khác
Việc tự nhận thức bản thân cũng áp dụng cho các mối quan hệ. Ai là người có thể giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và ai làm bạn cảm thấy kiệt sức?
Thông thường, chúng ta giữ quan hệ với một số người lâu hơn mức cần thiết. Chúng ta thường bỏ lỡ những dấu hiệu cảnh báo đỏ vì chúng ta đã không sống chậm lại để thật sự nhìn lại bản thân và mối quan hệ.
Mặc dù có thể chúng ta đang bị làm tổn thương, nhưng để giữ hòa khí, chúng ta sẽ nhanh chóng gạt bỏ cảm xúc của chính mình và bỏ qua những dấu hiệu cảm xúc trong nội tâm.
Trong năm nay, hãy chọn cách nâng đỡ những xúc cảm của bản thân, thay vì bỏ bê bản thân. Việc dám nói ra cảm xúc của bạn sẽ cho bạn sự rõ ràng về những ranh giới mới để giữ lại cái tốt đẹp và loại bỏ cái xấu hại trong các mối quan hệ của mình.
Tự nhận thức thông qua chính bản thân mình
Đối diện với chính mình đôi lúc không hẳn là một việc thoải mái vì điều đó có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với sự thật về con người mình. Tuy nhiên, hãy thực sự nhìn lại chính mình một đôi khi, bởi đó là điều cần thiết.
Bạn có những thói quen nào giúp ích hay có hại cho chính mình? Hãy quan sát cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và bày tỏ trong suốt một ngày. Hãy nhờ ai đó mà bạn tin tưởng đưa ra những phản hồi. Bạn càng nhận thức rõ mình là ai, bạn càng có thể là chính mình một cách tốt đẹp nhất.
Chúng ta có thể tạo ra sự liên kết giữa công việc và cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn, khi chúng ta sử dụng trí tuệ cảm xúc như một phần định hướng. Đơn giản bằng cách nâng cao năng lực nhận thức về bản thân, chúng ta có thể giảm bớt những tác nhân gây căng thẳng không cần thiết và cảm thấy hài lòng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.