Cách ứng xử tuyệt vời của hai bà mẹ có con bị trao nhầm tại bệnh viện
(Dân trí) - Hai bé gái bị trao nhầm tại bệnh viện khi vừa chào đời. 3 năm sau, bằng linh tính người mẹ, sự việc được phát hiện. Câu chuyện có thật đã được viết thành sách và chuyển thể lên phim.
Hai bé gái từng bị trao nhầm tại một bệnh viện ở Sicily, Ý, đến nay, hai bé gái đều đã trưởng thành, họ là hai cô gái vui tươi, ngập tràn năng lượng, vẫn liên lạc gắn bó với nhau như thể chị em ruột, hai gia đình cũng vẫn giữ mối quan hệ gần gũi như họ hàng ruột thịt.
Hai cô gái có tên Caterina Alagna và Melissa Fodera ra đời chỉ cách nhau 15 phút tại một bệnh viện ở Mazara del Vallo, Sicily, Ý, vào đêm ngày 31/12/1998. Khi ấy, các nữ y tá khoa sản đang phấn khích với những hoạt động chào đón năm mới diễn ra tại khoa và đã có sự nhầm lẫn xảy ra. Sau 3 năm, một trong hai người mẹ - chị Marinella tình cờ gặp cô bé Caterina ở trường mẫu giáo...
Khi ấy, hai bé Caterina và Melissa đã lên 3 tuổi, bằng linh tính của một người mẹ, chị Marinella Alagna (hiện 51 tuổi) lờ mờ nhận ra điều bất thường. Một hôm, chị Marinella đi đón con gái Melissa ở trường mẫu giáo thì bất ngờ nhìn thấy cô bé Caterina, chị giật mình bởi trông cô bé rất giống với hai cô con gái lớn của chị khi còn nhỏ.
Sau quá trình đối thoại thẳng thắn với gia đình của cô bé Caterina, hai gia đình đi đến thống nhất về việc sẽ tiến hành xét nghiệm DNA, kết quả nhận được đã khiến cả hai người mẹ bàng hoàng, bởi điều nghi ngờ của chị Marinella hóa ra là đúng.
Chị Marinella Alagna nhớ lại: "Khi tôi gặp mẹ của Caterina khi ấy - chị Gisella Fodera (hiện 47 tuổi), tôi nhận ra chị ấy ngay, bởi đó chính là người phụ nữ đã cùng sinh con với tôi ở một thời điểm tại bệnh viện, tôi đã ngay lập tức chia sẻ những nghi ngờ. 15 ngày sau, chúng tôi quyết định thực hiện xét nghiệm DNA và khi nhận được kết quả, đầu óc tôi trở nên trống rỗng".
Ban đầu, cả hai người mẹ đều cảm thấy rất khó khăn với quyết định nhận lại con ruột, bởi họ đã rất gắn bó với đứa trẻ mà họ đã chăm sóc trong 3 năm qua. Nhưng khi dần bình tĩnh lại, cả hai người mẹ đã đi đến thống nhất rằng cả hai bên, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ, đều cần có thời gian để thích nghi.
Cả hai gia đình cùng chuyển vào sống trong một căn nhà, để hai bên cha mẹ và hai đứa trẻ dần làm quen với nhau mà không cần phải chịu đựng những cú sốc không cần thiết.
Để hai cô bé không trải qua chấn động và để hai người mẹ không tan nát cõi lòng trong lúc nhận lại con ruột, hai người mẹ đã gặp gỡ bác sĩ tâm lý để được tư vấn.
Từng bước đi của hai gia đình trong việc nhận lại con đều có sự tư vấn của chuyên gia tâm lý. Sau đó, đến một thời điểm, chuyên gia đề nghị hai gia đình trở lại cuộc sống bình thường, và cần có ít nhất 6 tháng không liên hệ lại với bé gái mà họ từng nuôi trong suốt 3 năm đầu đời. Điều này nhằm mục đích giúp hai bé gái thực sự "lãng quên" gia đình cũ và thích ứng với gia đình mới.
Một trong hai người mẹ - chị Marinella Alagna cho hay: "Chúng tôi - hai người mẹ - ngày ngày gọi điện thoại cho nhau và khóc trong điện thoại.
Khi 3 tháng trôi qua, chúng tôi quyết định rằng mình không thể chịu đựng nổi thêm nữa, chúng tôi sẽ vẫn gặp mặt và sẽ không bao giờ bước ra khỏi cuộc sống của nhau, sẽ mãi duy trì liên hệ. Sau đó, tôi vẫn gặp lại bé Melissa mỗi ngày, tại sao không chứ? Tôi đã nuôi nấng bé bằng dòng sữa của mình, tôi đã dạy bé nói những từ đầu tiên".
Sau này, hai bé gái nhận được sự quan tâm, yêu thương của hai người mẹ, hai gia đình, họ lớn lên như hai chị em ruột.
Về phần hai người mẹ, họ quyết định nhận lại con ruột, nhưng không bao giờ có ý định cắt đứt quan hệ với đứa trẻ mà mình đã chăm bẵm như con ruột trong suốt 3 năm đầu đời.
Kể từ đó về sau, mối quan hệ thân tình giữa hai gia đình được gây dựng, hai người mẹ trở thành hai người bạn thân, hai bé gái dù không có quan hệ huyết thống nhưng thân thiết như hai chị em gái.
Hai gia đình cũng quyết định sẽ chỉ thay đổi tên họ của con sau khi nhận lại con, còn tên gọi vốn được đặt từ lúc mới ra đời vẫn được giữ nguyên. Qua thời gian, Caterina và Melissa đều đã thực sự gắn bó với gia đình ruột thịt của mình, nhưng họ cũng coi gia đình đã từng nuôi nấng mình trong 3 năm đầu đời như gia đình thứ 2.
Câu chuyện có thật này đã được tác giả Mauro Caporiccio kể lại trong cuốn "Sisters Forever" (Mãi mãi là chị em). Cuốn sách sau đó đã được chuyển thể thành phim và sắp chiếu trên truyền hình Ý trong tháng 9 này.