Cách ly toàn xã hội sẽ thay đổi những chuyện phim điện ảnh như thế nào?
(Dân trí) - Nếu đưa yếu tố thời sự hiện nay vào những bộ phim điện ảnh kinh điển, thì chuyện phim sẽ thay đổi “ngoạn mục”.
Trong thời điểm hiện nay, khi cách ly toàn xã hội đang được áp dụng tại nhiều quốc gia, chúng ta bắt đầu thay đổi cách xem phim của mình. Nhiều người bắt đầu liên tục nhìn ra những khoảnh khắc khi các nhân vật trong phim không “tuân thủ” theo những yêu cầu của nhà chức trách và chuyên gia y tế về việc… giữ khoảng cách hay tránh tập trung đông người.
Chúng ta đang trải qua một thời điểm khó khăn, cuộc sống đang có những khoảnh khắc lạ lùng nhất từng thấy trong trải nghiệm của mỗi người.
Những điều vốn rất bình thường và quen thuộc trong những khuôn hình điện ảnh trước đây bỗng trở nên “lấn cấn” trong bối cảnh cách ly vì dịch bệnh. Nhiều bộ phim vốn được yêu thích nay sẽ được người xem quan sát qua một góc nhìn rất khác.
Dưới đây là những giả thuyết về các chuyện phim điện ảnh sau khi đem áp dụng yếu tố thời sự về cách ly toàn xã hội:
Jaws (Hàm cá mập - 1975): Không ai đi ra bãi biển cả, vì đang cần phải cách ly toàn xã hội, lũ cá mập trong phim sẽ... chết vì đói.
Up (Vút bay - 2009): Bộ phim chuyển sang thể loại kinh dị, kể về một ông cụ đang tự cách ly tại nhà bỗng bị một cậu bé nghịch ngợm tìm đến, và cậu bé này còn... không biết rửa tay đúng cách.
Rocky (Tay đấm huyền thoại - 1976): Bộ phim kể về một võ sĩ quyền anh trẻ tuổi chưa được biết đến, anh ta đang vật lộn với những khó khăn để gây dựng sự nghiệp trong một thế giới giờ chỉ còn biết đến những sự kiện theo dõi trực tuyến.
Sleeping Beauty (Người đẹp ngủ trong rừng - 1959): Nàng công chúa sẽ ngủ mãi bởi hoàng tử không muốn mạo hiểm sức khỏe khi hôn một người xa lạ.
Requiem for a Dream (Lễ cầu hồn cho một giấc mơ - 2000): Giấc mơ duy nhất quan trọng bây giờ là... có thể cùng nhau vui chơi, giải trí mà không cần lo ngại về dịch bệnh.
Titanic (1997): Giờ đây người ta không còn tranh cãi về việc nàng Rose đáng lẽ đã có thể cứu sống chàng Jack nếu hai người thu xếp để có thể cùng ở trên tấm ván, bởi lúc này, mọi người đều phải thừa nhận tấm ván không đủ để Jack và Rose thực hiện việc giữ khoảng cách... 2 mét.
The Silence of the Lambs (Sự im lặng của bầy cừu - 1991): Nhân viên điều tra tập sự Clarice Starling đến gặp Hannibal Lecter không phải bởi muốn ông giúp hỗ trợ điều tra, mà bởi cô cần được biết những “bí quyết” để có thể sống cách ly dài lâu mà vẫn... tỉnh táo bình thường.
The Lion King (Vua sư tử - 1994): Mặt trời lên, muông thú hướng về mỏm đá kiêu hãnh Pride Rock. Bác khỉ Rafiki trèo lên mỏm đá, các loài động vật cúi đầu tôn kính, bác khỉ Rafiki một tay bế sư tử con Simba, một tay cầm điện thoại thông minh để truyền tin qua “livestream”, cập nhật tin mới cho muôn loài trong khu rừng.
Brief Encounter (Cuộc gặp ngắn ngủi - 1945): Phim được chuyển thành “No Encounter” (Không gặp gỡ).
Inside Man (Điệp vụ kép - 2006): Tên phim giờ được chuyển thành “Stay Inside Man” (Người đàn ông ở trong nhà).
Toy Story (Câu chuyện đồ chơi - 1995): Tên phim giờ chuyển thành “Germ Story” (Câu chuyện vi khuẩn) - đề tài mà mọi người đều quan tâm.
Fight Club (Sàn đấu sinh tử - 1999): Nguyên tắc đầu tiên của “Fight Club” là hát Happy Birthday hai lần trong khi rửa tay sạch sẽ. Mọi bức bối giờ được giải tỏa trong lúc rửa tay.
Dangerous Minds (Nhận thức nguy hiểm - 1995): Cô giáo LouAnne Johnson sẽ giúp trông nom, dạy dỗ những em học sinh phải lưu lại trường trong thời gian cha mẹ của các em tham gia tuyến đầu chống dịch.
It’s a Wonderful Life (Cuộc sống tươi đẹp - 1946): George Bailey sau khi được nhìn thấy những viễn cảnh giả tưởng của một đời sống không có sự tồn tại của mình, bỗng mất hết ý định tự tử, anh chạy về nhà để ở bên gia đình mà anh vô cùng yêu thương. Nhưng lúc này, họ không thể để anh vào nhà vì mọi người đang cách ly, anh buộc phải ở tạm trong gara cho tới khi lệnh cách ly kết thúc.
Psycho (Tâm thần hoảng loạn - 1960): Người phụ nữ trong phim sẽ được tắm… bình an, không có chuyện gì xảy ra cả, bởi gã tâm thần trong phim cũng sợ tiếp xúc với người lạ giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Castaway (Một mình trên hoang đảo - 2000): Nghiêm túc thực hiện việc rửa tay sạch sẽ, người đàn ông bị mắc kẹt trên hoang đảo sẽ không thể tạo nên nhân vật Wilson trên trái bóng, nên anh ta sẽ chết vì... buồn.
The Social Network (Mạng xã hội - 2010): Câu chuyện xoay quanh việc tạo ra những ứng dụng mạng xã hội để đáp ứng mọi nhu cầu kết nối của người dùng.
When Harry Met Sally (Khi Harry gặp Sally): Thời điểm này không ai còn gặp ai để... giao lưu nữa.
The Sound of Music (Giai điệu hạnh phúc - 1965): Chỉ vừa mới bắt đầu tung tăng ca hát trên đỉnh đồi, Maria von Trapp đã bị cảnh sát nhắc nhở bởi nhảy múa hát ca ngoài không gian công cộng không được xem là “di chuyển cần thiết” giữa bối cảnh dịch bệnh.
Gravity (Cuộc chiến không trọng lực - 2013): Nữ phi hành gia Ryan Stone (Sandra Bullock) tận hưởng thời gian lưu lại trong không gian vũ trụ và cảm thấy an tâm hơn bao giờ hết.
Back to the Future (Trở về tương lai - 1985): Cậu thanh niên Marty McFly và nhà khoa học Emmett Brown cùng nhau thực hiện một cỗ máy thời gian để có thể quay về đúng thời điểm tháng 1/2020, cảnh báo cho mọi người những biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn lây lan bệnh dịch Covid-19.
All Is Lost (Mất tất cả - 2013): Người đàn ông một mình phiêu lưu ngoài đại dương, ông ta phải vật lộn với hoàn cảnh nguy cấp của mình. Con tàu đã hỏng, thực phẩm hết dần, rồi ông vô tình khiến con tàu bốc cháy lúc đang nỗ lực kêu gọi sự cứu giúp. Khi buộc phải nhảy xuống biển và biết rằng đây có thể là giây phút cuối cùng trong cuộc đời mình, ông thấy một cánh tay chìa ra trên mặt nước để cứu ông. Lúc này, người đàn ông lại lo lắng vì không biết bàn tay kia có... sạch không.
Before Sunrise (Trước lúc bình minh): Một người đàn ông Mỹ và một người phụ nữ Pháp quen biết và kết nối với nhau thông qua... ứng dụng hẹn hò trực tuyến, khi hai người đang tự cách ly tại nhà.
Oldboy (Báo thù - 2003): Một người đàn ông bị bắt cóc và buộc phải sống trong cảnh biệt lập suốt 15 năm, nhưng người đàn ông này sẽ không truy tìm những kẻ đã bắt cóc mình để trả thù, mà ngược lại, anh ta muốn... cảm ơn họ.
Bích Ngọc
Theo The Guardian