Các nhà hát sẽ kiếm nguồn thu từ đâu khi triển khai nhà hát online?
(Dân trí) - Đó là câu hỏi và cũng là nỗi trăn trở của nhiều nhà hát trước ý tưởng xây dựng nhà hát online (nhà hát trực tuyến) của Bộ VHTT&DL.
Giải pháp cần thiết và hữu ích để “cứu” sân khấu giữa thời dịch bệnh?
Vì đặc thù của sân khấu truyền thống là khi biểu diễn phải có khán giả nên dịch Covid-19 tái bùng phát đã khiến nhiều nhà hát phải hoãn, huỷ chương trình biểu diễn. Đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn thu và không có cơ hội được làm nghề.
Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông đã có cuộc họp với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc triển khai xây dựng nhà hát Online trong thời gian tới. Đây được xem là một giải pháp cần thiết và hữu ích để “cứu” các nhà hát giữa thời dịch bệnh, đồng thời cũng đưa nghệ thuật biểu diễn tiệm cận đến thời đại công nghệ số.
Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, việc xây dựng “nhà hát online” không chỉ đơn thuần đưa những chương trình có sẵn mà sẽ xây dựng những chương trình mới, phù hợp để phát trên các nền tảng số. Những tác phẩm được lựa chọn cũng nằm trong danh sách tác phẩm kinh điển, có sức nặng và khả năng tạo được tiếng vang. Từ đó, mô hình này sẽ thu hút được sự tương tác của khán giả đối với các sản phẩm sân khấu, lôi kéo mọi người đến nhà hát nhiều hơn và là một hình thức quảng bá hiệu quả.
Một ưu điểm khác của nhà hát online là đảm bảo được công tác lưu trữ. Nhờ đó, những tác phẩm kinh điển sẽ sống mãi trong lòng những người yêu nghệ thuật, tránh khỏi tình trạng bị rơi rụng, không lưu trữ được sự chuẩn mực trong dàn dựng vở diễn, diễn xuất của nghệ sĩ.
NSND Nguyễn Quang Vinh - Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nhấn mạnh, mục tiêu trong giai đoạn này là hỗ trợ các đơn vị trung ương khi dịch bệnh đang khiến đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề cần giải quyết nhanh chóng bao gồm: Xây dựng kế hoạch trình lãnh đạo Bộ xem xét, phối hợp làm việc các kênh truyền thông, tìm các nguồn hỗ trợ xã hội, lựa chọn những địa điểm thu phát, xây dựng phương án thuê đơn vị hỗ trợ kĩ thuật, xây dựng dự kiến phát sóng…
Trăn trở về hạ tầng kỹ thuật và nguồn thu
NSƯT Sỹ Tiến - PGĐ Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, ý tưởng xây dựng nhà hát online là rất tốt nhưng việc đưa sân khấu truyền thống lên phát trên nền tảng số không hoàn toàn phù hợp.
“Sân khấu là phải có khán giả vì nghệ sĩ phải có khán giả, được tương tác với khán giả mới thực sự thăng hoa. Khán giả cũng quen với hình thức xem trực tiếp, nếu xem sân khấu online thì thà xem truyền hình còn hay hơn. Vì cách cắt dựng, góc máy của truyền hình chuyên nghiệp nên tạo ra sản phẩm đẹp hơn rất nhiều”, NSƯT Sỹ Tiến bày tỏ.
Theo NSƯT Sỹ Tiến, Nhà hát Tuổi trẻ có rất nhiều tư liệu sân khấu nhưng không thể đưa lên phát online được. Vì đây là những đoạn video được quay theo dạng ghi lại tư liệu. Bây giờ muốn đưa lên phát trực tuyến gần như phải dựng lại từ đầu.
“Nếu không khéo, việc đưa các tư liệu kia lên lại tạo ra tác dụng ngược. Người ta lại bảo “Ôi, tưởng sân khấu thế nào chứ sân khấu thế này thà xem phim truyền hình còn hơn”. Thực sự, chúng ta vẫn đang lúng túng về hạ tầng kỹ thuật. Xem mô hình nhà hát online của một số nhà hát trên thế giới mới thấy mức độ đầu tư hạ tầng của họ lớn đến tầm nào. Chúng ta rất khó để bắt kịp họ trong vấn đề này.
Ngoài ra, việc phát trên nền tảng số thì nguồn thu sẽ được thực hiện như thế nào? Các nghệ sĩ lập các kênh youtube cá nhân, hấp dẫn khán giả bằng những tiểu phẩm thú vị để kiếm nguồn thu còn có phần khả thi. Nhưng với các nhà hát quốc gia thực hiện nhiều chức năng chính trị thì việc này rất khó. Tôi sợ sẽ không đủ lượng view (truy cập) để kiếm được tiền từ youtube. Đây là một bài toán cần thời gian để làm các phép tính về hạ tầng, kỹ thuật và nội dung”, NSƯT Sỹ Tiến nói thêm.
NSƯT Trần Ly Ly - GĐ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cũng trăn trở về việc đưa sân khấu truyền thống lên phát trực tuyến. Theo Trần Ly Ly, các loại hình như ca nhạc, xiếc, sân khấu truyền thống… thì còn có thể tách từng tiết mục nhỏ hoặc ghi lại những trích đoạn đặc sắc mà đưa lên phát trực tuyến. Nhưng với kịch nói, nhạc vũ kịch… thì việc này quả rất khó bởi nó là một vở diễn xuyên suốt. Nếu chỉ xem một đoạn khán giả sẽ không hiểu gì mà đem vở diễn mấy tiếng đồng hồ lên mạng sẽ rất khó.
Bên cạnh đó, khán giả đến xem trực tiếp họ còn cảm nhận được chiều sâu của sân khấu, sự tương tác với khán giả và các hoạt động bên lề vở diễn. Nếu đưa lên phát trực tuyến thì làm sao đủ hạ tầng kỹ thuật để tạo ra sức hấp dẫn cho một vở diễn là điều chưa ai nhìn thấy.
“Một vấn đề rất đáng bàn nữa là các nhà hát sẽ kiếm nguồn thu từ đâu khi triển khai nhà hát online. Ngân sách nhà nước chi cho nhà hát chỉ đủ để xây dựng vở diễn, còn quảng bá vở diễn, duy trì các hoạt động vở diễn lại phải kiếm nguồn thu từ bên ngoài. Bây giờ nếu phát trực tuyến mà không có nguồn thu thì nhà hát sẽ sống bằng kiểu gì? Tôi cho rằng, nhà hát online chỉ có thể là một giải pháp tạm thời chứ không thể về lâu dài được”, NSƯT Trần Ly Ly bộc bạch.