Ca sĩ Tùng Dương: Làm sao sống được bằng nước lã + khí trời?
Trong thời kỳ “mọi thứ đều ế ẩm” hiện nay, Tùng Dương hát tình ca đắt khách ngoài dự đoán của chính chủ nhân, âu cũng là một chuyện lạ.
Không phải cứ “lên đồng” mới là Tùng Dương
Nếu kiếm được tiền mà vẫn bảo đảm chất lượng thì ai chẳng muốn! Làm sao sống được bằng nước lã + khí trời? Nghệ sĩ có lòng tự trọng thì trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không được phép làm ẩu. Họ phải đảm bảo và giữ gìn hình ảnh của mình. Tôi hát tình ca, cũng phải chọn những tác phẩm phù hợp và có ý tưởng rõ ràng, là những thứ tôi có thể làm được mà không bị quá xa lệch với phong cách mà mình đã lựa chọn.
Cũng lãng mạn chứ. Hơn nữa được fan lớn tuổi yêu quý mình như vậy thì cũng đáng để suy nghĩ. Nhưng tôi làm gì cũng theo ý thích của mình trước tiên. Sự lãng mạn luôn ở trong con người tôi, song cũng chia ra làm nhiều trạng thái khác nhau để biểu cảm: Có lúc khắc khoải, có lúc mê đắm, lúc mạnh mẽ nhưng cũng có lúc yếu đuối... Chị biết không, Karl Marx thời thơ ấu đã từng mang vào phòng ngủ của mình một chậu nước to, sau đó gấp thuyền giấy và thả vào chậu nước, ông cho rằng đó là biển... Đừng nghĩ rằng Karl Marx chỉ là con người của triết học và học thuyết, cứ đọc những bức thư tình gửi Jenny thì biết ngay sâu thẳm con người ông là một tâm hồn nghệ sĩ...
Người hát thì phải có người xem. Tôi chưa “xạo” đến mức phải nói rằng “dù chỉ có một khán giả tôi cũng hát“. Tuy nhiên điều tôi lo sợ nhất lại là những khâu tổ chức cho show như âm thanh, ánh sáng, trang phục... Nếu mọi khâu đều ổn thì tôi tự tin để hát rồi.
Chứ không phải lo không bán được vé?
Nếu cứ chỉ chăm chăm lo chuyện vé bán được bao nhiêu thì chẳng bao giờ dám làm show cả... Tình trạng xấu nhất có thể nếm mùi thất bại, ai ai cũng phải trải qua những giai đoạn ấy. Có thất bại thì mới “khôn” ra, mới “lớn lên” được! Đã đến lúc không thể dại mãi được… Nhưng thôi, nghệ sĩ thì nửa dại, nửa khôn... thế mới là nghệ sĩ, cứ vậy đi có khi ông Trời lại thương.
Thế lần này, chuyện tiền nong, kinh phí cho đêm diễn có… đùa với Tùng Dương?
Vẫn phải giật gấu vá vai thôi! Cũng không dư dả được nhiều đâu.
Nghe nói anh có nghề kinh doanh tay trái, kinh doanh thời trang thì phải? Gu thời trang của anh độc và lạ thế, chắc kinh doanh thời trang cũng sẽ hấp dẫn, biết đâu lại trở thành một kiểu Victoria Beckham của Việt Nam?
Điều này thì chị nhầm hoàn toàn. Cuộc sống của tôi đầy những chuỗi ngày “chân không chạm đất”, trong đầu lúc nào cũng văng vẳng tiếng nhạc, đôi khi tôi như chìm vào thế giới của riêng mình, phải có người kéo ra... Trời mà cho Tùng Dương cái khả năng kinh doanh ấy thì kiểu gì chuyên môn của tôi cũng... gặp vấn đề. Kinh doanh thời trang ư? Chắc chị nhầm tôi với “nghệ sĩ” khác rồi!
Vẫn… “sạch”, và cố gắng để… “sạch”
Phương châm từng được chia sẻ của Tùng Dương: Tôi đã hát thì bạn không được ăn. Theo thời gian, phương châm đó liệu có thay đổi? Vì thực tế, như nhiều người đồn đoán, hát đám cưới có giá cát-sê cả nửa tỷ đồng, cũng hấp dẫn đấy chứ?
Có nhiều sô diễn sự kiện của khách hàng, họ yêu cầu tôi hát trong lúc diễn ra bữa tối, cát-sê hát sự kiện thì cao đấy nhưng tôi cũng ngại lắm và từ chối khéo, song sau đó họ lại thuyết phục, đề nghị đưa tiết mục của tôi lên phần đầu chương trình, lúc chưa khai tiệc, thì tôi nhận lời. Nghệ sĩ làm việc cũng có một số nguyên tắc của mình.
Thực tình tôi muốn hát nhất là trong những không gian âm nhạc của riêng mình. Khi ấy tôi thấy mình đẹp nhất và cũng tự tin, sung mãn nhất!
Nếu chỉ vì tiền thì không đúng đâu! Tôi rất biết mình phù hợp với sân chơi nào. Bản tính mình thế rồi. Do vậy hãy gác chuyện tiền nong sang một bên. Lý do duy nhất là tôi cảm thấy mình nếu nhận sẽ không đủ đảm bảo tính giải trí cho chương trình ấy. Tôi “diễn” không giỏi trong khi các chương trình truyền hình thực tế lại chẳng muốn yếu tố “thực tế” tí nào! Vì vậy tôi chịu! Từ chối là cách tốt nhất, không nấn ná gì hết.
Diễn ư? Anh có nghĩ rằng showbiz Việt thì hiện tại “lạm dụng” chiêu trò?
Ban đầu khi xem các chương trình ấy tôi cũng thấy lo ngại cho âm nhạc Việt lắm, nhưng sau nghĩ lại thì thấy cũng không phải bận tâm nữa vì giá trị nào cũng sẽ được trả lại đúng vị trí của nó thôi. Game show thì không thể đòi hỏi cao hơn chuyện giải trí đơn thuần. Vấn đề là người ta cứ lạm dụng những chiêu trò, những sự ca tụng vuốt ve không thật. Và điều nguy hiểm là giới làm nghệ thuật ở Việt Nam sẽ xuất hiện một thế hệ chỉ sống bằng cái vỏ ảo tưởng quá về khả năng của bản thân. Cái đó cũng không khó để nhận ra đâu! Khán giả bây giờ tinh lắm! Họ sẵn sàng quay lưng lại đó thôi.
Để xây dựng chương trình có tính nghệ thuật cao thì mới khó chứ để tạo ra chương trình ồn ào và hào nhoáng kiểu vỏ bọc thì quá dễ. Nhưng cứ đổ tất cả cho chuyện cơm áo gạo tiền thì… cái giá mà chúng ta phải trả có thể sẽ rất đắt. Tôi cũng thấy chột dạ khi Sao Mai - Điểm hẹn - một cuộc thi chính thống lại không được phát trên kênh chính mà phải nhường lại cho các game show.
Một nghệ sĩ “sạch” như anh có khi nào lung lay trước hiệu ứng truyền thông ảo, hay sự nổi tiếng (hoặc có thể hiểu là tai tiếng) một cách nhanh chóng của một bộ phận “sao” hiện nay?
Có trở thành nghệ sĩ “sạch” hay không còn phải cố gắng cả đời... Tôi nghĩ rằng ai cũng có thể bị cám dỗ, quan trọng là có giữ được mình hay không. Chị thấy đó, chúng ta vẫn còn nhiều nghệ sĩ bao nhiêu năm vẫn được công chúng nhắc tới với sự tôn trọng, trân trọng. Họ vẫn làm nghệ thuật của mình, không bị cuốn vào dòng xoáy thương mại hóa… Và tất nhiên, để giữ mình, họ cũng phải chấp nhận thiệt thòi nhiều thứ. Ví như để có được hình ảnh “sạch” ấy thì khó mà có thể dư dả về mặt tài chính. Người ta không thể có tất cả. Giữa nghệ thuật và kinh tế luôn là bài toán nan giải, nhưng nếu biết cân bằng nó trong cuộc sống thì cũng có thể sẽ đạt được những giá trị nhất định theo quan niệm của mỗi người. Còn tôi khi nhìn lại, ít nhiều gì đến thời điểm này tôi cũng vẫn “sạch”, và sẽ cố gắng để “sạch”! Phải lựa chọn thôi...
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!