Ca sĩ Trọng Tấn: “Tôi từng được lì xì ngay tại sân khấu”
(Dân trí) - Nam ca sĩ chia sẻ về những vất vả của người nghệ sĩ khi biểu diễn phục vụ khán giả ngày Tết và cả những niềm vui, sự xúc động, những kỷ niệm không thể nào quên...
Chia sẻ về Tết, ca sĩ Trọng Tấn cho biết, năm nào gia đình anh cũng đón Tết ở quê: “Tôi muốn không khí ấm cúng đón Tết truyền thống, muốn giữ nét văn hóa về quê đón Tết. Đúng là về quê thì Tết mới có ý nghĩa.
Trước Tết, gia đình tôi về trước vài ngày và chưa năm nào thiếu nồi bánh chưng. Các con tôi đã biết phụ ông bà, bố mẹ gói bánh chưng. Tôi biết gói bánh chưng từ ngày còn bé, và muốn giữ nếp gói bánh chưng trong gia đình. Cho đến giờ tôi vẫn thích ăn món bánh chưng, đặc biệt là bánh chưng rán”.
Nam ca sĩ cũng tiết lộ, nếu như anh để tâm đến việc gói bánh chưng thì bà xã Thanh Hoa đảm nhận “trọng trách” trang trí nhà cửa.
Hầu như đêm giao thừa nào cũng ca sĩ Trọng Tấn cũng hát phục vụ ở tỉnh nọ, tỉnh kia. Năm nay, nam ca sĩ cho biết anh biểu diễn tương đối gần quê, ngay Thanh Hóa. “Là nghệ sĩ đã gắn với việc phục vụ khán giả, quanh năm chứ không riêng gì ngày Tết. Vào những ngày lễ lớn, hầu như nghệ sĩ đều đón những ngày lễ lớn ở sân khấu. Nếu nghệ sĩ không đi biểu diễn vào những ngày lễ Tết thì những chương trình diễn ra ngày lễ, đêm giao thừa... ai sẽ biểu diễn phục vụ khán giả?
Có năm, tôi biểu diễn ở xa như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang... và đón giao thừa một mình trong khách sạn. Diễn xong rồi, thì đi dạo loanh quanh, nhưng một mình không ý nghĩa gì lắm nên về khách sạn. Giao thừa chỉ ý nghĩa khi ở bên người thân, đoàn tụ với gia đình”, anh nói.
Nhắc đến kỷ niệm đêm giao thừa, Trọng Tấn chia sẻ: “Tôi còn nhớ có năm đêm giao thừa 3 anh em: Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn tự chèo thuyền ra giữa Hồ Gươm, đúng giờ khắc bắn pháo hoa để hát “Việt Nam quê hương tôi”. Sân khấu chỉ có... 3 người. Mà phải tự chèo thuyền ra đấy, rồi lại chèo vào để quay hình phát trực tiếp trên truyền hình.
Có năm, nhà tôi và nhà Đăng Dương gặp nhau giữa đường, chúc nhau năm mới giữa lúc pháo hoa bắn ngợp trời. Đêm giao thừa năm đó, tôi diễn ở Bắc Giang rồi chạy về Thanh Hóa, còn nhà Đăng Dương diễn ở Ninh Bình, rồi chạy lên Hà Nội. Chúng tôi gọi điện thoại cho nhau và gặp nhau giữa đường cao tốc Hà Nội- Ninh Bình.
Cũng có đêm giao thừa đi hát vui, xúc động lắm, được khán giả lên tặng hoa, lì xì ngay tại sân khấu.”
Khi được hỏi về văn hóa lì- xì đang ngày càng nặng về vật chất hơn là ý nghĩa tinh thần, giọng ca “Tiếng đàn bầu” thẳng thắn nói: “ Tôi nghĩ càng ngày nét cổ truyền càng mất đi là việc chúng ta phải chấp nhận. Ví dụ, pháo là ngày xưa không thể không có trong ngày Tết nhưng rồi cũng phải bỏ vì tính mất an toàn của nó. Rồi, xu hướng không đón giao thừa ở nhà mà đi du lịch. Rồi sự đi chúc, thăm thú nhà nhau ngày Tết cũng phai dần vì giờ liên lạc thuận lợi, ai cũng có thể gọi, liên lạc trên mạng xã hội thường xuyên nên người ta không còn thấy khoảng cách....
Việc lì xì ngày Tết cũng thế. Rồi dần dần cũng sẽ trở thành câu chuyện văn hóa. Tôi nghĩ lì xì chỉ là sự tượng trưng thôi, trừ khi ai đó có ý đồ nào đó trong việc lì xì, muốn nhờ vả gì đó nên “nhân tiện” thôi... ”
Chia sẻ về xu hướng nhiều người trẻ lựa chọn đi du lịch vào dịp Tết Nguyên Đán, ca sĩ Trọng Tấn lý giải: “Nhiều người hiện nay có xu hướng đi du lịch dịp Tết. Tôi nghĩ cũng tích cực thôi nếu đông đủ người thân, ông bà bố mẹ, con cái đi du lịch cùng nhau khám phá cái Tết ở nơi khác. Nếu đi nước ngoài, chọn các nước ăn Tết thời gian giống mình cũng rất thú vị.
Còn một số bạn trẻ bây giờ chọn đi du lịch vào dịp Tết thay vì về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình thì điều này phản ánh hiện thực về sự phai nhạt của cái Tết cổ truyền. Nhiều bạn trẻ không có ký ức về cái Tết cổ truyền xưa. Hơn nữa, với áp lực cuộc sống, công việc bây giờ, nhiều người cũng coi ngày Tết là thời gian để nghỉ ngơi, làm điều mình muốn...”
Chia sẻ về công việc trong năm 2020, Trọng Tấn bày tỏ: “Năm 2019, tôi không có dự định lớn về âm nhạc, vẫn đi diễn bình thường. Tôi không đặt mốc lớn cho một năm mình phải làm thế này, phải làm thế kia. Chắc tôi không có trạng thái hoàn thành chỉ tiêu như cơ quan nhà nước cần bao nhiêu phần trăm phát triển.
Tôi tập trung nhiều cho việc thực hiện chuỗi ca khúc trữ tình để đưa lên kênh YouTube của mình. Lượng ca khúc thu cho đợt này tương đối lớn, khoảng hơn 70 bài.
Năm 2020, tôi hướng đến 1-2 show diễn riêng hoặc kết hợp với đồng nghiệp.”
Nguyễn Hằng