Ca sĩ Long Nhật từng suýt bị đuổi việc vì đình công, chê lương thấp
(Dân trí) - Long Nhật cho biết hành trình làm nghề của anh trải qua nhiều chông gai, gập ghềnh.
Gần đây, Long Nhật tham gia chương trình Kính đa chiều. Nam ca sĩ trải lòng về hành trình bén duyên với nghệ thuật, những góc khuất đằng sau hào quang trên sân khấu.
Long Nhật chia sẻ, để trở thành ca sĩ như bây giờ, anh từng trải qua 2 cột mốc quan trọng. Lần đầu là vào năm Long Nhật học lớp 1, khi cô giáo đặt câu hỏi cho cả lớp về công việc mơ ước khi trưởng thành.
Trong khi các bạn bè đều viết ước mơ là giáo viên, bộ đội, bác sĩ, kỹ sư thì Long Nhật viết nắn nót hai từ "ca sĩ". Sau khi nộp cho cô giáo, cậu bé Long Nhật ngày ấy xin lại mảnh giấy và sửa từ "ca sĩ" thành "nghệ sĩ nổi tiếng".
Giọng hát Tình ca mùa xuân xác định bản thân sẽ làm nghệ thuật từ bé và được tham gia văn nghệ từ rất sớm. Ngày đó, Long Nhật và Quang Linh đều hoạt động tại Nhà thiếu nhi của Huế.
Cột mốc đáng nhớ tiếp theo của Long Nhật là khi anh đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng Khánh Hòa vào năm 1989.
Khi nhìn thấy cuộc sống đằng sau hậu trường của các nghệ sĩ vô cùng vất vả, ba Long Nhật nhất định cấm con trai đi hát vì cho rằng đây là công việc không an toàn. Tuy nhiên, nam ca sĩ đã không nghe lời ba mình và quyết định trốn đi để theo một đoàn ca múa nhạc.
Thời điểm đó, anh cùng đoàn lưu diễn nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc, tham gia nhiều hội thi ca múa nhạc toàn quốc. Song, chưa được bao lâu thì nam ca sĩ rủ đồng nghiệp... đình công vì cho rằng mức lương của mình thấp hơn ca sĩ chính.
Sau đó, Long Nhật nghe thông tin đoàn ca múa nhạc sẽ cho 1 trong 2 người nghỉ việc nên nam ca sĩ quyết định rời đi trước. Nam nghệ sĩ thừa nhận: "Lúc đó tôi còn trẻ nên suy nghĩ vậy. Sau này suy nghĩ lại câu chuyện đình công, tôi biết là mình sai. Người ta là ngôi sao còn mình là ca sĩ mới về, không thể so sánh mức lương".
Thời điểm rời đoàn ca múa nhạc, Long Nhật buồn tủi vì từ một đoàn lớn chuyển sang hoạt động ở đoàn nhỏ. Thấy cuộc sống vất vả, Long Nhật bèn về Huế với gia đình.
Trùng hợp, khi Long Nhật về Huế cũng là lúc đoàn ca múa nhạc cũ về Quảng Trị lưu diễn. Các nghệ sĩ cùng trưởng đoàn, phó đoàn về nhà Long Nhật đặt vấn đề muốn mời anh quay lại, với điều kiện Long Nhật phải làm bản kiểm điểm.
Lúc đầu, nam ca sĩ từ chối vì mắc cỡ. Sau khi được đàn anh đàn chị khuyên nhủ, Long Nhật gạt bỏ tự ái sang một bên và trở lại hoạt động với Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng.
Ngỡ như con đường hoạt động nghệ thuật của Long Nhật tiếp tục thuận lợi thì gia đình nam ca sĩ bất ngờ làm ăn thất bại. Năm 1995, anh quyết định vào TPHCM, trở thành ca sĩ tự do, chạy show kiếm tiền đỡ đần cho gia đình.
"Thời đó, nhà tôi có 2, 3 người giúp việc, từ làm vườn cho đến lái xe của ba. Tôi nói với ba rằng người làm trong nhà không được cho ai nghỉ, tôi sẽ đi hát kiếm thêm tiền đưa ba mẹ", nam ca sĩ kể lại.
Hiện Long Nhật vẫn chăm chỉ hoạt động âm nhạc. Nam ca sĩ khẳng định miễn còn sức khỏe, anh sẽ tiếp tục chạy show phục vụ khán giả, kiều bào.
Kính Đa Chiều là talkshow đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa.
Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ.
Thư Đặng