Ca sĩ Hồ Quang 8: “Tôi khốn đốn 10 năm với tin đồn nghiện ngập”
(Dân trí) - “Nghèo khổ, phải lăn lộn với cuộc sống nên tôi gầy thì người ta loan tin tôi bị nghiện. Có một thời, tôi rất ám ảnh khi đi đến đâu cũng bị người ta hỏi: “Mày có nghiện không mà gầy thế?” hoặc “Trông mày gầy như thằng nghiện vậy?”, ca sĩ gốc xứ Thanh trải lòng.
Hoài Linh hoàn toàn có thể làm giám khảo bolero
Mới đây, việc nhạc sĩ Vinh Sử chê nghệ sĩ Hoài Linh không biết gì về bolero mà vẫn làm giám khảo đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Với tư cách là ca sĩ theo đuổi dòng nhạc này hơn 20 năm qua, anh nhìn nhận gì về sự việc này?
Tôi rất hâm mộ và quý mến nhạc sĩ Vinh Sử. Tôi cũng đã tham gia nhiều đêm nhạc về ông. Nhưng tôi cho rằng, nghệ sĩ Hoài Linh hoàn toàn thừa khả năng ngồi các chương trình truyền hình thực tế liên quan đến bolero. Bởi nghệ sĩ Hoài Linh xuất thân là một ca sỹ hát nhạc tình. Anh lại là người miền trong, từng có một thời gian dài sống tại hải ngoại (nơi được xem là “mảnh đất màu mỡ” của bolero)… nên đương nhiên sẽ càng càng thẩm thấu dòng nhạc này rất kỹ.
Thêm vào đó, bản thân nghệ sĩ Hoài Linh cũng cọ xát với dòng nhạc này trên nhiều sân khấu, cộng với khả năng nghề nghiệp lẫn độ tinh tường của anh thì tôi nghĩ việc nhà sản xuất mời anh làm giám khảo chương trình về bolero không có gì là ghê gớm cả.
Theo anh, làm giám khảo chương trình về bolero dễ hay khó?
Nhạc bolero không quá phức tạp về cấu trúc của tác phẩm nhưng ca sỹ hát nhạc bolero muốn vươn tới sự chuyên nghiệp lại không dễ chút nào. Chuyên nghiệp ở đây không phải là phải hát theo bài bản thanh nhạc mà là sự bản năng cũng cần nâng lên ở góc độ chuyên nghiệp.
Vậy nên làm giám khảo bolero phải nhìn ra được nét tự nhiên trong mỗi giọng hát qua những tiết mục chuyên nghiệp. Người ngồi ghế nóng có chuyên môn nhưng cũng cần phải có nhiều kinh nghiệm, uy tín cả lẫn đạo đức nghề nghiệp. Với tôi, làm giám khảo bolero không khó nhưng không phải ai cũng làm được.
Nhiều người đồng tình với quan điểm của nhạc sĩ Vinh Sử khi cho rằng, các chương trình về bolero hiện nay như một “nồi lẩu”. Anh nghĩ gì về ý kiến này?
Các chương trình truyền hình hiện nay đang phát triển rầm rộ, tạo cơ hội cho những người chuyên lẫn không chuyên có cơ hội trưng trổ tài năng. Nhưng vì “tự phát” quá nên mới trở thành “nồi lẩu thập cẩm”. “Nồi lẩu thập cẩm” này muốn trở thành “nồi lẩu đặc biệt” thì lại phụ thuộc vào cái tâm của nhà sản xuất và cái tầm của những người ngồi ghế nóng cũng như huấn luyện viên. Tuy nhiên, ngày nay người ta mải chạy theo tính thương mại nên các yếu tố về chuyên môn, về nghệ thuật đã bị giảm đi rất nhiều.
Được biết, trong liveshow kỷ niệm 28 năm ca hát “Khuya nay anh đi rồi” sắp tới đây, anh đã mời nghệ sĩ Hoài Linh cùng tham gia?
Đúng thế. Đây là lần thứ 2, tôi với nghệ sĩ Hoài Linh có cơ hội đứng chung sân khấu. Lần đầu tiên chúng tôi diễn cùng nhau ở Thanh Hoá cách đây đã 11 năm. Trong mắt tôi, nghệ sĩ Hoài Linh là một người rất yêu thương đàn em. Khi tôi ngỏ lời mời anh Hoài Linh tham gia liveshow kỷ niệm 28 năm ca hát của tôi vào tháng 10 tới ở Hà Nội anh Linh nhận lời ngay. Ngoài anh Hoài Linh, liveshow này còn có sự góp mặt của các ca sĩ thân thiết với tôi như: Ngọc Sơn, MC Thảo Vân, Anh Thơ, Trọng Tấn, Công Vượng, Chí Tài, Dương Ngọc Thái, Hồng Loan… Tôi sẽ hát song ca với MC Thảo Vân, ca sĩ Ngọc Sơn và với ca sĩ Anh Thơ mỗi người một bài nhạc bolero.
Mấy chục năm đi hát mới mua được nhà ở ngoại ô
Bước chân vào con đường ca hát từ rất sớm, từng được xem là ca sĩ bolero đắt show nhất miền Bắc nhưng đến giờ anh vẫn có cuộc sống khá giản dị với căn nhà ở ngoại ô. Trong khi đó, nhiều ca sĩ trẻ bây giờ chỉ đi hát vài năm đã khoe có nhà lầu, xe hơi, hàng hiệu… Anh có nghĩ mình thiệt thòi quá không?
Nếu các bạn trẻ mới bước chân vào nghề ca hát mà đã có biệt thự, xe hơi, hàng hiệu… tôi dám chắc đó không phải là tiền kiếm được từ làm nghề chân chính. Chắc chắn, các bạn ấy phải có sự hỗ trợ từ phía gia đình hoặc ai đó phía sau mới có được điều kiện như thế.
Mà tôi cũng nói thẳng, bây giờ nhiều bạn trẻ chỉ cần cái mác ca sĩ để làm gì ấy chứ họ có làm nghề đâu. Vì làm nghệ thuật không hề dễ chút nào. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt, khổ luyện cả một quá trình mới có thể thành danh, làm gì có chuyện đi hát vài ba năm đã “sang chảnh” thế.
Bản thân tôi, bước chân vào ca hát từ năm 1989, khi đó tôi mới 18 tuổi, đêm nào cũng chật vật đi biểu diễn tỉnh mà tích góp mãi mới đủ tiền mua ngôi nhà ở ngoại thành, cách xa trung tâm Hà Nội vài chục km.
Anh còn nhớ, cát sê thời điểm anh mới đi hát là bao nhiêu?
Nói thật, ngày xưa chỉ mong được đi hát thôi chứ không dám đòi cát sê vì mình đã có tên tuổi gì đâu mà đi đòi cát sê. Cát sê chỉ dành cho các ngôi sao thôi. Có những đêm diễn xong chẳng được đồng nào vì người ta lỗ nên mình cũng không dám nhận tiền cát sê.
Còn hồi đi hát, tôi toàn hát ở sân khấu công viên Thống Nhất với mức cát sê có 5000 đồng/đêm thôi. Mà muốn được hát phải chầu chực cả buổi chứ không phải đến cái được lên hát ngay. Bây giờ mọi thứ đã khác, tôi đã có thể đòi được cát sê rồi, không rơi vào trường hợp được cho hát nữa.
10 năm khốn đốn với tin đồn nghiện ngập
Ngần đấy năm đi hát, phải chật vật lo toan mọi thứ vì bố mẹ qua đời từ sớm, đã bao giờ anh muốn bỏ nghề?
Trước năm 40 tuổi, tôi cơ cực cực lắm. Tôi rất hay bị vùi dập, giúp đỡ ai cũng bị trở mặt, muốn làm việc gì cũng bị cản trở. Bao nhiêu năm gắn bó với nhà hát nhưng mãi tôi mới được ký hợp đồng dài hạn.
Tôi kể một chuyện này thôi là bạn đã có thể hình dung cuộc sống thời ấy của tôi như thế nào. Thời đó, vì tôi lỡ tin anh chị em trong đồng nghiệp, ký vào đơn phản đối một số chính sách của Giám đốc mà sau đó đã bị ông Giám đốc Nhà hát ra công văn cấm đi hát ở mọi nơi. Các quán bar nhận được công văn, không ai dám mời tôi đến diễn vì sợ liên luỵ.
Nghèo khổ, phải lăn lộn với cuộc sống nên tôi gầy thì người ta loan tin tôi bị nghiện. Có một thời, tôi rất ám ảnh khi đi đến đâu cũng bị người ta hỏi: “Mày có nghiện không mà gầy thế?” hoặc “Trông mày gầy như thằng nghiện vậy?”. Lúc đầu, nghe người ta hỏi thế tôi cũng ôn tồn giải thích nhưng càng giải thích lại càng bị hỏi nhiều hơn nên rất chạnh lòng. Đến mức độ cứ gặp ai hỏi tôi gầy là tôi lại rất ức chế. Tôi mất khoảng 10 năm khốn đốn với tin đồn nghiện ngập.
Bây giờ điều kiện đỡ hơn nên đã có chút da thịt nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện cũ lại không kìm lòng được. Tôi biết những người “phun” tin đồn tôi nghiện ngập giờ không bằng tôi nhưng quả là thời đó tôi khốn đốn vì họ.
Vậy anh đã vượt qua những ngày tháng khó khăn ấy như thế nào?
Năm 2007, tôi may mắn được một người bạn mời đi diễn ở Châu Âu. Lúc nghe người bạn hỏi: “Anh có thích qua biểu diễn ở Châu Âu không?”, tôi cảm thấy mơ hồ lắm vì trước nay bao nhiêu đoàn của nhà hát ra nước ngoài biểu diễn là tôi toàn phải ở nhà. Thậm chí có lần, cùng cả đoàn đến biên giới Trung Quốc rồi nhưng mọi người được sang biểu diễn còn tôi phải cùng tài xế quay về vì bị ghét.
Mặc dù thế, tôi vẫn được người bạn giúp đỡ sang Châu Âu biểu diễn. Chuyến lưu diễn đó giúp tôi có được 80 triệu đồng. Cầm số tiền lớn đó trong tay tôi không biết phải làm gì. Nhiều người khuyên tôi nên mua một chiếc xe máy thật sang mà đi diễn cho có giá. Nhưng cuối cùng tôi quyết định dốc toàn bộ tiền, vào TP.HCM để làm album. 3 tháng lăn lộn ở TP.HCM, tôi đã có được sản phẩm âm nhạc đầu tay. Chính nhờ album đó mà tôi bắt đầu có nhiều lời mời biểu diễn hơn và cuộc sống cũng đỡ khốn khó hơn. Trong liveshow kỷ niệm 28 năm ca hát, mọi người sẽ được nghe tôi chia sẻ nhiều hơn về những tháng ngày ấy.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long