"Ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội sao không bị cấm?"

(Dân trí) - Nhạc sĩ Đoàn Bổng cho rằng, ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những ca từ nhận nhiều ý kiến trái chiều, sao vẫn nổi tiếng, vẫn lưu hành và không bị cấm?

Sau những ồn ào xoay quanh sự việc cấm lưu hành 5 ca khúc, quyết định cấp phép cho 9 ca khúc sáng tác trước 1975 của Cục NTBD tiếp tục nhận được những ý kiến trái chiều.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng nói: “Những ca khúc như “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn hay “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của nhạc sĩ Bắc Sơn… là những ca khúc được lưu hành rộng rãi, được nhiều thế hệ khán giả biết đến, không vi phạm luật, không có nội dung phản cảm, chống phá nhà nước… thì không cần cấp phép nữa.”

Nhạc sĩ Đoàn Bổng cho rằng, các ca khúc đã lưu hành, sống trong lòng công chúng và không vi phạm luật thì không cần Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải cấp phép lại.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng (Ảnh: Nguyễn Văn Quân)
Nhạc sĩ Đoàn Bổng (Ảnh: Nguyễn Văn Quân)

Theo nhạc sĩ Đoàn Bổng, để tránh tình trạng “cấp phép ca khúc một cách nhỏ giọt”, dựa vào đơn xin cấp phép của cá nhân, đơn vị tổ chức thì phía Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên kết hợp chặt chẽ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). “Danh sách các ca khúc của các tác giả, các bản gốc ca khúc… hầu như bên VCPMC đều có. Cục nên dựa trên danh sách các ca khúc đó, họp bàn với bên trung tâm để sàng lọc những ca khúc không nên lưu hành. Từ đó, phía Trung tâm thông tin tới tác giả, thân nhân tác giả để biết có ca khúc nào bị vi phạm không được phép lưu hành hay không”.

Cũng theo nhạc sĩ Đoàn Bổng, khi có thông tin ca khúc nào đó bị cấm, khán giả không nên phản ứng tiêu cực, một chiều vì bị cấm hẳn là có lý do. Có những ca khúc không viết thẳng nội dung chống phá nhà nước, nhưng lại viết bóng gió, cũng cần xem xét lại.

Tuy nhiên, cũng theo vị nhạc sĩ, việc cấp phép hay cấm ca khúc nào đó ở nước ta còn nhiều “kẽ hở, chưa sòng phẳng”. “Khi tôi còn công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, có cô đạo diễn mỗi khi nghe thấy ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn là lại “nhảy dựng” lên. Không ít ý kiến cho rằng ca khúc có những ca từ nhạy cảm: “…Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai, sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi,

sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi… Mùa thu Hà Nội tượng trưng cho mùa thu cách mạng. Vậy nói mùa thu Hà Nội trả lời là trả lời cái gì? Nếu một số ca khúc trước đây bị cấm vì có ca từ nhạy cảm, thì sao ca khúc này không bị cấm?”

Nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng cho rằng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép các ca khúc nhưng các ca khúc xuất hiện hàng ngày trên các Đài truyền hình đã được cấp phép hay chưa? Các nghệ sĩ hát trên sóng truyền hình đã xin phép Cục chưa?

Ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn vừa được cấp phép phổ biến.
Ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của nhạc sĩ Bắc Sơn vừa được cấp phép phổ biến.

Đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Đoàn Bổng, nhà báo Phan Phương, Trưởng ban Hội viên, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) nói: “Việc cấm đoán, cấm lưu hành hay chưa cấp phép đối với một tác phẩm đã lưu hành và lan tỏa rộng rãi trong công chúng là cách hành xử lạc hậu. Những sáng tác âm nhạc ra đời trước 1975, nếu thống kê cũng phải lên tới hàng vạn ca khúc. Nếu cứ cấp phép nhỏ giọt “5 bài”, “10 bài” chỉ càng làm dậy sóng dư luận”.

Cũng liên quan đến việc cấp phép hay cấm các ca khúc, nhà báo Phan Phương chia sẻ thêm, rằng, các gameshow “rác” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên sóng truyền hình mà không thấy Cục kiểm duyệt. Trong khi đó, các ca khúc luôn phải đối diện với việc bị cấm hoặc chưa được cấp phép.

Theo nhà báo Phan Phương, ca khúc là tài sản của tác giả, nếu ca khúc không có vấn đề gì, chỉ cần kiểm duyệt một lần để cấp phép. Việc cấp phép lặp đi lặp lại dựa trên đơn xin cấp phép của các đơn vị như hiện nay, tạo nhiều kẽ hở cho đơn vị tổ chức né tránh, lách luật khiến cho phía VCPMC khó khăn trong công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm