Bùi Công Duy chơi violon và…rửa bát!

(Dân trí)- Già dặn và từng trải khi nói chuyện về âm nhạc là thế nhưng khi bị “xoay” về cuộc sống riêng tư, “hoàng tử” của nhạc hàn lâm Việt, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy lại trở về đúng chất “hồn nhiên” của chàng trai trẻ sau ngưỡng cửa hôn nhân…

“Sốc” khi mới về làm việc tại Việt Nam

Từ chối lời mời vào một dàn nhạc danh tiếng ở Nga, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy cho đến thời điểm này vẫn không hối tiếc quyết định “khăn gói về nước” gắn bó với công việc giảng dạy. “Thời điểm tôi về nước, đã có người bảo tôi…dở hơi vì bỏ lỡ cơ hội lớn để phát triển sự nghiệp. Tôi thì lại nghĩ khác, có nghề mà không truyền được thì cũng buồn”, anh tâm sự.
 
Bùi Công Duy lịch lãm và già dặn khi biểu diễn trên sân khấu
Bùi Công Duy lịch lãm và già dặn khi biểu diễn trên sân khấu

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy kể lại, những ngày mới về nước tham gia công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vì chưa quen với lề lối làm việc trong nước nên anh từng trải qua không ít rắc rối, thậm chí cả sóng gió: “Có lẽ vì chưa hiểu hết cách thức làm việc, phong cách khác biệt nên tôi và một số đồng nghiệp cũng chưa thực sự hiểu nhau. Trải qua, những sóng gió, tôi thấy mình trưởng thành, thêm điềm đạm, bình thản. Và, thậm chí có những người từng hiểu sai về mình, giờ là bạn rất tốt”.

Theo Bùi Công Duy, anh quen làm việc ở nước ngoài và phong cách người phương Tây cũng khác nên thời gian đầu về Hà Nội cũng phải thích ứng dần. Nhưng có một điều, anh chưa thích ứng được đó là cách phê bình của người Việt. Dù trong công việc hay trong cuộc sống thường ngày, sự phê bình đôi khi bị dẫn lối bởi mục đích cá nhân. “Ở môi trường nào cũng thế, ở Việt Nam hay ở nước ngoài cũng đều có sự cạnh tranh. Trong lĩnh vực âm nhạc cũng vậy, nhưng người nước ngoài có cách cạnh tranh thẳng thắn và phê bình thì cũng rất trực diện”, Bùi Công Duy cho biết.

Nghệ sĩ violon cũng không hào hứng trước những lùm xùm xoay quanh lời nhận xét của một nhạc sĩ gạo cội đối với thế hệ ca sĩ trẻ Việt Nam. Anh nói, không đề cập tới vấn đề đúng sai, ở nước ngoài hầu như không có tình trạng rùm beng kiểu này xảy ra.

“Phải chơi nhạc hay để khán giả khỏi… nói chuyện”

So sánh sự hưng thịnh của dòng nhạc cổ điển, nhạc hàn lâm ở nước ngoài và Việt Nam, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy thẳng thắn cho biết: “Sự thoái trào của nhạc cổ điển là tình trạng chung của toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam. Hầu hết các dàn nhạc lớn trên thế giới, trừ dàn nhạc nổi tiếng của Đức, còn lại đều sinh tồn nhờ nhà nước chu cấp và nguồn tài trợ. Khi nền kinh tế suy thoái, nguồn tài trợ sụt giảm, âm nhạc cổ điển cũng vì thế mà không còn ở thời kỳ hoàng kim…”.

Tuy nhiên, theo Bùi Công Duy nếu nhạc nhẹ ra đời và nổi tiếng rất nhanh, đơn giản chỉ cần một bài “hit” thì cũng đi nhanh. Nhạc cổ điển cần  hoạt động, đầu tư trong quá trình lâu dài, và cũng chính vì thế nó sẽ tồn tại lâu hơn. Dù hiện tại, ở Việt Nam đang có tình trạng nhạc thị trường lấn át dòng nhạc chính thống nhưng theo anh, dòng nhạc chính thống, nhạc cổ điển vẫn có vị trí riêng.
 
Đơn cử về điều này, Bùi Công Duy dẫn chứng: anh và vợ, nghệ sĩ piano Trinh Hương- con gái nhạc sĩ Phú Quang có mở Trung tâm đào tạo nghệ thuật và ngày càng đông người đến đăng ký học nhạc, đủ mọi lứa tuổi. “Ngày càng có nhiều phụ huynh tự tìm đến những Trung tâm, đến những thầy để gửi gắm con em mình học nhạc. Số lượng các gia đình tự tìm học bổng cho con em mình cũng rất nhiều. Việc này, chứng tỏ người ta càng ngày càng quan tâm tới âm nhạc cổ điển”, anh chia sẻ.
 
Bùi Công Duy lịch lãm và già dặn khi biểu diễn trên sân khấu
"Hoàng tử" của nhạc hàn lâm Việt từng gặp không ít phiền phức vì sự khác biệt lối sống khi trở về nước gắn bó với công việc giảng dạy ở Nhạc viện

Bùi Công Duy cũng cho rằng, một năm trở lại đây, khán giả Việt biết cách thưởng thức và trân trọng nhạc cổ điển hơn. Số lượng khán giả thực sự đến để nghe nhạc ngày càng nhiều, sự im lặng, sự cổ vũ dành cho dàn nhạc cũng trân trọng và chuyên nghiệp hơn.

Là nghệ sĩ nhiều năm đứng trên sân khấu và đã thích nghi với thị hiếu khán giả Việt, Bùi Công Duy hài hước bật mí rằng: “Chất lượng chương trình ảnh hưởng rất nhiều vào thái độ tôn trọng và im lặng tuyệt đối của khán giả. Ở Việt Nam chưa hết hẳn thói quen khán giả nói chuyện ồn ào phía dưới, nhưng tôi nghĩ rằng, muốn khán giả lắng nghe thì mình càng phải chơi thật hay”.

Và cũng để phù hợp với thị hiếu khán giả Việt, các chương trình hòa nhạc ở Việt Nam thường có hai phần: một phần chuẩn mực với các tác phẩm âm nhạc thế giới đồ sộ; một phần được làm “mềm hóa” dễ tiếp cận khán giả hơn. “Người Việt mình nhạc cảm tốt vì thế mình sẽ chọn những tác phẩm màu sắc phương Đông với những trích đoạn có giai điệu lãng mạn, ví dụ như trích đoạn trong vở ba lê…”, Bùi Công Duy cười nói.

Về phần mình, Bùi Công Duy cũng “bén duyên” nhạc nhẹ để tiếp cận khán giả gần gũi hơn. Sau lần trình diễn trong đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang, anh đang thử sức với nhạc Trịnh- Đoàn Chuẩn- Từ Linh trong chương trình Thu về trên phố diễn ra ngày 14/9 tại Hà Nội. Lần đầu tiên, Bùi Công Duy cùng nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn thể hiện ca khúc Diễm xưa của Trịnh Công Sơn và trình diễn solo nhạc phẩm Gửi gió cho mây ngàn bay của Đoàn Chuẩn- Từ Linh.

Vừa dạy vừa… dỗ trẻ con

Kể về công việc giảng dạy ở Trung tâm của hai vợ chồng, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy  hào hứng: “Học sinh của Trung tâm đủ mọi lứa tuổi. Cũng nhờ cái sự bận mới mẻ này mà tôi có thêm kinh nghiệm vừa dạy vừa…dỗ trẻ con học. Có em mới có 3-4 tuổi, mình không thể dạy một cách nguyên tắc được mà phải đặt mình ngang lứa tuổi, rồi dẫn dắt bài học bằng câu chuyện dễ hiểu và hiệu quả. Mỗi em một tính cách, cũng có em đang ở cái tuổi ẩm ương…, là người giảng dạy mình phải hết sức kiên nhẫn”.
 
Không chỉ hòa hợp trên sân khấu...

Không chỉ hòa hợp trên sân khấu...
 
...cuộc sống đời thường của cặp vợ chồng nghệ sĩ này cũng rất lãng mạn
...cuộc sống đời thường của cặp vợ chồng nghệ sĩ này cũng rất lãng mạn

 
Nhìn dáng vẻ lịch lãm trên sân khấu nhưng lại rất “công tử”, phong cách hồn nhiên và bụi phủi ngoài đời, ít ai biết rằng Bùi Công Duy lại là một “ông giáo” tận tụy, uốn nắn những cô cậu học trò bé tí từng nốt nhạc một cách kiên nhiễn, không mệt mỏi.
 
Chàng rể của nhạc sĩ Phú Quang không giấu diếm rằng , từ ngày đi dạy anh càng ngày càng yêu trẻ con. Anh và nghệ sĩ piano Trinh Hương đã lên kế hoạch để ngôi nhà rộng rãi ven hồ Tây có thêm tiếng cười con trẻ.

Già dặn và từng trải khi nói chuyện về âm nhạc là thế nhưng khi bị “xoay” về cuộc sống riêng tư, Bùi Công Duy lại trở về đúng chất “hỉ nộ ái ố” của chàng trai trẻ sau ngưỡng cửa hôn nhân. “Hoàng tử” của nhạc hàn lâm Việt dành nhiều lời yêu thương cho người bạn đời đã song hành cùng mình 10 năm. “Trinh Hương không thích xuất hiện nhiều, cũng không thích đi ra ngoài nhiều nên cũng dễ cân bằng tổ ấm”, anh chia sẻ. Cuộc sống gia đình trong mắt anh khá yên ấm và hòa bình.

10 năm gắn bó nhưng cặp vợ chồng nghệ sĩ luôn duy trì sự lãng mạn. Đó có thể là sự giúp đỡ, san sẻ trong công việc như vợ nấu ăn, quét nhà, giặt quần áo thì anh tưới cây, rửa bát, phơi quần áo. Anh nói, rửa bát là phương thức…giảm stress hiệu quả nhất.  Vợ chồng son cũng thường xuyên đi café “chém gió” cùng bạn bè, đi xem phim. Lãng mạn hơn, vợ chồng anh còn hò hẹn dạy sớm đi chợ hoa mua đủ các loại về cắm khắp nhà… Luôn trân trọng nhau như những người bạn, đó cũng là phương châm giữ gìn hạnh phúc của gia đình trẻ Bùi Công Duy – Trinh Hương.

Nguyễn Hằng