Bức vẽ kể về giấc mơ kỳ diệu của người đón Giáng sinh… không nhà
(Dân trí) - Những hình ảnh vui tươi, đủ đầy, ấm áp xuất hiện rất nhiều mỗi dịp Giáng sinh - năm mới, vậy nhưng cuộc sống không chỉ toàn những điều đẹp đẽ như vậy. Giáng sinh, những người vô gia cư vẫn sẽ không có một ngôi nhà ấm áp để về, một nghệ sĩ danh tiếng đã nghĩ đến họ…
Dịp Giáng sinh năm nay, nghệ sĩ ẩn danh nổi tiếng đến từ nước Anh - Banksy - đã có một tác phẩm graffiti dành tặng những người vô gia cư. Bức vẽ đã thu hút sự quan tâm lớn. Tác phẩm đã nhận được nhiều sự quan tâm và đánh giá cao từ giới phê bình - truyền thông - công chúng.
Banksy - nghệ sĩ đường phố ẩn danh nổi tiếng - đã thực hiện một sáng tạo nhân dịp Giáng sinh. Tác phẩm kết hợp cả niềm vui, sự nhiệm màu của mùa Giáng sinh với sự chân thực trần trụi của thực tế. Tác phẩm graffiti của Banksy được thực hiện trên một góc phố ở thành phố Birmingham (Anh) chứa đựng cả hai thái cực đối lập ấy.
Hình ảnh những chú tuần lộc vẽ trên bức tường kết nối với một băng ghế vốn là nơi nằm ngủ về đêm của những người vô gia cư gợi liên tưởng đến hình ảnh quen thuộc - đàn tuần lộc kéo xe cho ông già Noel. Tác phẩm được thực hiện ở khu Jewellery Quarter của thành phố Birmingham.
Trong đoạn clip được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội chính thức của nghệ sĩ Banksy, người xem thấy xuất hiện một người đàn ông vô gia cư có tên Ryan, ông thường tìm đến băng ghế này nghỉ ngơi về đêm, giờ đây, trong những giấc mơ của mình, ông Ryan có thể nằm mơ mình “cất cánh” bay lên không trung nhờ những chú tuần lộc trong tác phẩm của Banksy.
Trong đoạn clip người ta nghe thấy ca khúc “I’ll Be Home for Christmas” (tạm dịch: Tôi sẽ về nhà dịp Giáng sinh) vang lên, một sự đối lập đáng buồn so với hoàn cảnh thực tế của những người vô gia cư mà tác phẩm này hướng tới. Hiện tại, đoạn clip giới thiệu tác phẩm mới của Banksy đã có gần 3,7 triệu lượt xem trên mạng xã hội Instagram.
Một lần nữa, nghệ sĩ đường phố nổi danh này đã chạm tới một mảng sáng tác mà thường các nghệ sĩ khác loay hoay chật vật: khắc họa những số phận chân thực và chua xót trong dịp lễ hội cuối năm, một thời điểm vốn thường được đặc tả với niềm vui, sự sung túc, đủ đầy, ấm áp...
Bức graffiti được đánh giá là một tác phẩm ấn tượng, hình ảnh những chú tuần lộc được khắc họa theo phong cách chân thực, đủ để tạo hiệu ứng tương tác thuyết phục với băng ghế, biến tác phẩm đường phố trở thành một “mảnh nhỏ diệu kỳ” trong mùa Giáng sinh.
Điều ấn tượng hơn thế chính là tác phẩm graffiti của Banksy không đi sâu khai thác bi kịch của những người vô gia cư. Thay vào đó, người ta cảm thấy một sự ấm áp, le lói một điều diệu kỳ nơi góc phố, dù không mất đi cảm nhận về thực tế.
Thực tế, không phải ai sử dụng chiếc ghế này cũng là người vô gia cư, vì vậy tác phẩm của Banksy chứa đựng nhiều tầng nghĩa đa dạng với khả năng tương tác tối đa với các đối tượng. Đó chính là sức mạnh của tác phẩm đường phố.
Trong khi gửi gắm những thông điệp nhân ái kêu gọi sự quan tâm dành cho người vô gia cư, nghệ sĩ Banksy cũng tránh xu hướng bi lụy khi đề cập tới những mảnh đời kém may mắn - những người sẽ còn tiếp tục tìm tới băng ghế này.
Không dễ để đưa những người vô gia cư vào trong tác phẩm nghệ thuật. Có thể đó chính là lý do tại sao ngay cả họa sĩ nổi tiếng người Mỹ Andy Warhol (1928-1987) cũng chưa từng thực hiện đề tài này dù bản thân ông thực sự rất quan tâm tới những mảnh đời bất hạnh.
Sau khi ông qua đời, người ta mới được biết rằng họa sĩ Andy Warhol đã thường xuyên làm tình nguyện tại những căn bếp từ thiện giúp đỡ người vô gia cư ở thành phố New York (Mỹ).
Trong thế giới hội họa nhiều thế kỷ trước, người nghèo, người vô gia cư thường được khắc họa với những nét nhân từ, lương thiện. Những họa sĩ nổi danh như Caravaggio hay Diego Velázquez đều từng khai thác hình ảnh những người vô gia cư nghèo khó trong các tác phẩm của mình.
Các họa sĩ sống cách đây nhiều thế kỷ có thể dễ dàng khắc họa người nghèo trong tác phẩm hội họa, có lẽ bởi cái nghèo, cảnh không nhà, sự bần cùng, việc đi ăn xin khi ấy được nhìn nhận với góc nhìn khác so với thế giới hiện đại hôm nay.
Khi ấy, ai cũng có thể trở nên nghèo khó, bần cùng, chẳng hạn như danh họa Rembrandt cũng từng bị phá sản, mất hết của cải. Giờ đây, trong xã hội hiện đại, hố sâu ngăn cách của sự giàu - nghèo khiến cách nhìn nhận và phản ánh vào trong nghệ thuật càng trở nên khó khăn hơn.
Tác phẩm nhân dịp Giáng sinh của Banksy được đánh giá như một cây cầu ấm áp kết nối hai bên miệng hố sâu ngăn cách, tác phẩm mời gọi những người vô gia cư hãy tới sử dụng băng ghế “kỳ diệu”, mời gọi cả những người dân bản địa sống gần đó hãy tới tương tác với tác phẩm... Đó chính là sự nhạy cảm và tầm nhìn của một tác phẩm nghệ thuật đường phố có chiều sâu.
Bích Ngọc
Theo The Guardian/National Post