Bức tượng 3.000 tuổi hé lộ hôn nhân cận huyết của Tutankhamun
(Dân trí) - Cảnh sát Ai Cập cho biết họ vừa tìm thấy lại bức tượng cổ có niên đại gần 3.500 năm của người chị gái cùng cha khác mẹ cũng đồng thời là vợ của Pha-ra-ông Ai Cập Tutankhamun.
Bức tượng cổ này từng bị đánh cặp trong một vụ bạo động xảy ra hồi tháng 8 năm nay. Bức tượng bằng đá vôi khắc họa chân dung người phụ nữ quý tộc mà đương thời là Hoàng hậu Ai Cập Ankhesamon.
Bức tượng đã bị đánh cắp cùng với hàng trăm cổ vật quý giá khác đặt trong viện bảo tàng ở thị trấn Mallawi. Trong vụ bạo động, những kẻ phá hoại đã tranh thủ sự hỗn loạn để tấn công viện bảo tàng và lấy đi nhiều hiện vật quý giá.
Hàng trăm cổ vật đã bị đánh cắp trong cuộc bạo động.
Kể từ đó đến nay, cảnh sát Ai Cập đã âm thầm điều tra tung tích các món cổ vật và may mắn tìm lại được bức tượng có niên đại gần 3.500 năm này. Bức tượng vẫn ở tình trạng tốt, sau khi được phục chế để trở lại trạng thái hoàn hảo nhất, nó sẽ được đem trưng bày tại một bảo tàng mới chuyên dành để trưng bày những hiện vật liên quan tới gia đình Pha-ra-ông Akhenaten.
Pha-ra-ông Akhenaten là cha của Pha-ra-ông Tutankhamun và cũng đồng thời là cha đẻ của Hoàng hậu Ankhesamon. Sự thật cặp vợ chồng Hoàng gia Tutankhamun và Ankhesamon chính là hai anh em cùng cha khác mẹ. Pha-ra-ông Akhenaten trị vì Ai Cập vào khoảng năm 1.500 trước Công nguyên.
Bức tượng dài 32cm là một trong những cổ vật quý giá nhất của Ai Cập.
Trong cuộc đời ngắn ngủi chỉ kéo dài 18 năm của Pha-ra-ông Tutankhamun, người chị gái cùng cha khác mẹ Ankhesamon là người vợ duy nhất của ông. Ở Ai Cập khi đó, các vị Pha-ra-ông thường lấy những người phụ nữ cận huyết trong dòng họ làm vợ.
Bản thân Pha-ra-ông Tutankhamun cũng là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Pha-ra-ông Akhenaten và một người chị gái hoặc một người chị họ nào đó mà cho tới nay sử liệu Ai Cập đã không còn lưu lại được chính xác tên tuổi.
Mặt nạ khắc họa chân dung Pha-ra-ông Tutankhamun.
Khi Hoàng tử Tutankhamun lên 9-10 tuổi, ông được truyền ngôi vua và ngay lập tức kết hôn với người chị gái cùng cha khác mẹ Ankhesamon khi đó khoảng 13 tuổi. Sau này, họ có 2 người con gái nhưng đều chết yểu từ trong bụng mẹ.
Dù không thể khẳng định chịnh xác nhưng các nhà khảo cổ tin rằng hai bào thai đã được ướp xác, chôn trong lăng mộ của Pha-ra-ông Tutankhamun, chính là hai người con đã sớm chết yểu của ông. Nguyên nhân gây ra cái chết của hai đứa trẻ được cho là do lỗi trong bộ gen bởi cha mẹ chúng là những anh em cận huyết.
Một bức tượng cổ khắc họa Pha-ra-ông Tutankhamun và Hoàng hậu Ankhesenamun.
Sau khi Pha-ra-ông Tutankhamun qua đời không để lại người kế vị, tình hình chính trị ở Ai Cập hết sức rối ren, bạo loạn hoành hành, các phe phái tranh giành quyền lực, số phận của Hoàng hậu Ankhesenamun cũng trở nên bí ẩn kể từ đây.