Bức thư thấm tình mẹ trong truyện tranh tài chính "Khéo khôn với tiền"

Minh Nhân Hoàng Vân

(Dân trí) - Gần 30 câu chuyện, được chia thành 3 chương trong "Khéo khôn với tiền" không hề khiên cưỡng mà thấm đẫm tình cảm gia đình, tình đồng đội, tình yêu thương giữa người với người.

Bức thư của mẹ

Khi câu chuyện cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh ném dép, dồn vào góc lớp gây xôn xao dư luận những ngày qua, thì bức thư người mẹ gửi con trai sắp đi du học bước vào một hành trình mới của cuộc sống khiến nhiều người thổn thức.

"Con thân yêu,

Mẹ hiểu, con sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Rồi con sẽ phải trải qua những đêm đông giá lạnh, tuyết rơi ngoài cửa sổ. Những lúc đó, con hãy nhớ về những bữa cơm gia đình dưới ánh đèn vàng ấm áp và những câu chuyện, những nụ cười của bố mẹ và những người thân yêu.

Mẹ hiểu, con luôn giữ gìn, gói ghém tình thương yêu của gia đình, tình cảm thầy cô, bạn bè, tình yêu quê hương đất nước trong hành lý cuộc sống.

Đó sẽ là những ngọn lửa sưởi ấm con những đêm đông giá lạnh và những lúc chênh vênh. Đó cũng là ngọn lửa thắp sáng đam mê, nghị lực, quyết tâm, sự tự tin để chinh phục bầu trời tri thức rộng lớn".

Bức thư thấm tình mẹ trong truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền - 1

Bức thư tâm tình mẹ Kim Ngân gửi Tín Dụng (Ảnh: Minh Nhân).

Người mẹ tên Kim Ngân gửi đến con trai Tín Dụng đôi lời tâm tình, mong con hiện thực hóa khát vọng và ước mơ để sau này giúp đỡ gia đình, cộng đồng và đất nước.

Ở một đất nước xa xôi, mở bức thư của mẹ, Dụng bật khóc. Cậu lấy tờ giấy trắng viết dòng chữ: "Luôn cố gắng để bố mẹ không phải lo lắng. Hãy dám ước mơ… Hãy nghĩ lớn… Những con đường mới đang chờ mình khai phá".

Vốn là một cậu bé có khát vọng và mục tiêu, Tín Dụng phấn đấu đi du học, khát vọng trở về xây dựng và hỗ trợ quê hương từ những hiểu biết của mình về tài chính. Cậu bé mang theo tình cảm quê hương, gia đình, thầy cô, bạn bè đi khắp năm châu, với tinh thần trách nhiệm đóng góp cho đất nước.

Bức thư được trích từ câu chuyện "Mẹ tin con sẽ vững bước" trong cuốn sách Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền, của tác giả Lê Thị Thúy Sen (Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành trong tháng 12.

"Cánh cò cõng nắng cõng mưa

Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương"

Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền là truyện tranh tài chính đầu tiên cho gia đình Việt, gồm 30 câu chuyện, được chia thành 3 chương. 

Cuốn sách xoay quanh những kiến thức tài chính như tiền (lịch sử của tiền, giá trị kinh tế - xã hội của đồng tiền, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỷ giá... tác động ra sao đến cuộc sống, ứng xử trong giao dịch tiền tệ, nội tệ, ngoại tệ...); đầu tư tài chính (chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ...) hoặc ngân hàng (lịch sử, hoạt động ngân hàng, những lưu ý khi gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán...).

Cũng giống bà mẹ Kim Ngân, MC Quyền Linh nhận ra nhiều bài học giá trị về tài chính mà trước đây do chưa hiểu nên từng bị mất tiền oan. Anh giới thiệu cuốn sách với hai con gái Mai Thảo Linh (Lọ Lem) và Mai Thảo Ngọc (Hạt Dẻ).

Nam MC mong muốn hai con sẽ tìm thấy những bài học về tài chính qua câu chuyện giàu lòng nhân ái.

"Cuốn sách đã truyền cảm hứng về sự cố gắng, lòng nhân ái, trách nhiệm của người con với gia đình và xã hội. Đây là món quà ba Linh dành cho Lọ Lem khi chuẩn bị bước vào tuổi 18", cô bé Lọ Lem tâm sự.

Để truyền tải kiến thức tài chính khô khan nhưng bất kỳ ai cũng hiểu được, tác giả đã khéo léo khai thác các câu chuyện đời thường xoay quanh gia đình Tín Dụng.

Gia đình gồm ông bà nội, bà ngoại, mẹ Kim Ngân, bố Tiết Kiệm, Tín Dụng và em gái Tài Chính. Họ phải đối mặt nhiều tình huống vui buồn, lo âu về tiền bạc và tài chính như: sự quan trọng của việc hiểu đúng, hiểu rõ về giá trị của đồng tiền; cách tiêu tiền thông minh; cách tránh bẫy lừa đảo liên quan gửi tiết kiệm; kiến thức về đầu tư tài chính, ngân hàng…

May mắn, nhờ sự trợ giúp đặc biệt của "bác sĩ tài chính" Tiên Huyền và những "đơn thuốc tài chính", họ dần hiểu được tầm quan trọng của việc có kiến thức và biết cách quản lý tài chính.

Không chỉ nhằm mục đích bổ sung kiến thức tài chính, nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người trong Khéo khôn với tiền đã chạm đến cảm xúc của người đọc, như: chuyện về bữa cơm lạm phát của bà, cựu chiến binh đau đáu nỗi đau mất đồng đội, đôi ủng ướt sũng của mẹ…

Bức thư thấm tình mẹ trong truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền - 2

Tác giả dẫn dắt câu chuyện đôi ủng của mẹ để lý giải tiền là tích lũy sức lao động (Ảnh: Minh Nhân).

Câu chuyện "Đôi ủng của mẹ và đôi giày mới của con" kể về Tín - anh họ của Tín Dụng, con trai của bà Vay. Trong bữa cơm, Tín bày tỏ mong muốn được tặng đôi giày hàng hiệu đắt đỏ nhân dịp sinh nhật.

Khi nhìn thấy giá tiền, bà Vay tỏ ra hốt hoảng, dặn con "chọn đôi vừa tiền thôi, mẹ còn phải lo nhiều việc". Nghe mẹ nói vậy, Tín hờn dỗi, rời khỏi bàn ăn.

Tối hôm ấy, trời mưa gió bão bùng, gió thổi như xé vải ngoài cửa, gần nửa đêm bà Vay vẫn chưa về nhà. Tín gọi mãi nhưng mẹ không bắt máy. Cậu lo mẹ gặp nguy hiểm vì đường ngập nửa bánh xe.

Sau cùng, bà Vay cũng về đến nhà, người ướt đẫm nước mưa, tóc bết vào trán. Tín nhìn xuống đôi ủng ướt sũng của mẹ, mang cất vào tủ để giày.

Khi nhìn lên giá, cậu nhận ra mẹ chỉ có một đôi giày cũ, một đôi dép lê và một đôi ủng, còn cậu có tận 5 đôi giày.

Sau buổi tối hôm đó, Tín biết thương mẹ hơn, không những không đòi giày mới nữa, mà biết đỡ đần việc nhà giúp mẹ bớt mệt nhọc.

Bác sĩ Tiên Huyền "thăm khám", rồi nhận định kiếm được đồng tiền đúng là "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", chúng ta phải biết trân trọng giá trị của đồng tiền.

Để có tiền, chúng ta phải lao động và làm việc, tiền được hiểu là tích lũy thành quả lao động. Tiền bạc có thể tính toán được, nhưng công lao cha mẹ to lớn như trời biển.

Bức thư thấm tình mẹ trong truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền - 3

Bữa cơm của bà phản ánh vấn đề lạm phát (Ảnh: Minh Nhân).

Trong câu chuyện "bữa cơm của bà", Tín Dụng theo bà ngoại đi chợ mua thực phẩm. Khi đến các hàng bán thịt, cá, trứng… bà chỉ hỏi giá rồi đi, thắc mắc "sao cái gì cũng đắt hơn tháng trước".

Dừng chân tại quầy thịt, bà ngoại hỏi giá một cân thịt thăn, người bán hàng thông báo 100.000 đồng, tăng 20.000 đồng so với tháng trước do lạm phát.

Hai bà cháu Tín Dụng không hiểu "lạm phát là gì". Bà ngoại than thở "Mỗi ngày đi chợ một tăng giá, đi chợ như rơi mất tiền, cái gì cũng đắt đỏ. Thu nhập thì vẫn thế, giá cả tăng nên thôi thì "liệu cơm gắp mắm" vậy".

Bác sĩ Tiên Huyền giải thích lạm phát là sự tăng giá của hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định, dẫn đến sự mất giá trị của một loại tiền tệ. Nghĩa là bà ngoại sẽ phải mất nhiều tiền hơn để mua cùng một lượng thịt so với trước kia.

Ở những phần cuối của Khéo khôn với tiền, là câu chuyện xúc động về "Quyển sổ tiết kiệm và lọ penicillin". Có lần, ông nội kể với Tín Dụng, khi ông 18 tuổi được gọi lên đường nhập ngũ, chiến đấu dọc đường Trường Sơn. Đơn vị ông đóng quân trên địa bàn Huế, Quảng Bình, Quảng Trị…

Ngày nhập ngũ, đơn vị phát cho mỗi người một lọ penicillin rỗng, trong đó có một mảnh giấy hoặc mảnh kim loại nhỏ có ghi, khắc tên tuổi, quê quán của mình.

Ông và đồng đội được căn dặn luôn để cái lọ trong túi áo, nếu hi sinh thì sẽ có ngày đồng đội và người nhà tìm được hài cốt.

Trong một trận chiến ác liệt, đơn vị có 17 người hi sinh, nhưng chỉ có 4 người được mai táng kèm lọ penicillin. Một đồng đội tên Chiến bị thương nặng, được ông nội cõng vào hầm. Nhưng người này cũng lịm dần và hi sinh trên tay ông.

Ngày hòa bình lập lại, ông cùng mẹ ông Chiến vào chiến trường xưa tìm mộ ông ấy. Nhờ lọ penicillin, người ta biết tên, tuổi của người hi sinh và quy tập hài cốt của ông Chiến về nghĩa trang liệt sĩ xã. Gia đình ông Chiến cũng được an ủi phần nào.

Bức thư thấm tình mẹ trong truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền - 4

Câu chuyện xúc động về lọ penicillin của ông nội.

Một lần, mẹ Kim Ngân vào phòng Tín Dụng, thấy một cái lọ thủy tinh, bên trong có tờ giấy cuộn tròn ghi 4 mục tiêu của cậu bé: "Quyết tâm học tập để mở mang kiến thức; Bỏ chơi game, quyết tâm đỗ vào trường chuyên, chinh phục trường top 30 thế giới; Chăm luyện tập để vào đội tuyển bóng rổ; Luôn cố gắng để bố mẹ và ông bà vui".

Tín Dụng sau đó xin bố mẹ một khoản tiền, gửi ông nội đi thăm đồng đội. Ông quyết định cùng Dụng mang tiền đi gửi tiết kiệm, sau này Dụng lớn lên, ông sẽ tặng lại.

Bác sĩ Tiên Huyền cảnh báo gửi tiết kiệm tưởng đơn giản nhưng không cẩn thận cũng gặp nhiều chuyện rắc rối. Những người lớn tuổi như ông nội dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ mua trái phiếu, bảo hiểm.

Bác sĩ đã kê đơn thuốc "đi gửi tiết kiệm", nhấn mạnh "4 không" và "5 có". Trong đó, "4 không" gồm: Không nhờ người khác gửi tiền hộ, kể cả nhân viên ngân hàng; Không ký khống giấy tờ ngân hàng; Không gửi tiền ngoài địa điểm hợp pháp của ngân hàng; Không cho mượn sổ tiết kiệm.

"5 có" gồm: Kiểm tra các thông báo của ngân hàng để nắm được biến động số dư; Tuân thủ các quy định của ngân hàng về gửi tiết kiệm; Gửi theo khung giờ quy định của ngân hàng; Kiểm tra kỹ các thông tin trên sổ tiết kiệm; Báo kịp thời ngân hàng nếu bị mất sổ tiết kiệm.

Gần 30 câu chuyện, được chia thành 3 chương trong Khéo khôn với tiền không hề khiên cưỡng mà thấm đẫm tình cảm gia đình, tình đồng đội, tình yêu thương giữa người với người. Đây chính là sợi dây kết nối, giúp các thành viên vượt qua mọi khó khăn, hướng đến an lành và hạnh phúc.

"Phần thưởng lớn nhất với tôi là cuốn sách được lan tỏa"

Hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, truyền thông và tham gia cố vấn một số chương trình truyền hình về truyền thông giáo dục tài chính, tác giả Lê Thị Thúy Sen đã chứng kiến nhiều người gặp sự cố, thậm chí rơi vào cảnh trắng tay. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hiểu biết, kỹ năng về quản lí tài chính, ngân hàng.

Tại Việt Nam, không chỉ trẻ em mà người trưởng thành hiểu biết về tài chính còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, dẫn đến rủi ro tài chính.

"Là người mẹ có hai cậu con trai đang tuổi học trò, tôi hiểu trong cuộc sống bề bộn, các con muốn trưởng thành cần được tiếp cận với kiến thức cơ bản về tài chính, hiểu giá trị đồng tiền, kể cả khi sống phụ thuộc cha mẹ hay tự lập sau này. Từ đó, các con biết yêu lao động, vượt khó, ham học, sống có trách nhiệm và khát vọng...", bà Thúy Sen cho hay.

Bức thư thấm tình mẹ trong truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền - 5

Bìa sách "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền".

Từ khối lượng kiến thức tài chính khổng lồ, tác giả đã lựa chọn những vấn đề cơ bản mà người dân quan tâm hiện nay, như giá trị đồng tiền, tiền điện tử, trái phiếu, chứng khoán, đầu tư… để đưa vào sách.

Khó khăn lớn nhất với tác giả là truyền đạt kiến thức về tài chính, ngân hàng mà bất cứ ai đọc cũng gặp hình ảnh của mình ở đó, dễ hiểu, dễ áp dụng và giàu tính nhân văn, giáo dục để hướng đến những điều tốt đẹp.

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc đã giúp bà dẫn dắt kiến thức tài chính, ngân hàng một cách mộc mạc, dễ hiểu đến bạn đọc.

Xuyên suốt 280 trang của cuốn truyện tranh có tới gần 100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ xuất hiện đan xen trong lời mào đầu mỗi câu chuyện hay lời thoại dí dỏm, thông minh của các nhân vật.

Bức thư thấm tình mẹ trong truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền - 6

Tác giả Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

"Khéo ăn thì no - Khéo co thì ấm" (Chỉ nên chi tiêu những thứ thật cần thiết).

"Làm khi lành để dành khi đau" (Chi tiêu cần tiết kiệm để dự phòng tài chính cho tương lai)

"Cho nhau vàng không bằng trỏ đàng đi buôn" (Nên dành một khoản tiền hoặc vay vốn để đầu tư, kinh doanh phù hợp).

"Có trời cũng phải có ta" (Nên dành khoản tiền phù hợp để lo cho bản thân, như dành tiền cho sức khỏe, du lịch…).

"Người không học như ngọc không mài" (Nên dành tiền để đầu tư cho giáo dục, học tập để gia tăng giá trị bản thân, chăm chỉ và yêu lao động).

"Dẫu xây chín bậc phù đồ - Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người" (Nên dành khoản tiền phù hợp để cống hiến, hỗ trợ cho cộng đồng và xã hội).

"Mong muốn và phần thưởng lớn nhất với tôi là cuốn sách được bạn đọc đón nhận và lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Qua cuốn sách này, tôi mong muốn các bậc phụ huynh có thêm nguồn tư liệu để chia sẻ kiến thức tài chính, ngân hàng với con mình", bà Sen nói.

ThS. Lê Thị Thúy Sen là Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà có hơn 20 năm công tác liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, truyền thông, bảo hiểm tiền gửi, cố vấn các chương trình truyền hình Tiền khéo Tiền khôn - Kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, Tay hòm chìa khóa - Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.