Bức điêu khắc trị giá hơn 3.000 tỷ đồng giải cứu 150 người khỏi thất nghiệp

(Dân trí) - Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh đang rơi vào một tình cảnh khó khăn khi phải quyết định giữa việc bán bức điêu khắc quý giá của Michelangelo hay phải để 150 nhân viên mất việc.

Bức điêu khắc trị giá hơn 3.000 tỷ đồng giải cứu 150 người khỏi thất nghiệp - 1

Gian trưng bày của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh

Hiện tại, Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh (nằm ở London, Anh) đang gặp phải khó khăn kinh tế, ban quản lý buộc phải đưa ra bàn bạc về việc đem bán một siêu phẩm nghệ thuật của thời kỳ Phục hưng với mức giá ước đoán lên tới hơn 100 triệu bảng Anh (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng), những mong có thể giải cứu nơi này khỏi tình trạng khó khăn kinh tế và giúp 150 nhân viên không rơi vào cảnh mất việc làm.

Bức điêu khắc bằng đá hoa cương có tên “Taddei Tondo” do nghệ sĩ Michelangelo thực hiện vốn được xem là một báu vật của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh. Bức điêu khắc này tính đến nay đã 515 tuổi, tác phẩm từng được tặng cho Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh hồi năm 1829 sau khi người sở hữu tác phẩm qua đời. Đó là quý bà Margaret Beaumont, bà tặng tác phẩm này lại cho học viện với mong muốn truyền cảm hứng cho các sinh viên theo học nghệ thuật tại nơi đây.

Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giờ đây, họ cần phải hành động để đưa ra một quyết định dứt khoát. Hiện giờ, đây là bức điêu khắc duy nhất được thực hiện bởi nghệ sĩ người Ý Michelangelo đang nằm trên lãnh thổ Anh.

Bức điêu khắc trị giá hơn 3.000 tỷ đồng giải cứu 150 người khỏi thất nghiệp - 2

Bức điêu khắc “Taddei Tondo”

“Taddei Tondo” là tên gọi tắt của tác phẩm điêu khắc chưa hoàn thiện này. Tên đầy đủ của tác phẩm là “Đức Mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng bên Thánh John bé nhỏ”. Tác phẩm vốn được đặt hàng bởi một thương gia buôn vải giàu có có tên Taddeo Taddei. Thuật ngữ “tondo” trong nghệ thuật Phục hưng dành để chỉ hình tròn. Các chuyên gia nghệ thuật tin rằng tác phẩm này được thực hiện ở đầu thế kỷ 16 khi nghệ sĩ Michelangelo mới bắt đầu đến sống ở Florence, Ý.

Hiện tại, đang có nhiều tranh luận xung quanh ý tưởng đem bán tác phẩm để giải cứu học viện khỏi khó khăn kinh tế. Đại diện của học viện đã lên tiếng trước giới truyền thông về vấn đề này, cho thấy quyết tâm sẽ vượt qua khó khăn mà không đem bán tác phẩm quý: “Chúng tôi không có ý định bán bất cứ tác phẩm nào trong bộ sưu tập của mình. Chúng tôi có trách nhiệm phải giữ gìn những tác phẩm nghệ thuật. Đó là trách nhiệm của chúng tôi đối với bộ sưu tập cần được bảo vệ vĩnh viễn này, để các thế hệ hiện tại và tương lai vẫn có thể thưởng thức tác phẩm”.

Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh không chỉ là một nơi giảng dạy nghệ thuật mà còn là điểm đến của những người yêu nghệ thuật. Nơi đây có sự hoạt động độc lập về kinh tế và phụ thuộc khá nhiều vào lượng vé tham quan bán ra, lượng hàng hóa bán ra tại cửa hàng lưu niệm, bên cạnh đó là nguồn thu đến từ các nhà tài trợ.